Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Áp lực giải ngân vốn đầu tư những tháng cuối năm 2024

Trần Quý

Thứ ba, 26/11/2024 - 13:20

(Thanh tra) - Theo kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư năm 2024 phải đạt trên 95%, tuy nhiên, đến nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư năm 2024 mớt đạt 54,8 kế hoạch và đạt 60,43 kế hoạch Thủ tướng giao. Con số này cho thấy, áp lực giải ngân vốn đầu tư cho thời gian còn lại của năm 2024 (đến 31/1/2025) là rất lớn.

Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp giải ngân vốn đầu tư năm 2024. Ảnh: TQ

Theo báo cáo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11/2024 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ giải ngân ước 11 tháng năm 2024 thấp hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 đạt 59,4% kế hoạch và đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).  

Để đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch Thủ tướng giao, trong thời gian còn lại của năm 2024 cần giải ngân tối thiểu 230 nghìn tỷ đồng (tương ứng 35%).

Ngoài “điểm sáng” 18 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước thì vẫn còn 28 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Đáng chú ý, đến nay vẫn còn một số đơn vị giải ngân 0% như: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước. Một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân rất thấp như: Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (2,1%), Ủy ban dân tộc (6,87%), Đại học quốc gia Hồ Chí Minh (11,85%), Đại học quốc gia Hà Nội (14,49%)… Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40% như: TP. Hồ Chí Minh (22,52%), Phú Yên (30,78%), Bắc Ninh (34,13%), Kiên Giang (34,31%)...

Trước nguy cơ “vỡ kế hoạch” giải ngân vốn đầu tư năm 2024, ngày 07/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 115/CĐ-TTg về việc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Công điện số 24/CĐ-TTg, ngày 22/3/2024, Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 08/8/2024, Công điện số 104/CĐ-TTg, ngày 08/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả; quyết liệt, quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ ngay các điểm nghẽn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện…

Các bộ ngành, địa phương đang chạy đua với thời gian trong việc giải ngân vốn đầu tư năm 2024. Ảnh: TQ

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các sở ngành, quận huyện, các ban quản lý dự án đôn đốc thực hiện đợt cao điểm giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và chuẩn bị kế hoạch đầu tư công năm 2025.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị quán triệt, nghiêm túc thực hiện đợt cao điểm về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đến toàn bộ cấp ủy và chính quyền các cấp. Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố trong việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đến ngày 30/1/2025.

TP.Hồ Chí Minh cũng đề ra mục tiêu giải ngân cụ thể cho từng nhóm dự án. Trong đó nhóm dự án liên quan điều chỉnh quy hoạch, phải đảm bảo giải ngân thêm hơn 333 tỷ đồng. Với nhóm các dự án liên quan bồi thường giải phóng mặt bằng phải đảm bảo giải ngân thêm không thấp hơn 29.858 tỷ đồng.

Các đơn vị: Sở Tài chính, Ban Dân dụng và Công nghiệp, các quận: 3, 5, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân; các huyện: Củ Chi, Bình Chánh, TP Thủ Đức đang chậm tiến độ giải ngân phải báo cáo, giải trình và đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.

Tính chung 10 tháng năm 2024, TP Hà Nội đã thực hiện giải ngân được 53,2 nghìn tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 64,2% kế hoạch năm 2024.

Tuy nhiên, việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều đơn vị còn chậm, chưa bảo đảm kế hoạch gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả chung của toàn thành phố.

Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị giải ngân chậm khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, thực hiện mọi biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Tính đến ngày 22/11/2024, tổng số vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Hải Dương đã giải ngân được 3.925,7/8.708,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giải ngân là 45,1% và đạt 56,6% so với Kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Để đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định phê duyệt thiết kế - dự toán công trình; đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đã đủ điều kiện theo quy định; khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Đối với các dự án, hạng mục dự án đã đủ điều kiện giải ngân thì khẩn trương thực hiện ngay các thủ tục để giải ngân vốn.

Liệu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 có đạt được kế hoạch trên 95%? Ảnh: TQ

Để đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư năm 2024, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp đã kiến nghị và đã được Chính phủ, Thủ tướng ban hành, trong đó nhấn mạnh giải pháp về đôn đốc chỉ đạo.

Nhóm giải pháp thứ hai là tổ chức triển khai thực hiện. Đây là nhóm giải pháp khá khó mà trách nhiệm chính thuộc về các bộ, ngành, địa phương. Trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, các thủ tục giải ngân như thủ tục kiểm đếm hay nghiệm thu khối lượng, hay thủ tục về hồ sơ thanh quyết toán thì đề nghị các chủ đầu tư phải làm sớm, nhanh để chúng ta có thể giải ngân được lượng vốn trong kế hoạch đang còn tồn đọng rất nhiều nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Nhóm giải pháp thứ ba là về tháo gỡ khó khăn. Ngoài khó khăn về vật liệu thông thường, còn những khó khăn khác đối với một số dự án như về mặt thủ tục, đặc biệt là các thủ tục về điều chỉnh dự án.

Để đạt được kế hoạch giải ngân vốn, theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, (Bộ Tài chính), Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ ngành, UBND cấp tỉnh triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư của tất cả các nguồn vốn: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Trước áp lực giải ngân vốn đầu tư, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo các bộ ngành, địa phương cần cẩn trọng trong các khâu thực hiện, tránh tình trạng “giải ngân bằng mọi giá” dẫn đến những vi phạm không đáng có.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Áp lực giải ngân vốn đầu tư những tháng cuối năm 2024

Áp lực giải ngân vốn đầu tư những tháng cuối năm 2024

(Thanh tra) - Theo kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư năm 2024 phải đạt trên 95%, tuy nhiên, đến nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư năm 2024 mớt đạt 54,8 kế hoạch và đạt 60,43 kế hoạch Thủ tướng giao. Con số này cho thấy, áp lực giải ngân vốn đầu tư cho thời gian còn lại của năm 2024 (đến 31/1/2025) là rất lớn.

Trần Quý

13:20 26/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm