Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chưa cơ sở pháp lý nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các hãng bay Việt

Uyên Uyên

Thứ hai, 10/06/2024 - 13:00

(Thanh tra)- Thời điểm hiện tại, chưa có cơ sở pháp lý để xem xét các đề xuất liên quan đến việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong kinh doanh vận tải hàng không từ 34% lên 49% vốn điều lệ.

Chưa cơ sở pháp lý nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các hãng bay Việt

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 3640/VPCP - CN đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có ý kiến bằng văn bản đối với góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đề xuất nâng trần đầu tư nước ngoài lên 49% vốn điều lệ tại doang nghiệp kinh doanh vận tải hàng không của Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Tại Văn bản số 2522/BKHĐT - ĐTNN gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 4/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, theo cam kết WTO, Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường vận tải hàng không nội địa, chỉ cam kết cho phép hoạt động vận tải hàng không quốc tế thông qua việc cho phép các hãng hàng không nước ngoài được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam thông qua văn phòng bán vé của mình hoặc các đại lý tại Việt Nam.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, việc mở cửa thị trường vận tải hàng không nội địa hoàn toàn thuộc quyền của Nhà nước Việt Nam.

Theo Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không là không quá 34% vốn điều lệ.

Việc thay đổi tỷ lệ vốn này sẽ tác động đến thu hút đối tác chiến lược nước ngoài tham gia cùng kinh doanh, cải tổ quản lý, tham gia mạng lưới quốc tế... cũng như việc giành thị phần hàng không nội địa cho các doanh nghiệp Việt Nam.

“Việc nâng tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài lên 49% vốn điều lệ cần xem xét thận trọng, bởi trước đây Việt Nam đã mở cho tỷ lệ này, nhưng sau đó phải điều chỉnh giảm xuống 34% vốn điều lệ”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin và khẳng định, đây là công việc thuộc chức năng của Bộ GTVT theo quy định tại Điều 1, Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24/8/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT.

“Như vậy, thời điểm hiện tại, chưa có cơ sở pháp lý để xem xét đề xuất của Bamboo Airways về việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong kinh doanh vận tải hàng không lên 49%”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.

Được biết, khi đề xuất cấp có thẩm quyền về việc giảm tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài xuống 34% vốn điều lệ, cơ quan quản lý nhà nước về hàng không cho rằng, tỷ lệ này về cơ bản đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài được tham gia đầu tư vào các hãng hàng không Việt Nam.

Quy định này cũng bảo đảm tương quan với các doanh nghiệp nội kinh doanh vận tải hàng không trong cân đối về nguồn lực, cũng như tránh việc hãng hàng không Việt Nam bị tác động trong quá trình triển khai các hoạt động kinh doanh và khai thác vận tải hàng không (theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trường hợp cổ đông nắm giữ trên 35% vốn điều lệ có quyền phủ quyết đối với các nghị quyết của Đại hội cổ đông).

Tuy nhiên, Nghị định số 89/2019/NĐ-CP cũng cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn hình thức góp vốn trong pháp nhân Việt Nam tham gia đầu tư trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng không, với tỷ lệ không quá 49% vốn điều lệ.

Trước đó, trong một số báo cáo gửi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về Đề án Tái cấu trúc đơn vị, Bamboo Airways kiến nghị xem xét nâng trần đầu tư nước ngoài lên 49%.

Theo lãnh đạo hãng bay này, thời gian qua, Bamboo Airways đã tiếp cận nhiều nhà đầu tư nước ngoài để thuyết trình và kêu gọi đầu tư vào Bamboo Airways.

Qua trao đổi với các nhà đầu tư, sự quan tâm của họ đối với Bamboo Airways nói riêng, các hãng hàng không Việt Nam nói chung là không nhỏ, do tiềm năng to lớn của thị trường hàng không Việt Nam; sự dồi dào nguồn nhân lực phi công, kỹ thuật, tiếp viên với chi phí lao động hợp lý; vị trí chiến lược của Việt Nam để phát triển thành một trung tâm trung chuyển hành khách, hàng hóa toàn cầu, các dịch vụ kỹ thuật hàng không và công nghiệp hàng không.

Tuy nhiên, trần đầu tư nước ngoài vào các hãng hàng không Việt Nam hiện ở mức 34% được quy định tại Nghị định số 89/2019/NĐ-CP là không đủ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Lãnh đạo Bamboo Airways cho biết, với tỷ lệ bị giới hạn ở mức 34%, theo các quy định của Luật Doanh nghiệp, các cổ đông nước ngoài không những không có được các quyền tham gia quyết định mong muốn, mà ngay cả quyền phủ quyết đối với một số loại quyết định quan trọng cũng không thể thực hiện được. Điều này khiến việc đầu tư vào các hãng hàng không Việt Nam có tính rủi ro cao.

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho Bamboo Airways nói riêng, các hãng hàng không Việt Nam nói chung, có thể thu hút được các nguồn vốn đầu tư nước ngoài thuận lợi, đề nghị Thủ tướng xem xét việc tăng trần đầu tư nước ngoài vào các hãng hàng không Việt Nam từ mức 34% hiện nay, trở lại mức cũ 49% như quy định tại Nghị định 76/2007/NĐ-CP ngày 9/5/2007”, lãnh đạo Bamboo Airways đề xuất.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm