Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chiếm vị thế hàng đầu thế giới

Trà Vân

Thứ ba, 11/03/2025 - 15:05

(Thanh tra) - Nhờ xu hướng phục hồi của thị trường quốc tế và đẩy mạnh đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, mặt hàng dệt may chiếm vị thế xuất khẩu. Bên cạnh đó, mặt hàng gỗ, lúa gạo xuất khẩu thu về hàng tỷ đô la cho Việt Nam.

Năm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 48 tỷ USD, ảnh: TV

Tín hiệu vui từ các nhóm hàng xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu dệt may 2 tháng đầu năm nay đã đạt 3,19 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp, đã có đơn hàng hết quý II, thậm chí đến quý III.

Trái ngược với mọi năm, 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Tổng Công ty 28 có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, ngành dệt tăng 10%, ngành may tăng 7%. Kết quả này có được là ngay từ cuối 2024, doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thị trường và nhận được nhiều đơn hàng ở các thị trường Mỹ, châu Âu đến hết quý II.

Ngay từ đầu năm, Công ty Viking Việt Nam cũng nhận được nhiều đơn hàng mới. Doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ ở các khâu cắt may, dập, ép… để cắt giảm bớt công đoạn thủ công, nâng cao năng suất.

Bước sang năm 2025, xuất khẩu dệt may được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia nhận định vẫn có đà tăng trưởng tốt, tiếp nối nền móng của năm 2024. Bởi bên cạnh các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản tiếp tục phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng, tồn kho giảm mạnh thì chính là năng lực cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp đã được nâng lên, khi hầu hết doanh nghiệp đã nhạy bén, linh hoạt trong chuyển đổi mô hình, đầu tư máy móc, thiết bị.

Năm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 48 tỷ USD.

Đối với xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ 2 tháng đầu năm đã thu về hơn 2,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, đây là tiền đề đầy triển vọng, để Việt Nam duy trì vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới.

Khách tham quan một gian hàng trưng bày gỗ nội thất và đồ trang trí bằng gỗ, gốm tại Hội chợ Xuất khẩu Đồ gỗ và Nội thất HawaExpo 2025 ở Thủ Đức, TP HCM hôm 5/3. Ảnh Ban tổ chức

Trong đó, Mỹ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 55%. Tiếp sau là Nhật Bản và Trung Quốc. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất ở thị trường Ấn Độ với mức tăng trên 81%.

Năm ngoái, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam tiếp tục duy trì là một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới, ước đạt 17,35 tỷ USD, tăng gần 20% so với năm trước đó.

Bên cạnh đó, 2 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu trung bình ước đạt hơn 553 USD/tấn, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp cho rằng, điều này phù hợp với diễn biến thị trường gạo thế giới khi Ấn Độ chiếm 40% nhu cầu gạo toàn cầu.

Nhiều quyết sách đối với thị trường xuất khẩu

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 21 về việc đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo. Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cần theo dõi sát trước sự thay đổi của thị trường, đặc biệt là sự điều chỉnh chính sách tại các nước xuất khẩu gạo lớn.

"Cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển và mở rộng thị trường trên thế giới. Bên cạnh các thị trường truyền thống, cần tìm cách tiếp cận các thị trường mới, tiềm năng như Mỹ, Trung Đông, EU và châu Phi. Trong nước, cần mở rộng quy mô và nâng cao năng lực", ông Đỗ Đức Huy - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường khuyến cáo.

Trước thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế 25% cho gỗ xẻ và các sản phẩm lâm nghiệp từ ngày 2/4 đã trở thành chủ đề nóng trong cộng đồng doanh nghiệp, khi thị trường Mỹ đang chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ vẫn có cơ hội, nếu có những điều chỉnh và tuân thủ nghiêm các nguyên tắc thị trường, đồng thời chủ động với nguồn cung gỗ nguyên liệu dồi dào và cạnh tranh hơn.

Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, Mỹ có xu hướng chú ý đến gian lận xuất xứ. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý, không để hàng hóa từ Trung Quốc hoặc các nước khác, mượn mác Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ. Các lô hàng phải được xác thực là hoàn toàn đến từ Việt Nam.

Đối với xuất khẩu mặt hàng dết may, TS Ngô Minh Hải, chuyên gia kinh tế nhận định: "Cùng với sự phục hồi của thế giới, nhu cầu của ngành dệt may cũng gia tăng. Bên cạnh đó còn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đa dạng nguồn nguyên vật liệu thì sản phẩm dệt may có nhiều giá trị cạnh tranh hơn và mang hiệu quả tốt hơn về xuất khẩu".

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm