Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vì sao gỡ mãi chưa xong?

Trần Mạnh Đạt

Thứ năm, 21/09/2023 - 06:36

(Thanh tra) - Công điện 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá, đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, công tác hoàn thuế vẫn còn nhiều tồn đọng, vướng mắc.

Cơ quan thuế nhận thấy một số doanh nghiệp hoàn thuế xuất khẩu các mặt hàng sắn, gỗ, dăm gỗ, lâm sản có rủi ro cao về thuế. Ảnh: Hoàng Nam

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, triển khai nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 470/CĐ-TTg và Công văn số 5427/BTC-VP của Bộ Tài chính, ngay trong ngày 26/5/2023 đã ban hành Văn bản số 2099/TCT-KK, yêu cầu các cục trưởng cục thuế khẩn trương thực hiện ngay, không chậm trễ một số công việc, như: Cục trưởng chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý hoàn thuế GTGT trên địa bàn, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp; đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đã kiểm tra, xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thì khẩn trương ban hành quyết định hoàn thuế cho doanh nghiệp; các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đang kiểm tra, xác minh số thuế đủ điều kiện hoàn thì phải thông báo cho người nộp thuế (NNT) về tiến độ giải quyết hồ sơ, dự kiến thời gian sẽ giải quyết hoàn thuế cho NNT đảm bảo công khai, minh bạch...

Trường hợp hồ sơ đề nghị hoàn thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã chuyển cơ quan điều tra thì phải có thông báo bằng văn bản cho NNT được biết, và căn cứ kết luận của cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định pháp luật theo Điều 34, Điều 35 Thông tư số 80/202UTT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính…

Đối với các hồ sơ hoàn thuế GTGT đang có vướng mắc, phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp: Tổ chức đối thoại ngay với hiệp hội, doanh nghiệp để làm rõ vướng mắc, tổng hợp báo cáo kết quả về Tổng cục Thuế; chủ động xử lý, giải quyết các vướng mắc trong thẩm quyền của cục thuế, trường hợp vướng mắc vượt quá thẩm quyền xử lý của cục thuế thì báo cáo Tổng cục Thuế để được kịp thời hướng dẫn xử lý.

Tiếp đó, ngày 15/6/2023, Tổng cục Thuế ban hành Văn bản số 2426/TCT-KK, yêu cầu cục thuế các địa phương định kỳ chậm nhất 16giờ ngày thứ 6 hàng tuần, phải tổng hợp kết quả thực hiện công việc nêu tại Công văn số 2099/TCT-KK, báo cáo gửi về Tổng cục Thuế.

Ngày 19/6/2023, Tổng cục Thuế lại tiếp tục ban hành Văn bản số 2489/TCT-VP về việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT.

Ngày 9/8/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công điện số 07/CĐ-TCT về việc đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT.

Máy móc của Công ty CP 12/11 Hạ Long nằm im trong sân bãi vì doanh nghiệp không được hoàn thuế, thiếu vốn để nhập, xuất hàng. Ảnh: Hoàng Nam

Theo số liệu thống của Tổng cục Thuế từ ngày 1/1/2022 đến ngày 17/5/2023, cơ quan thuế đã giải quyết hoàn thuế cho 4.760 hồ sơ, tương ứng với số tiền đã được hoàn là 19.101 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 91,4% so với tổng số hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp; số hồ sơ doanh nghiệp hủy đề nghị hoàn thuế là 215 hồ sơ, tương ứng với số tiền đề nghị hoàn là 1.514 tỷ đồng, chiếm 4,1% so với tổng số hồ sơ đề nghị; số hồ sơ bị cơ quan thuế từ chối đề nghị hoàn là 44 hồ sơ, tương ứng với số tiền là 310 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,8% và có 194 hồ sơ chưa được cơ quan thuế giải quyết, tương đương số tiền là 1.068 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, qua rà soát các thông tin quản lý thuế, cơ quan thuế nhận thấy một số doanh nghiệp hoàn thuế xuất khẩu các mặt hàng sắn, gỗ, lâm sản có rủi ro cao về thuế, số thuế được hoàn phát sinh ở khâu trung gian (do khâu thu mua trực tiếp từ người dân trồng rừng chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán ra, thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT), tại khâu trung gian chủ yếu phát sinh các chi phí quản lý, chi phí logistic... nên một số đối tượng đã lợi dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước để gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Vì vậy, cơ quan thuế phải thực hiện kiểm tra, xác minh.

Theo phản ánh của 11 doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, hiện nay, số thuế GTGT mà các doanh nghiệp này chưa được hoàn đã lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Lý do được Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đưa ra là do chưa xác minh được nguồn gốc dăm gỗ xuất khẩu (việc xác minh này bắt đầu được thực hiện từ khi Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 633/TCT-TTKT ngày 7/3/2022).

Các thông báo dừng giải quyết hồ sơ hoàn thuế là nguyên nhân tạo ra sự chênh lệch về số liệu hoàn thuế giữa Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh và thống kê của các doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Nam

Phóng viên Báo Thanh tra đã có buổi làm việc với Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh để tìm hiểu về việc này.

Ông Mai Chiến Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh xác nhận đúng là việc xác minh hồ sơ hoàn thuế rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian, ngay cả khi có sự vào cuộc của cơ quan công an. Thực tế hiện nay, tại Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, hồ sơ đề nghị hoàn thuế của các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ chỉ có khoảng hơn 100 tỷ đồng.

Sở dĩ có sự chênh lệch rất lớn về số liệu giữa Cục Thuế Quảng Ninh với các doanh nghiệp là do sau khi nhận hồ sơ và xác minh, đã ban hành các thông báo tạm dừng giải quyết hồ sơ hoàn thuế do chưa nhận được kết quả xác minh của cơ quan có thẩm quyền. Sau khi có kết quả xác minh, cơ quan thuế mới tiếp tục giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định.

Hơn 1 năm qua, các doanh nghiệp càng xuất khẩu thì càng bị đọng tiền thuế GTGT do không được hoàn, vốn kinh doanh vì thế cũng ngày càng cụt dần.

Trong số 11 doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ tại Quảng Ninh, đơn vị bị nợ đọng ít nhất cũng là 50 tỷ đồng, nhiều nhất là gần 200 tỷ đồng. Đa phần đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, một vài doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, chấp nhận mất khách hàng, mất thị trường vì không thể xoay sở được nguồn vốn đảm bảo kinh doanh, càng làm, càng nợ.

Ghi nhận những thông tin này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết sẽ khẩn trương rà soát, kiểm tra để tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Về đề xuất đưa mặt hàng dăm gỗ vào nhóm không chịu thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, để đảm bảo theo yêu cầu Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 28/7/2023 là nghiên cứu thu hẹp hơn nữa phạm vi áp dụng đối tượng không chịu thuế GTGT, Tổng cục Thuế không đề xuất đưa mặt hàng dăm gỗ, tinh bột sắn vào nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đồng Nai: Vì sao qua thanh tra không phát hiện vi phạm tại Ban Quản lý dự án huyện Thống Nhất?

Đồng Nai: Vì sao qua thanh tra không phát hiện vi phạm tại Ban Quản lý dự án huyện Thống Nhất?

(Thanh tra) - Kết luận thanh tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai xác định Ban Quản lý dự án (BQLDA) huyện Thống Nhất không có vi phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu thầu… Tuy nhiên, theo dữ liệu của PV Báo Thanh tra thì tại BQLDA huyện Thống Nhất tồn tại nhiều vấn đề cần được làm rõ.

Chu Tuấn

21:36 20/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm