Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Viện trưởng CIEM: “Chuyển đổi số là cuộc chơi không thể không chơi”

Hương Giang

Thứ sáu, 08/01/2021 - 06:36

(Thanh tra)- Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, chuyển đổi số là cuộc chơi không thể không chơi, không thể không làm, nếu không sẽ bị đào thải…

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: CTV

Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 của Chính phủ “rất mỏng với khoảng 3 trang”.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, Nghị quyết 02 lần này được soạn thảo trên cách thức rất đổi mới.

“Những gì đã có trong Nghị quyết 02 năm 2019, 2020 thì tiếp tục giữ nguyên và đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chưa hoàn thành trong năm 2021. Cạnh đó, còn cộng thêm 4 trọng tâm lớn của Chính phủ”, Phó Viện trưởng CIEM nói.

Giải quyết triệt để những điểm mà doanh nghiệp vướng

+ Vậy 4 trọng tâm lớn của Chính phủ sẽ được triển khai để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 là gì, thưa ông?

- Đầu tiên, Chính phủ thấy những cải cách của chúng ta mới chủ yếu nằm trong phạm vi 1 bộ, ngành. Nhưng, doanh nghiệp chịu tác động của liên ngành, có những vấn đề không thể giải quyết bởi 1 bộ, ngành.

Nên điểm mới của Nghị quyết 02 là tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết 1 cách triệt để những điểm mà doanh nghiệp đã vướng rất lâu rồi.

Thứ 2 là chuyển đổi số. Trước đây, có lĩnh vực, doanh nghiệp không chơi vẫn có cơ hội. Bây giờ nếu chúng ta không ứng dụng sẽ bị đào thải khỏi cuộc chơi.

Ví dụ, các doanh nghiệp tương tác, giao thương thông qua nền tảng số nhưng một cảng vụ không có chứng từ, hoá đơn số, đầu lọc số mà vẫn phát những vận đơn, giấy tờ thì đến các cảng khác người ta không nhận… Cho nên, chuyển đổi số là cuộc chơi không thể không chơi, không thể không làm.

Trong chuyển đổi số, bên cạnh tiếp tục cải cách thể chế, Nghị quyết 02 còn đề ra nhiệm vụ xây dựng, triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Trọng tâm thứ 3 của Nghị quyết 02 năm nay là đẩy mạnh Chính phủ số. Có thể, rất khó để hình dung, so sánh giữa Chính phủ điện tử với Chính phủ số, nhưng  có thể hiểu đơn giản, với Chính phủ điện tử là chúng ta gửi 1 văn bản thông qua email, còn Chính phủ số thì mọi sản phẩm, dịch vụ được tương tác trên môi trường số, 1 chữ ký số… Nghị quyết 02 lần này nhấn mạnh đến việc buộc phải hoàn thành Chính phủ điện tử và chuyển sang Chính phủ số.

Chính phủ số tạo ra nền tảng rất mạnh mẽ, từ đó tạo động lực để doanh nghiệp buộc phải chuyển mình, cũng như giúp doanh nghiệp tạo ra thị trường.

Cuối cùng, là tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Phải nói rằng, Nghị quyết 02 năm 2021 là nghị quyết 02 + 4, thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất mạnh mẽ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Tính giải pháp hỗ trợ dài hơi trong bối cảnh mới

+ Ông có thể nói cụ thể hơn về giải pháp của Chính phủ để giúp doanh nghiệp vượt qua cú sốc COVID -19?

- Ở đây có 2 giải pháp tôi cho rằng vượt tầm của 1 nghị quyết. Lần này, Chính phủ nhấn mạnh cải cách thể chế để giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong ứng phó với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ví dụ, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để phá sản, mua bán, sáp nhập, chuyển đổi. Trong bối cảnh COVID-19 thì những hoạt động đó phải nhanh chứ không thể đợi mấy năm doanh nghiệp phá sản xong rồi mới tái cơ cấu, chuyển đổi hình thức.

Quan trọng hơn, Chính phủ muốn rà soát lại toàn bộ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giảm thiểu khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Quả thật, chính sách vừa qua chúng ta thực hiện trong bối cảnh đòi hỏi rất nhanh, không có tiền lệ, thực tiễn.

Cho nên, cần phải rà soát để đánh giá chính xác những biện pháp thực hiện có kết quả chưa, điều gì cần thay đổi, từ đó tính đến giải pháp dài hơi hơn. Tức là, kiểm soát khó khăn, hướng tới phát triển, kinh doanh trong bối cảnh mới, chứ không phải cứ có dịch bệnh là “đóng cửa”.

+ Chúng ta đã có bộ công cụ để đánh giá việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Theo ông, thời gian qua, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính có thực chất không?

- Bộ công cụ này hiểu một cách đơn giản là bộ tiêu chí để đánh giá việc rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung các tiêu chí rõ ràng hơn để xác định thế nào là điều kiện kinh doanh cần thiết, thế nào là điều kiện kinh doanh hợp lý.

Ví dụ, điều kiện kinh doanh cần thiết là chỉ khi đáp ứng yêu cầu cần thiết vì mục tiêu quốc phòng và an ninh quốc gia. Hay một điều kiện kinh doanh phù hợp có thể hiểu chung là không tạo ra chi phí quá mức đắt đỏ, không hợp lý cho hoạt động kinh doanh.

Lần này, với bộ tiêu chí đã được cụ thể hoá, chuẩn hoá thì buộc các cơ quan phải sử dụng, áp dụng. Đặc biệt, Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm tất cả các điều kiện kinh doanh nếu gây cản trở, rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh bất kể hình thức gì, loại quy định nào. Đây là nỗ lực, bước tiến rất lớn của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính.

Còn vừa rồi, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính mới là đợt đầu, mang tính “dọn dẹp” nhưng đã cắt giảm rất nhiều. Đâu đó, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh còn nghi ngờ hình thức. Nhưng ngày cả là hình thức thì tôi cho rằng vẫn có tác động tích cực vì giảm thiểu rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

Đặt vào vị trí của doanh nghiệp sẽ thấy, thực hiện 1 điều kiện kinh doanh mà không biết thế nào là đúng, thế nào là sai thì khi cơ quan thanh tra, kiểm tra đến thì chúng ta hoàn toàn rủi ro.

Đợt thứ 2 này, với Nghị quyết 01 (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước) và Nghị quyết 02, Chính phủ sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng điều kiện kinh doanh.

+ Xin cảm ơn ông!

"Trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, việc kết hợp áp dụng kỹ thuật, công nghệ số là đòi hỏi khách quan và bức thiết để phục vụ cho tăng trưởng. Đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta có được sức bật cho tăng trưởng giai đoạn tới và nếu không chuyển đổi số kịp thời, có thể dẫn tới nguy cơ nền kinh tế tụt hậu. Vì vậy, đòi hỏi bức thiết là phải chuyển đổi số”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Xử lý 3 mối quan hệ khi chuyển đổi số

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, nói chuyển đổi số quốc gia thực tế là tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Muốn vậy, ngoài việc phải giải quyết trọn vẹn ba khâu thể chế, nền tảng, đào tạo nguồn nhân lực thì phải xử lý ba mối quan hệ.

Thứ nhất, Chính phủ điện tử là ta phải xử lý mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước, từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã chuyển từ văn bản giấy sang văn bản điện tử hoá, số hoá. “Thực hiện số hóa thì các cơ quan Nhà nước cũng phải số hóa hồ sơ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ hai, phải xử lý mối quan hệ với người dân và doanh nghiệp thông qua dịch vụ công, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Thứ ba, phải xử lý mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với đơn vị cung cấp dịch vụ công, thanh toán không dùng tiền mặt…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm