Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Vì sao giải ngân vốn đầu tư công còn chậm?

Thu Huyền

Thứ ba, 08/10/2024 - 19:01

(Thanh tra) - Trong 9 tháng năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công Thành phố Hồ Chí Minh thấp, chỉ 15.802,7 tỷ đồng, đạt 19,9% kế hoạch vốn năm 2024. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và thành phố có những giải pháp nào để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 95%?

Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vẫn chưa hoàn thành 100% khối lượng. Ảnh: Thu Huyền

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp

Theo thông tin từ Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 9/2024, vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý (bao gồm cấp thành phố và cấp huyện) ước thực hiện đạt 4.875,5 tỷ đồng, tăng 4,6% so với tháng trước và giảm 6,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách cấp thành phố quản lý ước thực hiện 4.871 tỷ đồng, giảm 5,6% so với cùng kỳ; vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện 4,5 tỷ đồng, bằng 12,6% so với cùng kỳ (do kế hoạch vốn từ ngân sách cấp huyện năm 2024 chỉ bằng 16,8% năm 2023).

Tính chung 9 tháng năm 2024, đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 30.190 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ (9 tháng năm 2023 thực hiện 30.138,1 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách cấp thành phố quản lý ước thực hiện 30.149,2 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ, đạt 38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện 40,8 tỷ đồng, bằng 13% so với cùng kỳ, đạt 36,2% kế hoạch cấp huyện.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, trong 9 tháng năm 2024, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh đã giải ngân là 15.802,7 tỷ đồng, đạt 19,9% so với kế hoạch vốn năm 2024. Nếu so sánh với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng của cả nước là 47,29% thì tỷ lệ giải ngân của Thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn rất nhiều. Điều này đang gây áp lực lớn cho thành phố trong những tháng cuối năm, để hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 95%.

Trong phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 9 và triển khai nhiệm vụ công tác 3 tháng cuối năm 2024 do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 1/10/2024, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đánh giá tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đạt rất thấp. Tuy nhiên, hiện tại thành phố không có ý định điều chỉnh chỉ tiêu giải ngân đầu tư công năm 2024, mà cần tập trung vào giải pháp để giải ngân cao nhất (đạt tỷ lệ giải ngân 95% trong số hơn 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024).

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên gặp khó khăn do mặt bằng chưa “sạch”. Ảnh: Thu Huyền

Đâu là nguyên nhân?

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 3/10/2024, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã lý giải các nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng.

Theo đó, trong kỳ trung hạn 2021 - 2025, Thành phố Hồ Chí Minh được giao 249.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, trong đó có 49% vốn được giao giữa kỳ. Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, thông thường việc giao vốn phải giao ngay đầu kỳ, nhưng khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội thì được bổ sung thêm 107.000 tỉ vào cuối năm 2023. Những dự án dùng số vốn này phần lớn đang trong quá trình triển khai thủ tục, chưa đến thời điểm giải ngân.

Nguyên nhân tiếp theo ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là tiến độ giải ngân trong công tác giải phóng mặt bằng đó là việc triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024. Cụ thể, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực (từ ngày 1/8/2024) thì chi phí giải phóng mặt bằng các dự án có sự thay đổi theo hướng tăng lên, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án phải tạm dừng để điều chỉnh kế hoạch, quy trình, thủ tục cho phù hợp. Trong khi đó, số vốn giải phóng mặt bằng chiếm tỷ lệ cao trong tổng vốn đầu tư công của thành phố.

Ngoài ra, tình trạng thiếu vật liệu, cát san lấp cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công Thành phố Hồ Chí Minh.

Để hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt tỷ lệ 95%, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung thực hiện các giải pháp. Cụ thể, lập kế hoạch chi tiết cho từng đơn vị, dự án, chương trình, tổ chức thường xuyên các cuộc giao ban để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của từng dự án. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND thành phố cũng thành lập các tổ chuyên trách trực tiếp để theo dõi, rà soát báo cáo thường xuyên đối với từng dự án.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, 9 tháng năm 2024, các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố đang được tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành hơn 98,4% khối lượng; Dự án tuyến đường sắt Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cơ bản đã hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường 584/586 trường hợp, đạt 99,6%; Dự án thành phần 1 đường Vành đai 3 có tổng khối lượng thi công đạt gần 16% giá trị hợp đồng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm