Theo dõi Báo Thanh tra trên
TS Ngô Quốc Đông
Chủ nhật, 29/05/2022 - 17:19
(Thanh tra) - Cho đến nay chưa có một sự nhất quán trong đánh giá về chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn giai đoạn 1802 - 1862 của các nhà sử học Việt Nam. Về cơ bản có những quan điểm chính sau (1):
Một góc Huế, nơi nhà Nguyễn đóng đô. Ảnh: https://vietnamtourism.gov.vn/
Nhìn nhận chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn là một “sai lầm” thuộc về phía nhà nước phong kiến Nguyễn đáng lên án: Với quan điểm này, tập trung chủ yếu ở các nhà sử học là người Công giáo, thường có “tư tưởng hộ giáo” bảo vệnhững truyền thống cố hữu của giáo hội. Một số nhà sử học ví những vị thánh tử đạo như những anh hùng xả thân cần được ca tụng và quy hết trách nhiệm cho các vua Nguyễn.
Các quan điểm này ủng hộ các giáo sĩ trong công cuộc truyền giáo vào Việt Nam, thậm chí coi vua Minh Mạng như một Néro - bạo chúa của Việt Nam. Những nhà sử học như trên có thể kể đến là Trịnh Việt Hiền, Phan Phát Huồn… Khi đọc những tác phẩm của những nhà sử học này, người ta còn thấy cả thái độ đối trọng với Cộng sản một cách gay gắt. Thường các tác phẩm này xuất bản trước Công đồng Vatican II, thời Giáo hội Công giáo còn định kiến nặng nề với chủ nghĩa Cộng sản.
Nói vậy không có nghĩa đánh đồng tất cả, người ta vẫn thấy có những ý kiến của giới sử học Công giáo đáng ghi nhận. Chẳng hạn khi nhận xét về Minh Mạng có ý kiến: “Nhưng nếu cứ bình tĩnh mà xét”, thì chúng ta có thể thấy rằng: Đối với Công giáo, vua Minh Mạng cũng như các vua chúa và quan lại triều Nguyễn, chỉ vì nghi ngại và thiếu hiểu biết mà có thành kiến, rồi có đối sánh không phù hợp. Ngoài ra, vua Minh Mạng còn có thêm những lý do riêng và hoàn cảnh riêng, nên càng ngày càng gay gắt và quyết liệt với Công giáo. Nhưng sự gay gắt và quyết liệt chỉ thực sự có hiệu quả từ đầu năm 1833 và nhất là từ giữa năm 1838”[2]
Có lẽ không nên chỉ nhìn thấy tính quyết liệt, gay gắt trong thái độ của các vua Nguyễn. Thực tế vua Minh Mạng đã tử hình nhiều đạo trưởng phương Tây vì lý do người ngoại quốc lén vào trong nước do thám tình hình quốc gia. Bên cạnh đó ông, rất chú ý đến biện pháp đối với giáo dân bản quốc. Phương châm của ông đối với họ là “phải nêu một phen khuyên bảo khiến họ biết đường đổi mới để tỏ cái ý trước hãy giáo dục, sau mới dùng đến hình phạt”[3]
Đối với giáo dân, Minh Mạng khuyến khích sự tự nguyện bỏ đạo qua việc ông cố gắng thể hiện lòng bao dung trong các sắc dụ. Hầu như trong cuối mỗi đạo dụ có liên quan đến người Công giáo không theo giặc, ông thường dụ rằng: “Nghiêm cấm các võ biền, lại dịch và các tổng lý không được tự sự mà nộ nạt, hống hách, bắt càn nhiều dân”[4] hay đối với những người đã bỏ đạo: “Các người hàng xóm sở tại đều không được châm chọc chê bai và tạ sự doạ nạt. Nếu ai trái phép sẽ bị trị tội”[5].
Ngược lại với quan điểm trên, một số tác giả dường như ở một thái cực nhìn nhận khác là: Hậu quả của tình trạng “Công giáo bị sát hại” là do nguyên nhân từ các giáo sĩ phương Tây - những nhân vật có can dự và nội chính Việt Nam: Với quan điểm này, các nhà sử học thường quá nhấn mạnh mối liên hệ giữa chủ nghĩa thực dân và các nhà truyền giáo (điều mà các nhà sử học Công giáo rất ít khi nói tới).
