00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

TS. Nguyễn Đình Cung: Kỷ nguyên mới sẽ bắt đầu từ những thay đổi trong tư duy của Nhà nước

Khánh Linh

Thứ sáu, 31/01/2025 - 06:30

(Thanh tra) - Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới với tâm thế và cơ hội rất lớn, với chìa khóa là tư duy cải cách thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, đặt nhà nước về đúng vị trí.

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: Khánh Linh

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, năm 2025 sẽ là một năm vất vả, bận rộn với bộ máy Nhà nước nhưng sẽ chuẩn bị những điều kiện tiên quyết để nền kinh tế bứt phá, bước vào kỷ nguyên mới.

+ Thưa ông, điều gì khiến ông đặt niềm tin vào những thay đổi thể chế trong năm 2025? Nhiều năm nay, cải cách thể chế vẫn luôn được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược, nhưng thực tế, nhiều đánh giá cho thấy, kết quả chưa đạt được như kỳ vọng?

TS. Nguyễn Đình Cung: Tôi đặt niềm tin vào thời điểm này, với nhân tố mới tư duy rất rõ ràng, mạch lạc và đối diện với thực tế trong thay đổi, cải cách thể chế.

Tôi muốn nhắc đến bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội XV vừa qua. Ông đã nói đến “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”, nhấn mạnh khâu thực thi pháp luật là “yếu”, phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa khơi thông nguồn lực trong dân, yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.

Điều này rất quan trọng, vì tư duy này được Tổng Bí thư đưa ra, định hướng ngay trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện các văn kiện Đại hội XIV, có nghĩa là sẽ được thể hiện bằng đường lối, chủ trương của Đảng trong các văn kiện trình Đại hội XIV, cũng sẽ là tư tưởng chỉ đạo chính trong trong giai đoạn thứ 2 của kỳ chiến lược thứ ba của đất nước (2021-2030).

Khi tư duy thay đổi, chắc chắn hành động sẽ thay đổi. Thực tế đã cho thấy những bước đột phá rất lớn, rất căn bản của nền kinh tế Việt Nam khi tư duy bao cấp, kế hoạch hóa bị xóa bỏ, thay thế bằng tư duy cải tiến nền kinh tế từng bước theo kinh tế thị trường tại Đại hội VI của Đảng, năm 1986. Chỉ sau 3 năm, Việt Nam từ chỗ thiếu ăn, phụ thuộc vào viện trợ, trở thành nước xuất khẩu gạo. Sau 4 năm, Việt Nam có Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, lần đầu tiên xác lập vị thế pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân.

Hay như năm 1999, với tư duy người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm của Luật Doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp tư nhân có bước phát triển đột phá. Chỉ trong năm đầu tiên thực thi Luật Doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập đã tương đương 10 năm trước đó...

+ Lần này, những yêu cầu thay đổi tư duy xuất phát từ những yêu cầu bức bách của thực tiễn, có được sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, với tốc độ rất nhanh, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh “dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm”. Thực thi đúng yêu cầu này, sẽ có một hệ thống cơ chế, chính sách mới thực sự thúc đẩy phát triển, khơi thông nguồn lực, cả sức sáng tạo, nguồn vốn và cả khát vọng phát triển của người dân. Theo tôi, đây chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.

Vì sao tôi nói vậy? Cứ hình dung, thể chế như đường cao tốc 5 làn, tốc độ tối đa là 120 km/h, nhưng với tư duy không quản được thì cấm, lo xe chạy nhanh dễ bị tai nạn hay lo chất lượng xe không đảm bảo, cứ mỗi đoạn lại làm 1 trạm kiểm soát, một barie, các phương tiện chưa kịp tăng tốc đã phải giảm. Chưa kể, qua mỗi trạm kiểm soát, thời gian chờ đợi kéo dài.

Đặc biệt, mỗi ngành sẽ vì trách nhiệm quản lý Nhà nước được giao, sẽ thiết kế các cơ chế phục vụ mục tiêu quản lý, giám sát theo yêu cầu của ngành. Các quy định thiếu thống nhất, cài răng lược khiến người thực thi, kể cả công chức và doanh nghiệp, nản lòng.

Cách đây nhiều năm, khi làm việc với các bộ, ngành về cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt bỏ giấy phép con, tôi cảm nhận rất rõ sự chi phối của tư duy này trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Nên mới có tình trạng, giấy phép này vừa được bãi bỏ, thì ở đâu đó lại xuất hiện điều kiện mới, với tên gọi khác. Hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh đầy rẫy điều kiện, ràng buộc…

+ Kiên quyết bãi bỏ tư duy này, có nghĩa là các điểm nghẽn hiện hữu sẽ được tháo gỡ, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Không chỉ là điểm nghẽn hiện hữu mà là sự thay đổi của hệ thống cơ chế, chính sách. Tư duy mới không thể vận hành với hệ thống cơ chế, chính sách hiện tại. Vì vậy, những văn bản sẽ được sửa đổi, thay thế sẽ phải vận hành với tư duy mới, theo hàm ý, sẽ không còn chỗ cho luật lệ ban hành để quản lý, giám sát, mà sẽ là cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, tập trung khuyến khích, tạo cơ hội phát triển.

Khi đó, các quy định pháp luật về kinh tế sẽ được thiết kế theo hướng quản lý theo mục tiêu, thay vì quy trình.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh là “chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển… Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành”. Cơ chế phân cấp cũng sẽ theo hướng địa phương quyết - làm - địa phương chịu trách nhiệm.

+ Như vậy, sẽ cần một cuộc rà soát, sàng lọc toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật. Khối lượng công việc rất lớn, có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng rất tham vọng của năm 2025 không, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Năm 2025 sẽ là một năm rất vất vả, khó nhọc, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của bộ máy Nhà nước. Chỉ riêng việc hoàn thiện thể chế theo yêu cầu tháo gỡ điểm nghẽn, dù quan điểm rõ, nhưng làm thế nào, cách làm ra sao thì cần trách nhiệm, tinh thần dám nghĩ, dám làm của đội ngũ công chức, các cơ quan bộ, ngành.

Nhất là trong năm nay, công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ đang được thực hiện rất rốt ráo, quyết liệt, với những thay đổi mang tính cách mạng, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ công việc.

Tuy nhiên, quan điểm của tôi là nếu các điểm nghẽn đã nhận diện không được tháo, sẽ không tạo ra được động lực, cơ hội phát triển, không tạo ra động lực để huy động nguồn lực và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, phát huy sáng kiến… và không thể xóa đi vết hằn về niềm tin tương đối lớn trong bộ máy và người dân kinh doanh.

Có thể nói, những cải cách thời gian vừa qua chủ yếu về phía thị trường, trong khi vai trò của Nhà nước chưa thay đổi nhiều. Nếu Nhà nước không thay đổi, thì thị trường sẽ không thể tiếp tục cải thiện được. Vì vậy, thay đổi tư duy, phương thức, công cụ quản lý Nhà nước; thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý Nhà nước, năng lực của Nhà nước... sẽ thúc đẩy thị trường phát triển.

Lúc này, đất nước cần sự cần sự lãnh đạo quyết đoán, dứt khoát, mạch lạc và bộ máy giúp việc dám nghĩ, dám là, trách nhiệm và hành động. Tôi tin đây là cơ hội cho những người dám nghĩ, dám làm, những người hành động vì sự phát triển.

+ Xin cám ơn ông!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Những dự án giao thông nào được ưu tiên đầu tư trước năm 2030?

Những dự án giao thông nào được ưu tiên đầu tư trước năm 2030?

(Thanh tra) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 29 dự án đường bộ thuộc diện dự án quan trọng quốc gia sẽ được ưu tiên đầu tư trước năm 2030.

Trần Quý

12:58 24/02/2025
Nghệ An: Sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Quỳnh Lập

Nghệ An: Sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Quỳnh Lập

(Thanh tra) - Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Quỳnh Lập thực hiện tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An có công suất 1.500MW (gồm 2 tổ máy x 750MW) sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, kho và hệ thống tái hóa LNG; Bến cảng tiếp nhận LNG cho tàu có trọng tải từ 100.000DWT đến 150.000DWT và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Văn Thanh

12:17 24/02/2025

Tin mới nhất

Xem thêm