Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất cho doanh nghiệp kinh doanh vàng tự kê khai lại hàng tồn kho

Hương Giang

Thứ năm, 23/05/2024 - 20:44

(Thanh tra) - Đại biểu Quốc hội cho hay, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đề xuất cho phép tự kê khai lại hàng tồn kho theo một thời điểm Nhà nước quy định. Sau thời điểm đó, mọi hàng hóa nhập vào, xuất ra, doanh nghiệp vàng phải thực hiện đúng, đủ các quy định.

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) trình bày một số ý kiến của cử tri về việc quản lý, sản xuất, kinh doanh vàng. Ảnh: P.Thắng

Giá vàng, quản lý thị trường vàng là vấn đề được đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tại nghị trường Quốc hội, ngày 23/5.

Phát biểu thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) trình bày một số ý kiến của cử tri về việc quản lý, sản xuất, kinh doanh vàng.

Trong đó có một số vướng mắc cụ thể, dẫn đến hiện tượng không ít doanh nghiệp kinh doanh vàng phải tạm thời đóng cửa.

Ông Hậu cho biết, ngày 25/4 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ninh đã tổ chức đối thoại giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng và các cơ quan quản lý liên quan.

Từ đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ninh đã tổng hợp và gửi một số kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh.

Đầu tiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh vàng phản ánh là chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa với các cơ quan chức năng.

Nguyên nhân do phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh vàng là doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể. Tức là, các cửa hàng vàng bạc sang doanh nghiệp theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó, tài sản hàng hóa, vốn kinh doanh còn chưa rõ ràng.

“Ví dụ, số vàng của gia đình có khi từ nhiều đời để lại được đưa vào kinh doanh mà không ghi trong vốn, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng không kê khai”, ông Hậu nêu.

Thêm nữa, người dân đến bán vàng lẻ không muốn cung cấp thông tin cá nhân. Để thuận lợi trong mua bán, doanh nghiệp không lấy thông tin và cũng không kê khai.

“Vàng mua từ nhiều người dân được doanh nghiệp nấu chung, phân kim thành một cục chung, bây giờ không thể xác định được rõ nguồn gốc mua của vàng”, theo lời đại biểu.

Đại biểu cũng nêu thực trạng nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động theo thói quen của hộ kinh doanh, chưa thực hiện đúng chuẩn mực kế toán dẫn đến tình trạng chênh lệch sổ sách và thực tế, khó khăn cho công tác kiểm tra và quản lý của Nhà nước...

Về quản lý Nhà nước, theo ông Hâu, dù đã có những quy định khá rõ ràng và từ lâu về việc kê khai khi mua bán, nhưng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng thời gian vừa qua còn chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên.

Điều này cũng khiến cho doanh nghiệp kinh doanh vàng chủ quan, lơ là trong thực hiện các quy định.

Từ thực trạng đó, ông Hậu cho hay, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đề xuất cho phép tự kê khai lại hàng hóa tồn kho theo một thời điểm Nhà nước quy định.

Bảng kê khai này được coi là căn cứ xác định nguồn gốc vàng hiện có. Sau thời điểm đó, mọi hàng hóa nhập vào, xuất ra thì doanh nghiệp phải thực hiện đúng, đủ các quy định về quản lý liên quan.

“Nếu Nhà nước cho phép như vậy sẽ tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý trong việc xử lý số vàng không chứng minh được nguồn gốc”, ông Hậu nói.

Việc này còn giúp Nhà nước thống kê được lượng vàng các doanh nghiệp đưa vào kinh doanh. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý Nhà nước về tiền tệ và điều hành kinh tế vĩ mô.

Vướng mắc nữa, là nhãn hiệu hàng hóa khi người dân có nhu cầu về vàng, trang sức có hình dạng, logo của các hãng danh tiếng thế giới.

Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng công bố danh mục nhãn hiệu được bảo hộ để doanh nghiệp không vi phạm, đồng thời không xử phạt doanh nghiệp khi chế tác và kinh doanh những nhãn hiệu không đăng ký bảo hộ.

“Các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều bày tỏ mong muốn tuân thủ pháp luật và đồng tình với việc cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh vàng. Tuy nhiên, trong trường hợp kiểm tra đột xuất cần phải đảm bảo minh bạch và đúng quy định”, ông Hậu nêu ý kiến của doanh nghiệp.

Ông đặc biệt nhấn mạnh, doanh nghiệp kiến nghị người kiểm tra phải được xác định thực hiện đúng nhu cầu của cơ quan quản lý, không đi lẻ để tránh việc làm tùy tiện, gây khó dễ cho doanh nghiệp, thậm chí, có thể có đối tượng thực hiện giả danh, lừa đảo.

Giải trình sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng đây là những kiến nghị liên quan đến nhiều các bộ, ngành nên xin phép cho Ngân hàng Nhà nước và các bộ, các ngành nghiên cứu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Âm nặng dòng tiền, liên tục bị xử phạt về thuế, liệu Đạt Phương “có cửa” trúng gói thầu gần 1.800 tỷ đồng?

Âm nặng dòng tiền, liên tục bị xử phạt về thuế, liệu Đạt Phương “có cửa” trúng gói thầu gần 1.800 tỷ đồng?

(Thanh tra) - Gói thầu xây lắp phần đường và cầu vượt nút giao ĐT994 thuộc dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vừa mới mở thầu ngày 18/10/2024. Dự toán gói thầu là hơn 1.792,4 tỷ đồng. Liên danh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương đưa ra giá dự thầu là hơn 1.684,6 tỷ đồng… Mới đây, doanh nghiệp liên tục bị Tổng cục Thuế bị xử phạt do vi phạm hành chính về thuế.

Chu Tuấn - Quang Dân

14:25 22/11/2024
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra “tối hậu thư” chấp thuận dự án xử lý chất thải tập trung ở Thọ Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra “tối hậu thư” chấp thuận dự án xử lý chất thải tập trung ở Thọ Xuân

(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa ký văn bản yêu cầu các sở, ngành đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị các bước tiếp theo để trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho dự án xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân trước ngày 30/12/2024.

Văn Thanh

12:45 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm