Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gạch không nung vẫn chưa có chỗ đứng

Thứ hai, 04/05/2015 - 07:41

(Thanh tra)- Với nhiều ưu thế hơn gạch nung thủ công truyền thống, việc phát triển gạch không nung (GKN) được xem là xu hướng tất yếu của ngành Vật liệu xây dựng (VLXD). Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm GKN vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường…

Tuy đạt và vượt mục tiêu đề ra nhưng hiện nay thị trường tiêu thụ của GKN còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Cảnh Nhật

Theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 thì mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng VLXD không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 - 25% vào năm 2015, 30 - 40% vào năm 2020.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, cả nước có 1.500 dây chuyền sản xuất GKN công suất 7 triệu viên/năm và hơn 100 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu công suất 7 - 40 triệu viên/năm, tổng công suất sản xuất gạch xi măng cốt liệu khoảng trên 5,2 tỷ viên/năm. Tổng sản lượng vật liệu không nung được sản xuất và sử dụng đạt 29% tổng sản lượng vật liệu năm 2014, vượt mục tiêu đề ra.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ của GKN còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là gạch xi măng cốt liệu đang rơi vào tình trạng khó tiêu thụ do mẫu mã đơn điệu, to nặng, giá cả ít có tính cạnh tranh. Những loại vật liệu xây nhẹ tiêu thụ còn kém hơn với mức sản xuất chỉ đạt 20 - 30% công suất.

TS Trần Văn Huynh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam cho biết, hiện các nhà máy sản xuất chỉ khai thác được 50% năng lực trên, tức là khoảng 3 tỷ viên vì hoạt động cầm chừng. Đầu ra của sản phẩm này hiện gặp khó, nhiều năm qua lượng GKN tồn kho đã lên đến hàng tỷ viên.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, những năm gần đây kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản “đóng băng” đã kéo theo ngành VLXD rơi vào tình trạng khó khăn.

Theo khảo sát của PV tại một số cửa hàng VLXD trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhiều người được hỏi đều “chưa nghe tới loại vật liệu này do đã quen với việc sử dụng gạch nung truyền thồng từ lâu nay”. Hơn nữa, “gạch nung truyền thồng lại có giá rẻ hơn GKN”, anh Huân, một người đang có nhu cầu mua gạch xây nhà tại quận Tân Bình cho hay.

Hiện nay, 1 viên gạch tuynel (gạch nung truyền thống) loại 6 lỗ, kích thước 195x135x90 có giá khoảng 1.500 đến 1.700 đồng/viên.  Trong khi đó, 1 viên gạch block (GKN) có kích thước tương đương có giá từ 1.900 đến 2.000 đồng/viên.

Chị Hoa, chủ một của hàng VLXD trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, cho biết, khách hàng đến cửa hàng chủ yếu mua loại gạch nung thủ công. “Có thể gạch nung thủ công đã quen với họ từ xưa đến nay”.

PGS.TS Nguyễn Văn Chán, Chủ nhiệm Bộ môn VLXD, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, một nguyên nhân nữa khiến vật liệu xây không nung khó đi vào thị trường là, định mức giá thành cho m2 tường xây. Ở nước ngoài không có định mức kinh tế để khóa chốt cho người làm, mà chỉ có định mức cho chất lượng và hoàn thiện sản phẩm. Vì vậy thời gian qua các doanh nghiệp sản xuất gạch nhẹ chủ yếu là bán cho nước ngoài vì nó không có định mức như ở Việt Nam. Nước ngoài họ cứ làm rồi tính ra tiền, còn mình thì duyệt tiền công trình đó bao nhiêu mới cho làm. Định mức giá thành là cơ chế định mức, nước ngoài không có cơ chế đó mà thuộc vào công trình.

Mới đây, tại Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế đối với đất làm gạch từ 10% lên 15%, nhằm góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, khuyến khích sản xuất và sử dụng GKN.

Nhiều chuyên gia trong ngành Xây dựng cho rằng, cần có chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất GKN. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền ưu điểm, lợi thế của việc sản xuất, sử dụng loại vật liệu thân thiện với môi trường này. Đồng thời, qua đó thấy được những tác động tiêu cực nếu còn sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Về phía các doanh nghiệp sản xuất GKN cũng cần cải tiến mạnh mẽ về chất lượng, mẫu mã của sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.

Cảnh Nhật

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm