“Đã đến lúc ngành Mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả giảm giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng. Cả khâu đầu tư gieo trồng lẫn chế biến của ngành Mía đường đều phải tái cơ cấu lại. Nếu chúng ta chế biến tốt, rỉ đường và bã mía có thể làm ra sản phẩm được để kinh doanh có lãi và hạ giá thành. Các nước khác đều làm như vậy và kinh doanh rất tốt”, TS Lê Đăng Doanh phân tích.
Hiện nay, nhiều nhà máy mía đường thua lỗ là do năng suất quá thấp, chỉ đạt 50 tấn/ha, trong khi ở nhiều nước lên đến 100 tấn/ha. Nếu các doanh nghiệp mía đường Việt không cải thiện phương pháp canh tác để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía nhằm hạ giá thành, thì chắc chắn họ sẽ khó sống do không thể cạnh tranh.
TS Lê Đăng Doanh quả quyết:, những doanh nghiệp nào mạnh mẽ đổi mới, mạnh mẽ tìm giải pháp thích nghi sẽ có cách để “sống sót”, thậm chí là “sống tốt” còn những trường hợp họ vẫn thụ động với thị trường nhiều biến đổi thì cần thiết phải có một cuộc đào thải. Sẽ có những doanh nghiệp mạnh mua lại những doanh nghiệp yếu để đầu tư bài bản.
“Chúng ta cần có một số nhà máy then chốt, năng suất cao, vùng mía tập trung ở một số khu vực. Cạnh tranh dẫn đến phá sản là điều phải chấp nhận trong nền kinh tế thị trường, song phá sản không phải là “ngày tận thế”. Cơ hội phát triển mía đường nội địa vẫn luôn rộng mở nếu biết sắp xếp lại, hiệu quả hơn”, TS Doanh gợi mở.
Chia sẻ về giải pháp để ngành Đường cạnh tranh bình đẳng với đường nhập khẩu, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, trước hết phải làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu mía, đi đôi với việc xây dựng các cụm công nghiệp sản xuất mía liền kề, tạo sự gắn kết giữa vùng nguyên liệu và nhà máy một cách chặt chẽ có kế hoạch, lợi nhuận được phân phối một cách hợp lý giữa người trồng mía và nhà máy chế biến đường, không ép nhau và không phá vỡ hợp đồng từ 2 phía như trước đây.
Kinh nghiệm của Thái Lan có Luật Mía đường, khi 1kg đường bán ra thì lợi nhuận của người trồng mía sẽ được phân chia 60-70%, còn lại 30-40% là dành cho hệ thống phân phối, điều đó chúng ta cần phải nghiên cứu để học tập, và áp dụng vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Điều đó chỉ có lợi cho sản xuất kinh doanh đường phát triển một cách lành mạnh, hài hòa các lợi ích trong chuỗi giá trị mía đường từ sản xuất đến bán lẻ.
Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật , đầu tư đổi mới công nghệ của các vùng mía và các nhà máy chế biến đường để tạo ra những vùng sản xuất lớn và những tổ hợp sản xuất đường ngày càng hiện đại. Kiểm soát chống buôn lậu gian lận thương mại, trốn thuế, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có chính sách khuyến khích thỏa đáng các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực mía đường để phát triển một cách bền vững. Tạo lập các chuỗi sản xuất phân phối mặt hàng đường một cách hiệu quả, tạo lập tính công khai, minh bạch trong phân phối lợi nhuận của chuỗi sản xuất phân phối này.
Liên quan tới việc bảo vệ ngành Mía đường trong nước, việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như thế nào là vấn đề được đặt ra. Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) thông tin: VSSA đã có đầy đủ cơ sở dữ liệu để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan là đường phá giá và được trợ cấp để bán phá giá ra thị trường nước ngoài (theo các định nghĩa của quy tắc thương mại của WTO) và có bằng chứng rõ ràng về đường nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước và có mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước. Trên cơ sở đó VSSA đã nộp đơn đến Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương đề xướng về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2021 xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN. Cụ thể, lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng mức độ bùng nổ, lên tới 5.735% khi so sánh cùng kỳ năm 2020.
Đại diện VSSA cho rằng, mức tăng là 5.735% so với cùng kỳ thực sự là hiện tượng không bình thường. Chắc chắn cả 5 nước ASEAN nêu trên hoàn toàn không có phát triển gì về sản xuất mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như trên.
Thực chất đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Cả 5 nước trên đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan và bản chất lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN nêu trên đều có liên quan xuất xứ từ Thái Lan, đại diện VSSA nhận định.
Cũng theo VSSA, trước tình trạng trên, các nhà máy đang gặp khó khăn vì đã nâng giá mía lên cho nông dân. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ đường với mặt bằng giá mới đang không thể thực hiện do sự cạnh tranh của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu.
Trong tháng 4/2021 hầu hết các nhà máy mía của ngành Đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2020/2021, chỉ còn Nhà máy Đường Sóc Trăng tiếp tục hoạt động. Lũy kế đến cuối tháng 4/2021 toàn ngành đã ép được 6.263.796 tấn mía sản xuất được 661,712 tấn đường. Ước tính sản lượng đường của vụ 2020/2021 sẽ đạt khoảng dưới 700.000 tấn, thấp hơn vụ trước 2019/2020. "Số liệu sản xuất đã bộc lộ thiệt hại vô cùng nghiêm trọng mà ngành đường Việt Nam phải gánh chịu trước sự tàn phá của nguồn đường phá giá có nguồn gốc nhập khẩu trong nhiều năm liên tiếp, cộng với tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây tại các vùng sản xuất mía", đại diện VSSA thông tin.