Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thùy Dương
Thứ tư, 01/01/2025 - 08:00
(Thanh tra) - Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541 km với 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa; tốc độ thiết kế lên tới 350km/h... Việc Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án này vào cuối tháng 11/2024 đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển trong thời gian tới.
Khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi vào hoạt động sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy ngành Du lịch phát triển. (Ảnh minh họa được tạo bằng công nghệ AI)
Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao đã được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11/2024, khi đưa vào xây dựng, khai thác, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ kích thích tăng trưởng GDP và công nghiệp phụ trợ trong đó có ngành “công nghiệp không khói”. Đặc biệt, khi giá vé hợp lý có thể tạo ra xu hướng mới khi đi du lịch xa bằng đường sắt tốc độ cao thay vì hàng không như hiện nay.
Tuyến đường sắt này sẽ kết nối các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời đi qua nhiều tỉnh thành khác có tiềm năng phát triển du lịch như: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận.
Sự liên kết này sẽ tạo ra một hành lang phát triển kinh tế mạnh mẽ, trong đó du lịch sẽ là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất. Với sự thuận tiện trong di chuyển, khách du lịch sẽ có thêm động lực để khám phá những điểm đến mới, những khu vực du lịch tiềm năng nhưng còn chưa được khai thác triệt để.
Tại phía Nam, dự án đi qua tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và điểm cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, tại địa phận tỉnh Bình Thuận, sẽ được bố trí 02 nhà ga gồm: ga Phan Rí và nhà ga Mương Mán. Tại tỉnh Đồng Nai, có ga hành khách Long Thành (đặt tại khu vực trung tâm sân bay Long Thành). Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ có ga Thủ Thiêm và là ga cuối của dự án.
Với việc di chuyển nhanh chóng và thuận tiện, từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh chỉ mất khoảng 5-6 giờ, so với 30-35 giờ như hiện nay. Sự thay đổi này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn mang đến trải nghiệm thoải mái hơn cho du khách.
Với lợi thế sẵn có, thủ phủ của du lịch biển, thời tiết ôn hòa quanh năm, việc có tới 02 nhà ga, tỉnh Bình Thuận được xem là địa phương được trao cơ hội rất lớn để phát triển du lịch.
Là điểm cuối của tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Thành phố Hồ Chí Minh vốn đã là trung tâm văn hóa, giải trí, du lịch của cả nước, khi dự án đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nhiều cho ngành du lịch của Thành phố. Từ đây, sẽ lan tỏa, phát triển có hệ thống ngành du lịch của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ…
Bên cạnh đó, khi tuyến đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động cũng sẽ giúp Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh phát triển các loại hình du lịch. Sự kết nối dễ dàng sẽ khuyến khích phát triển các tour du lịch ngắn ngày, tour khám phá văn hóa, nông nghiệp, và thể thao biển. Các công ty du lịch có thể xây dựng các chương trình tour liên kết giữa Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh và các điểm đến khác trên tuyến đường sắt, giúp du khách có nhiều lựa chọn…
Anh Phương Quân (41 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, gia đình anh rất thích đi du lịch biển, đặc biệt là biển tại Đà Nẵng, Nha Trang và Bình Thuận. Hiện tại, di chuyển từ Hà Nội đến Đà Nẵng hay Nha Trang thì đã có máy bay; tuy nhiên, để đến biển ở Bình Thuận thì rất phức tạp, và khó khăn. Gia đình tôi sẽ phải di chuyển bằng máy bay vào Thành phố Hồ Chí minh, sau đó thì di chuyển bằng ô tô đến Bình Thuận. Vì thế, mặc dù biển tại Bình Thuận rất đẹp nhưng vào dịp nghỉ lễ gia đình tôi vẫn ưu tiên đi Đà Nẵng hoặc Nha Trang.
“Tôi rất mong chờ ngày dự án hoàn thành. Khi đó việc đi du lịch biển nói chung và đến tắm biển ở Bình Thuận nói riêng sẽ thuận tiện và nhanh chóng hơn”, anh Phương Quân chia sẻ.
Chị Thu Phương (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, hầu như năm nào gia đình tôi cũng vào Thành phố Hồ Chí Minh du lịch vào dịp hè. Từ đây, chúng tôi sẽ đi xuống Vũng Tàu, hoặc Phan Thiết để tắm biển hoặc đi các tỉnh miền Tây để trải nghiệm du lịch sông nước. Phương tiện chủ yếu là máy bay. Khi tuyến đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động, gia đình tôi sẽ có thêm sự lựa chọn để di chuyển. Các chuyến du lịch sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn.
“Tôi hy vọng, giá vé tàu cao tốc sẽ ở mức phù hợp để người dân dễ dàng tiếp cận. Hiện nay, vé máy bay tại một số tuyến như Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội – Đà Nẵng vẫn còn khá cao, người dân có mức thu nhập trung bình khó tiếp cận”, chị Thu Phương chia sẻ.
Từ phía cộng đồng doanh nghiệp du lịch, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho biết, việc chủ động đón đầu sự thay đổi lớn từ hạ tầng đường sắt cao tốc Bắc - Nam đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo và đầu tư có chiến lược.
Bằng cách phát triển các sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường liên kết với đối tác và ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp có thể không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách, mà còn cần tạo ra bước đột phá trong phát triển ngành Du lịch Việt Nam.
Khi dự án đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động, các cơ quan quản lý ngành Du lịch cần có sự tính toán, cập nhật quy hoạch phát triển du lịch, tập trung vào việc kết nối các điểm du lịch với các ga đường sắt cao tốc.
Ông Dũng cũng cho rằng, các địa phương có đường sắt cao tốc đi qua cũng cần rà soát lại Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị để điều chỉnh hệ sinh thái đi kèm, đón đầu sự phát triển mới này. Đặc biệt là những địa phương chưa có sân bay mà lại có hệ thống đường sắt chạy qua thì cần có sự tính toán, điều chỉnh quy hoạch sớm…
Dự báo, trên tuyến đường sắt cao tốc sẽ bùng nổ nguồn khách nội địa vì sự thuận tiện và chi phí hợp lý hơn so với sử dụng phương tiện hàng không… Từ phía doanh nghiệp du lịch, trên cơ sở các dự báo, phải chuẩn bị hệ thống sản phẩm phù hợp để triển khai chào bán. Đồng thời, phải chuẩn bị hạ tầng dịch vụ…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ghi nhận điểm sáng khi nhiều dự án trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tích cực được triển khai, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu hoàn thành 600km cao tốc tại ĐBSCL vào năm 2025.
Hương Giang
(Thanh tra) - Hôm nay (3/1), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-BGTVT phê duyệt thông tin dự án và bảng theo dõi tiến độ hoạt động lựa chọn nhà đầu tư đối với 02 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng tàu bay số 5 và số 6 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trần Quý
Trung Hà
Lê Phương
Hải Hà
Hải Hà
Hương Giang
Hương Giang
Lê Phương
Đông Hà
Trần Quý
Lê Phương
Hải Hà
Trần Quý
Trọng Tài
Trần Kiên