Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

PVN, Viettel, VRG đứng đầu khối doanh nghiệp nhà nước có vốn đầu tư ra nước ngoài

Hương Giang

Thứ sáu, 14/10/2022 - 14:59

(Thanh tra) - “Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của PVN, Viettel, VRG chiếm 94% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn Nhà nước”, báo cáo Chính phủ nêu.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện lớn nhất

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, việc đầu tư ra nước ngoài của DNNN tuân theo Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước và các pháp luật liên quan như đầu tư…

Thực tế, hiện nay việc đầu tư ra nước ngoài của khối DNNN không hoàn toàn do công ty mẹ trực tiếp đầu tư mà chủ yếu do các công ty con thực hiện các dự án đầu tư.

30 DNNN đầu tư 137 dự án tại nước ngoài

Tổng hợp báo cáo từ 21 bộ, 61 địa phương và 25 tập đoàn, tổng công ty, DNNN, Chính phủ cho biết, tính đến ngày 31/12/2021, có 30 DNNN, doanh nghiệp có vốn Nhà nước (tăng 2 doanh nghiệp so với 2020) đầu tư 137 dự án tại nước ngoài, tăng 6 dự án so với 2020.

Số dự án này được các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp hoặc qua các công ty con cấp 1, cấp 2.

Trong số này, 10 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, 9 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng. Các bộ: Công Thương, Y tế, mỗi bộ có 1 doanh nghiệp. Hà Nội, TP HCM mỗi địa phương 2 doanh nghiệp.

Các tỉnh như Hà Tĩnh, Đắk Lắk, An Giang, mỗi địa phương 1 doanh nghiệp.

Có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận dự án đầu tư của các DNNN, doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Tính lũy kế đến hết năm ngoái, tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của các dự án là 6.615,45 triệu USD, bằng 55% vốn đăng ký.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện lớn nhất (3.992,28 triệu USD, chiếm 60% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài); tiếp theo là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) 1.469,94 triệu USD, chiếm 22%); Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) đứng thứ ba (770,8 triệu USD, chiếm 12%).

“Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của 3 doanh nghiệp này chiếm 94% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của khối DNNN, doanh nghiệp có vốn Nhà nước”, báo cáo Chính phủ nêu.

Các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài tiếp tục duy trì chủ yếu trong các lĩnh vực: Dầu khí; viễn thông; trồng, chế biến mủ cao su và các lĩnh vực khác (khai thác khoáng sản; nông nghiệp; xây lắp, thương mại, vận tải hàng không…).

Trong đó, lĩnh vực dầu khí, lĩnh vực viễn thông và lĩnh vực trồng, chế biến mủ cao su với 3 tập đoàn có số đầu tư lớn là các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài lớn nhất. Số vốn đầu tư ra nước ngoài của 3 lĩnh vực này chiếm 96% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài.

62 dự án có lợi nhuận, 30 dự án báo lỗ

Chính phủ cũng báo cáo rõ tình hình thu hồi vốn đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể, số vốn các doanh nghiệp thu hồi tại các dự án đầu tư ra nước ngoài, năm ngoái thu 509,7 triệu USD.

Trong đó, lãi chuyển về nước hơn 278,5 triệu USD. Các dự án có doanh thu, lãi chuyển về nước phần lớn của các tập đoàn, tổng công ty lớn, như PVN trên 288,3 triệu USD, Viettel hơn 147 triệu USD; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam 35 triệu USD, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 8,3 triệu USD…

Còn lại 6 doanh nghiệp khác thu hồi được 1,56 triệu USD vốn tại các dự án đã đầu tư ra nước ngoài. 18 doanh nghiệp không phát sinh thu hồi vốn trong năm 2021.

Lũy kế đến ngày 31/12/2021, có 62 dự án đầu tư ra nước ngoài của 14 doanh nghiệp đã phát sinh thu hồi vốn đầu tư, với tổng số vốn đã thu hồi lũy kế là 3.641,43 triệu USD (gồm lợi nhuận chuyển về nước là 1.744,5 triệu USD), bằng 55% tổng số vốn đã đầu tư ra nước ngoài.

Vẫn theo báo cáo của Chính phủ, năm ngoái có 88 dự án đầu tư ra nước ngoài có doanh thu, là 7.786,56 triệu USD, tăng 40% so với năm 2020.

Trong đó, 62 dự án có lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là 810,2 triệu USD (tăng 90% so với năm 2020). Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 284,82 triệu USD (tăng 166,3 triệu USD, gấp 2,4 lần năm 2020).

Bên cạnh các dự án có báo cáo có lãi, vẫn có 30 dự án bị lỗ với tổng số lỗ phát sinh trong năm là 335,53 triệu USD (tăng 42% so với số lỗ của các dự án báo lỗ năm 2020). 8 dự án viễn thông bị lỗ với tổng số lỗ là 293,32 triệu USD chiếm tỷ trọng lớn (87%).

Khoản lỗ này chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện của các dự án như tại thị trường Myanmar của Viettel là 246,98 triệu USD do thị trường Myanmar có chính biến, tỷ giá biến động mạnh.

Cạnh đó, còn 44 dự án có lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 1.335,10 triệu USD (giảm 02 dự án nhưng tăng 164,04 triệu USD so với năm 2020) tính hết năm 2021.

Doanh nghiệp cần tái cấu trúc hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Khái quát lại, Chính phủ đánh giá, nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài có sự chuyển biến tích cực với doanh thu và lợi nhuận tăng so với năm 2020 (tương ứng tăng 40% và 90%), số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam cũng tăng so với năm 2020 (gấp 2,4 lần năm 2020). Kết quả thu hồi vốn về Việt Nam của các dự án tăng mạnh so với năm 2020 (tăng 261 triệu USD, gấp 2 lần năm 2020).

Đến cuối năm 2021, có 62 dự án đầu tư ra nước ngoài của 14 doanh nghiệp đã phát sinh thu hồi vốn đầu tư, với tổng số vốn thu hồi bằng 55% tổng số vốn đầu tư thực hiện.

Một số dự án đầu tư ra nước ngoài đạt hiệu quả như: Dự án thăm dò khai thác dầu khí 04 lô tại Nhenhexky - Nga của PVN; một số dự án viễn thông của Viettel (tại Lào, Campuchia và Timor Leste) và một số dự án xây lắp của Viettel cũng đã thu hồi gấp nhiều lần số vốn đầu tư..

Dù vậy, khả năng dự báo và xây dựng dự án đầu tư của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa lường hết các vấn đề phát sinh... tác động ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả của dự án. Các dự án đầu tư ra nước ngoài có lỗ phát sinh, lỗ lũy kế tiếp tục tăng.

Những dự án gặp khó khăn, vướng mắc và tồn tại, tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục chưa phát sinh thu hồi vốn đầu tư hoặc có phương án tái cấu trúc trong năm 2021.

Chẳng hạn, một số lĩnh vực, dự án đầu tư không đạt hiệu quả, phải dừng đầu tư, có nguy cơ mất vốn, như: các dự án thăm dò, khai thác dầu khí của PVEP (có tỷ trọng vốn đầu tư cao), dự án muối mỏ Kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam…

Để nâng cao hiệu quả đầu tư ra nước ngoài, Chính phủ kiến nghị Quốc hội thúc đẩy quan hệ ngoại giao cấp Nhà nước giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận vốn đầu tư của các DNNN, doanh nghiệp có vốn Nhà nước để kiến nghị nước sở tại có chính sách ưu đãi, đầu tư nhất quán, minh bạch, tạo môi trường đầu tư ổn định, an toàn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Các DNNN cũng cần chú trọng hơn về tái cấu trúc hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong tổng thể thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài, thu lợi nhuận về nước của doanh nghiệp…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024
Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm