Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát triển nhân lực điện hạt nhân - Cần thiết và cấp bách

Lê Phương

Thứ năm, 02/01/2025 - 15:15

(Thanh tra) - Ngày 2/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân”.

Tại hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân” diễn ra sáng ngày 2/1/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị chức năng, các chuyên gia "hiến kế" về phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phụ vụ chương trình điện hạt nhân. Ảnh: TT

Nhân lực về điện hạt nhân thiếu cả về chất và lượng

Báo cáo về hiện trạng, nhu cầu và giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Lý Quốc Hùng cho biết, hiện nay nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về điện hạt nhân của nước ta đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là rất thiếu các nhà khoa học, kỹ thuật đầu đàn.

Số nhân lực khoa học và công nghệ về điện hạt nhân hạn chế, làm việc chủ yếu trong các cơ quan Nhà nước và một số trường đại học, trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), Tập đoàn ATOMSTROYEXPORT của Liên bang Nga và một số cơ quan về điện hạt nhân khác, nhân lực cần cho một nhà máy điện hạt nhân công suất 2.000 MW (2 lò phản ứng) khoảng 1.000 người có trình độ từ trung cấp đến đại học.

Trong điều kiện Việt Nam, để đảm bảo tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng nhà máy an toàn, thì cần khoảng 1.200 người có trình độ đại học (giai đoạn chuẩn bị đầu tư cần khoảng 100 người; giai đoạn đấu thầu dự án cần khoảng 140 người; giai đoạn xây dựng nhà máy, vận hành thử cần khoảng 960 người).

Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ giao cho nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương tham mưu để chuẩn bị những điều kiện cần thiết triển khai các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Như vậy, trong trường hợp tái triển khai cả 2 dự án nhà máy điện hạt nhân (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, công suất 2x2.000 MW), nhu cần nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người có trình độ đại học.

Ngoài ra, kinh nghiệm của một số nước có ngành hạt nhân phát triển cho thấy, ngoài số nhân lực phục vụ trực tiếp cho nhà máy điện hạt nhân nêu trên còn cần khoảng 350 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành luật và pháp quy hạt nhân, các chuyên gia nghiên cứu và phát triển (chuyên gia R&D), các chuyên gia chu trình nhiên liệu,... phục vụ nghiên cứu, quản lí, vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.

Mặt khác, số lượng nhân lực nêu trên chưa tính đến nhu cầu nhân lực cho quản lý Nhà nước, nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu và đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục. Nếu tính trung bình mỗi 12 nhân lực lao động trong ngành điện hạt nhân có tương ứng 1 nghiên cứu viên; 20 sinh viên cần có 1 giảng viên, tổng nhu cầu nhân lực cho nhóm này sẽ khoảng 250 người.

Theo Vụ trưởng Lý Quốc Hùng, để phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ cho ngành điện hạt nhân cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu, xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về điện hạt nhân tại các trường đại học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu với các quốc gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân, như Liên bang Nga, Nhật Bản, Pháp, Mỹ,…; rà soát nhân lực về điện hạt nhân hiện có tại EVN và các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc Bộ; đầu tư nâng cao năng lực cho các viện nghiên cứu thuộc Bộ nhằm hình thành lĩnh vực nghiên cứu và phát triển về điện hạt nhân và các công nghệ, kỹ thuật liên quan điện hạt nhân; rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách theo thẩm quyền và kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách cho điện hạt nhân; tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích và an toàn của năng lượng hạt nhân.

Trước đó, ngày 25/11/2024, Bộ Chính trị và Quốc hội đã ban hành chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2 (sau 8 năm tạm dừng dự án), nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết và được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao trong những năm tới.

Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS. Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, công nghiệp điện hạt nhân đang khẳng định vai trò then chốt trong chiến lược phát triển năng lượng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch để ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho ngành công nghiệp điện hạt nhân.

Cũng theo PGS.TS. Đàm Sao Mai, Việt Nam đã xây dựng nền tảng phát triển nguồn nhân lực hạt nhân từ những năm 1960, với chiến lược ban đầu tập trung vào việc gửi sinh viên và cán bộ trẻ đi đào tạo tại các trường đại học thuộc Liên Xô và các nước Đông Âu.

Mô hình đào tạo hiện tại của Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề cốt lõi. Chương trình đào tạo, còn thiếu tính liên thông giữa các bậc học và chưa có chương trình đặc thù cho từng nhóm đối tượng. Phương pháp đào tạo vẫn nặng về lý thuyết, thiếu môi trường thực hành và chưa tận dụng hiệu quả công nghệ mô phỏng hiện đại. Đặc biệt, mối liên kết giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động còn lỏng lẻo, dẫn đến khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế.

Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội ban hành tại Kỳ họp thứ 8 cũng có quy định một số chính sách phát triển điện hạt nhân, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hóa chủ trương nêu trên của Trung ương.

"Điều này đòi hỏi cần có chiến lược đào tạo bài bản, đầu tư có trọng điểm và chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành" - PGS.TS. Đàm Sao Mai nhấn mạnh.

Nguồn nhân lực là vô cùng cần thiết

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cuối tháng 11 năm 2024, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là chủ trương lớn, hết sức đúng, trúng, phù hợp với tình hình hiện nay. Nhu cầu về năng lượng tăng lên rất nhanh trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam, trong khi nguồn năng lượng truyền thống không còn dư địa phát triển.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nguồn nhân lực kể cả trong ngắn và dài dạn là vô cùng cần thiết kể cả nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân cho đến nguồn nhân lực kỹ thuật để vận hành các dự án điện hạt nhân. Ảnh: Cấn Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, điện hạt nhân cũng là xu thế tất yếu của thế giới, hiện nhiều quốc gia đã tái khởi động và phát triển rất mạnh nguồn điện này. Kể cả những nước có ý định "đóng cửa" điện hạt nhân sau sự cố Nhà máy điện Fukushima ở Nhật Bản cũng đã quay trở lại với điện hạt nhân do nhu cầu năng lượng điện lớn cho các trung tâm dữ liệu trong phát triển công nghệ AI, công nghiệp bán dẫn, IoT...

“Việt Nam có điều kiện phát triển nguồn điện này, 15 năm trước qua khảo sát xác định, có đến 13-14 địa điểm có thể phát triển điện hạt nhân. Đặc biệt, Việt Nam có địa hình dài từ Bắc đến Nam nếu phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ thì càng phù hợp. Ở những nơi phụ tải thấp, nơi có tiềm năng khai thác phát triển năng lượng tái tạo, gió, mặt trời mà có thêm điện hạt nhân module nhỏ thì rất thuận lợi cho khai thác phát huy tiềm năng năng lượng tái tạo cùng với nguồn điện nền, điện sạch...”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, chủ trương Đảng và Nhà nước tái khởi động chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận rất đúng, rất trúng, rất phù hợp với xu thế của thời đại, rất đúng, rất trúng, rất phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Để phục vụ cho chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nguồn nhân lực kể cả trong ngắn và dài dạn là vô cùng cần thiết kể cả nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân cho đến nguồn nhân lực kỹ thuật để vận hành các dự án điện hạt nhân.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong tương lai, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ phải tập trung đầu tư phát triển nguồn điện. Các tập đoàn nhà nước phải là “chủ công” trong đầu tư phát triển các nguồn điện, nhất là các nguồn điện nền để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. 

Ngay sau kỳ họp Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp đến thăm địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và chỉ đạo rất cụ thể về việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương tái khởi động các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kịp thời chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân và triển khai các nhiệm vụ cần thiết khác để thực hiện chủ trương của Trung ương và Quốc hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam “khó mấy cũng phải làm”

Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam “khó mấy cũng phải làm”

(Thanh tra) - Ngày 4/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị công bố Nghị quyết 259 của Chính phủ ngày 31/12/2024 ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.

T.Thanh

15:36 04/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm