Còn lại đại đa số các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam đều có truyền thống tín ngưỡng đa thần, thờ cúng nhiều vị thần linh khác nhau.

Đối với các tôn giáo, trong quá trình đổi mới đất nước, chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta ngày càng cởi mở, không chỉ tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động ổn định, phát triển mà còn nhìn nhận nguồn lực tôn giáo bởi các giá trị đạo đức, văn hóa và đóng góp của tôn giáo vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Một trong những cộng đồng tôn giáo lớn đang sinh sống ở nước ta vừa có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc đó là cộng đồng dân tộc Chăm Islam tỉnh An Giang.

Nằm ở miền Tây Nam Bộ, tỉnh An Giang có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia. Trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều tôn giáo, không chỉ có các tôn giáo nội sinh mà còn có các tôn giáo du nhập từ nước ngoài. Đạo Islam khi truyền bá vào Việt Nam được gọi là đạo Hồi hay Hồi giáo. Đây là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới.

Tổ chức cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang được công nhận năm 2004 theo quyết định của UBND tỉnh. Trụ sở Ban Đại diện (BĐD) đặt tại Thánh đường Nekmah, tổ 4, ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu. Từ khi được công nhận đến nay, trong khuôn khổ luật pháp quy định, Ban Đại diện (BĐD) Cộng đồng Hồi giáo luôn phấn đấu trở thành cầu nối giữa cộng đồng người Chăm theo Islam và chính quyền.

leftcenterrightdel

Trưởng Ban Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang, ông Haji Jaky (thứ ba từ phải sang) thăm và tặng quà phòng, chống dịch COVID-19 (ngày 19/6/2021) cho chốt Vĩnh Xương tại biên giới xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu

Ông Haji Jaky - Trưởng BĐD Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang cho biết, nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền, hiện nay, tỉnh An Giang có gần 17.000 tín đồ Islam, đông gấp 5 lần số tín đồ Islam tại các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Đa số tín đồ là người dân tộc Chăm, sinh hoạt tôn giáo ở 12 thánh đường, 16 tiểu thánh đường, 74 tuan. 136 chức sắc, chức việc sinh sống và làm việc tập trung ở các huyện: An Phú, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tân Châu, và thành phố Long Xuyên.

BĐD Cộng đồng Hồi giáo An Giang thường xuyên mở lớp truyền đạt cho các tín đồ về giáo lý, giáo luật, Thiên kinh Qur’an, về lối sống văn hóa dân tộc Chăm tại các thánh đường. Tổ chức các cuộc hội thảo văn hóa tôn giáo, văn hóa Islam và các cuộc thi xướng Kinh Qu’ran; những lễ nghi đón mừng tháng Ramadan hàng năm; phổ biến giáo lý và hướng dẫn các thủ tục liên quan đến hôn nhân, tang tế, cải giáo nhập đạo Islam theo đúng giáo luật và đúng quy định tại Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. In ấn sách, tài liệu cập nhật thông tin liên quan đến chủ trương, chính sách tôn giáo để tín đồ nắm được, từ đó, vận dụng đức tin tôn giáo vào cuộc sống thường ngày, đảm bảo vừa thực hiện đúng giáo luật, vừa phù hợp với luật pháp của Nhà nước.

Tham gia thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới, BĐD Cộng đồng Hồi giáo An Giang luôn chủ động cập nhật thông tin về các chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đề ra. Vận động tín đồ sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, ý thức rõ ràng về mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ của công dân.

BĐD cũng thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của tín đồ để đề ra phương hướng giải quyết kịp thời những vấn đề bà con còn vướng mắc.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang, ông Men Pholly nhận xét: «BĐD Cộng đồng Hồi giáo An Giang đã tham gia thực hiện tốt công tác dân tộc trong tình hình mới. Cộng đồng dân cư trên địa bàn luôn gắn bó, đoàn kết, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, đảm bảo đúng pháp luật và giáo luật ».

Góp phần nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

Nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, BĐD Cộng đồng Hồi giáo cùng đại diện chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã tới từng hộ gia đình, đôn đốc, nhắc nhở, vận động các gia đình tín đồ tạo mọi điều kiện thuận lợi để con em đến trường đúng độ tuổi, không bỏ học. BĐD cũng tích cực vận động các mạnh thường quân trong và ngoài nước trao tặng học bổng hỗ trợ cho 10 em học sinh nghèo hiếu học, trẻ em mồ côi cha mẹ do dịch bệnh COVID-19 đang học cao đẳng, đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Long Xuyên. Duy trì 3 lớp học song ngữ tiếng phổ thông và tiếng Chăm ở xã Khánh Hòa, Châu Phong với khoảng 50 em theo học, sắp tới sẽ tiếp tục mở lớp học song ngữ ở các xã khác. Phát triển quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí, cấp học bổng cho con em tín đồ có điều kiện theo học ở trong và ngoài nước.

leftcenterrightdel

     Cầu treo Masjid Al Nia’Mah nối hai ấp Vĩnh Tường và Phũm Soài giúp người dân đi lại thuận tiện

leftcenterrightdel
Hỗ trợ quần áo 0 đồng cho hộ nghèo, khó khăn ở xã Nhơn Hội trong dịp Tết Nguyên đán 2022 

Em Afan Die 22 tuổi (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú), sinh viên năm cuối có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ: «Ba em bị bệnh lao nên ở nhà, chỉ có mẹ đi làm thuê, anh trai làm nghề hướng dẫn viên du lịch, do dịch COVID-19 nên thất nghiệp ở nhà. Nếu không được BĐD hỗ trợ, giúp đỡ 10 triệu đồng mỗi tháng thì em không thể tiếp tục được đi học».

Bằng nhiều nỗ lực, BĐD đã chủ động, tích cực tham gia cùng địa phương chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao trình độ học vấn cho con em tín đồ người dân tộc Chăm tại An Giang.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho tín đồ luôn được các cấp ủy, chính quyền, Ban Dân tộc và BĐD CĐHG An Giang quan tâm phối hợp thực hiện thông qua các hoạt động như đưa trẻ đến cơ sở y tế tiêm chủng phòng bệnh; tổ chức các chuyên đề nói chuyện về nuôi con khỏe, dạy con ngoan, an toàn vệ sinh thực phẩm, thường xuyên nhắc nhở người dân thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Bà con nghèo, hoàn cảnh khó khăn được ngành Y tế tới thăm khám, cấp thuốc, điều trị bệnh miễn phí; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể hỗ trợ giúp đỡ. Chính quyền hợp đồng với Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện thị thực hiện tiểu phẫu cắt bao quy đầu cho các thanh, thiếu niên trong cộng đồng theo giáo luật...

6 tháng đầu năm 2021 - giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, qua các nguồn tài trợ khác nhau, BĐD đã hỗ trợ cho bà con 03 xã bị cách ly gồm Quốc Thái, An Phú và Tịnh Biên; 31 bà con sinh sống trên ghe ở xã Khánh Bình cùng 20 chốt biên phòng khu vực biên giới Vĩnh Xương và những trường hợp phát sinh khác với tổng kinh phí gần 16,5 tỷ đồng.

Tham gia xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, BĐD đã vận động tín đồ tích cực hưởng ứng các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư, xây dựng gia đình Islam văn hóa », “Tương thân thương ái”; quan tâm giúp đỡ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người già neo đơn, trẻ mồ côi, gia đình chính sách. Hiện nay, 95% số hộ đã được công nhận gia đình văn hóa trong quá trình thực hiện phong trào “Thi đua đăng ký xây dựng đời sống văn hóa” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Vào thứ sáu hàng tuần, các thánh đường đều thuyết giảng giáo lý nhằm giáo dục tín đồ điều tốt, tránh điều xấu, theo giáo lý Kinh Qur'an, Sunnah Islam.

Đồng hành cùng tín đồ đẩy mạnh phát triển kinh tế

Nhằm góp phần ổn định, nâng cao đời sống cho đồng bào tại các xã đang còn khó khăn, BĐD Cộng đồng Hồi giáo An Giang chủ động nắm, có biện pháp giúp hộ nghèo, hộ khó khăn; động viên tín đồ tích cực tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Vận động tín đồ mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách - Xã hội, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm… hàng năm gần 3 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ. Nhờ đó hơn 1.000 lao động nhàn rỗi đã có việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, BĐD còn sử dụng nguồn vốn tự có để cho tín đồ khó khăn vay theo hình thức xoay vòng. Chị A Mi Na ở tổ 39, ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước được BĐD cho vay vốn 5 triệu đồng/năm cho biết: «Gia đình tôi có 5 người đều trông chờ vào thu nhập từ hàng giày dép bán ở núi Sam. Trước đây, do không có vốn nhập hàng nên mẫu mã ít, cửa hàng không đắt khách, tôi bán hàng thất thường, ngày bán, ngày không. Tiền bán hàng thu được ngày nào, tôi đều chi tiêu cho gia đình luôn ngày đó, cuộc sống luôn thiếu hụt, khó khăn. Nay nhờ có vốn hỗ trợ của BĐD, tôi nhập hàng giá rẻ, bán ra cũng rẻ, vì vậy đông khách hơn, gia đình tôi bớt khó khăn và đã trả hết nợ».

Đồng hành cùng chính quyền xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng

Nhằm hoàn thiện hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc Chăm, Đảng, Nhà nước ta đã đầu tư nhiều công trình điện, đường, trường, trạm… phục vụ bà con. Hiện, điện lưới quốc gia đã phủ kín các xã có đồng bào Chăm sinh sống, với 100% số hộ sử dụng điện. Các tuyến giao thông nông thôn đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Trạm y tế xã đã có bác sỹ và các trang thiết bị thiết yếu phục vụ khám chữa bệnh. Trường học được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu dạy và học của bà con người Chăm theo tôn giáo. Hệ thống truyền thanh, trạm bưu điện văn hóa, trạm cung cấp nước sạch cũng được đầu tư xây dựng phục vụ bà con. Các xã Khánh Bình, Quốc Thái, Nhơn Hội, Vĩnh Trường, Châu Phong, Đa Phước và Khánh Hoà đã xây dựng tuyến dân cư riêng cho người Chăm...

Mang hai màu xanh, trắng tiêu biểu của đạo Hồi, cầu treo Masjid Al Nia’Mah nối giữa hai ấp Vĩnh Tường và Phũm Soài được xây dựng nhờ tài trợ của Đại sứ quán Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, với tổng kinh phí trên 598 triệu đồng đã đem lại niềm vui mừng, phấn khởi cho những người dân sinh sống nơi đây.

Ông Hakem Samael (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) và ông Ông Hakem Aly (xã Đa Phước, huyện An Phú) phấn khởi cho biết: «Trước đây, mỗi khi phải qua lại hai bên bờ sông, chúng tôi thường phải đi qua một cây cầu khác ở rất xa. Bên cạnh sinh hoạt hằng ngày, những người dân tộc có tín ngưỡng như chúng tôi còn thường phải qua lại ít nhất 4 lần mỗi ngày để hành lễ tại thánh đường. Từ khi cây cầu được xây dựng, chúng tôi đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. Chúng tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước và BĐD cùng Đại sứ quán».  

Là tín đồ vừa được BĐD hỗ trợ tặng nhà đại đoàn kết, chị Mari Giah chia sẻ: «Việc thực hiện công tác từ thiện nhân đạo là một trong 5 cốt đạo của giáo luật Islam. Cộng đồng Hồi giáo An Giang chủ yếu là người dân tộc thiểu số và chúng tôi có chung một tôn chỉ hành đạo đó là tất cả các tín đồ đều là anh em. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước cùng với việc thực hiện tốt giáo luật Islam của BĐD đã hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình kém may mắn, còn gặp nhiều  khó khăn có cơ hội được cải thiện đời sống. Chúng tôi rất mừng và cảm ơn BĐD cùng lãnh đạo các ban, ngành tỉnh An Giang đã quan tâm giúp đỡ bà con nghèo».

Sự gắn kết chặt chẽ giữa BĐD với tín đồ đã tạo nên sự đồng thuận trong nhiều hoạt động ở cộng đồng người Chăm. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con, góp phần xây dựng, phát triển quan hệ dân tộc tốt đẹp, đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu của các thế lực thù địch tìm cách xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bằng những việc làm tích cực của BĐD kết hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương đã tạo điều kiện tốt trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa, chăm lo an sinh xã hội, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng cho tín đồ.

Có được kết quả đó là do BĐD luôn chủ động tiếp cận, nghiên cứu và truyền đạt chính xác thông tin về chủ trương, đường lối chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước tới các tín đồ Islam. Cách làm đó đã củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc Chăm nói chung, tín đồ Islam nói riêng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ. Tinh thần nhân văn, bác ái chung tay góp sức làm thiện nguyện, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh vượt qua khó khăn cũng đã cho thấy ý thức trách nhiệm cùng sự tham gia tích cực, hiệu quả của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín hữu tôn giáo vào quá trình phát triển cộng đồng.

Phát huy truyền thống hòa hợp tôn giáo - dân tộc, bằng nhiều cách làm, BĐD BĐD An Giang đã làm tròn sứ mệnh «cầu nối giữa chính quyền với cộng đồng», giữa trách nhiệm của công dân và chức sắc tôn giáo, được chính quyền và tín đồ cùng tin tưởng, tín nhiệm, đánh giá cao.

Thúy Hạnh