Chẳng hạn có ý kiến rằng: “Có thể thấy chính sách của vua Minh Mạng đối với Công giáo về đại thể là có lý có tình và khó có thể chê trách nếu đặt nó vào bối cảnh nước ta lúc đó, khi hoạ xâm lăng đang tới gần... mặc dù biện pháp cưỡng chế bỏ đạo của Minh Mạng là đáng phê phán, song gọi Minh Mạng là “tên bạo chúa” là “kẻ khát máu” là “Néro của Việt Nam” là một sự xuyên tác sự thật lịch sử cần phải được đính chính.” [6]
Như vậy, dù ở quan điểm nào trong hai quan điểm trên đều có những mặt đúng và những hạn chế khi quá thiên về một nguyên nhân. Lịch sử dẫu là một dấu lặng buồn thì cũng đem cho ta những giá trị ít nhất là bài học kinh nghiệm. Và để “thấu tính đạt lý” trong cách lý giải về chính sách cấm đạo của triều Nguyễn, một số nhà sử học đã nhìn nhận vấn đề một cách đầy đủ, dưới nhiều góc độ như lịch sử, chính trị, văn hoá, xã hội có lẽ đây là cách đánh giá tìm được nhiều đồng thuận nhất cho đến hiên nay:
Quan điểm này xét việc cấm đạo của triều Nguyễn từ những chiều kích căn bản sau:
Về mặt chính trị: Đó là sự củng cố chế độ phong kiến trung ương tập quyền vừa mới thành lập. Sự củng cố này trong quá trình thực hiện phải đối diện với sự “liên minh” của các giáo sĩ truyền giáo với chủ nghĩa thực dân trong quá trình thăm dò xâm lược thuộc địa mà nước “Đại Nam” lúc đó là một mục tiêu thực dân hướng tới. Rõ ràng chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn có liên quan chặt chẽ với cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Và như vậy, xét trong bối cảnh chung, chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn không hoàn toàn khó hiểu, mục đích nhằm bảo vệ văn hóa truyền thống và độc lập, chủ quyền dân tộc.
Về mặt xã hội: Nhà Nguyễn từ lúc xác lập vương triều của vua Gia Long đã phải đón nhận sự dồn tụ lịch sử của tất cả những xáo trộn đời sống xã hội do chiến tranh loạn lạc từ thế kỷ 18 để lại. Nhà Nguyễn lên nắm vương triều với một cơ sở xã hội đầy biến động. Những “lời giải” cho việc ổ định xã hội đã tạo áp lực rất mạnh với những người đứng đầu vương triều. Họ phải nhanh chóng ổn định xã hội, củng cố vương quyền.
Những thập kỷ đầu thế kỷ 19 xã hội biến động ít nhiều có liên quan đến Công giáo. Đó là sự can dự của các thừa sai và một bộ phận giáo dân vào các cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành, Nông Văn Vân và đặc biệt là khởi nghĩa của Lê Văn Khôi. Đó còn là mối quan hệ giữa các thừa sai với Lê Văn Duyệt... Những biến động xã hội trên cộng với sự tham góp của một bộ phận giáo dân trong các sự kiện ấy hoàn toàn mâu thuẫn với tư tưởng thống nhất quyền lực, củng có vương triều của các vua Nguyễn, và trong tình thế này, cấm đạo thực khó tránh khỏi.
Về mặt văn hoá: Một nghiên cứu công phu của Nguyễn Quang Hưng xuất bản gần đây chỉ ra một luận điểm mà tác giả dày công chứng minh, phân tích suốt công trình là: Trong các yếu tố văn hoá, thì “vấn đề nghi lễ” là một lý cho cơ bản của các cuộc cấm đạo thời Nguyễn. Trong cuốn sách này[7], tác giả phân tích việc một số vua Nguyễn không hiểu Công giáo đã làm trầm trọng thêm tính chất của việc cấm đạo. Thực tế triều Nguyễn sử dụng Nho giáo làm hệ tư tưởng cai trị. Do đó cả Gia Long và Minh Mạng đều lo ngại sự truyền bá Công giáo dẫn đến sự suy giảm việc thờ cúng tổ tiên và đức Khổng Tử, các lễ Phật... của một bộ phận dân chúng. Sự truyền bá Công giáo đã không được triều Nguyễn nhận thức như một cơ hội giao lưu văn hoá tư tưởng, mà coi đó như một mối đe doạ với văn hoá truyền thống.
Sự cấm đạo, xét về nguồn gốc đó còn là biểu hiện của sự phản ứng của văn hoá truyền thống với văn hoá ngoại trong quá trình cọ sát, tiếp xúc, thâu hoá và đi đến tiếp nhận. Bất cứ nền văn hoá nào muốn hoà nhập vào cộng đồng dân tộc Việt đều phải chấp nhận nền văn hoá Việt như một dòng chủ đạo để từ đó mà uyển chuyển thích ứng theo. Mọi sự đối kháng đều dẫn đến khó tiếp nhận mà có thể hậu quả còn là sự xung đột gay gắt về mặt xã hội như buổi đầu Công giáo truyền vào Viêt Nam.
Tuy nhiên về bản chất, văn hoá Việt có tính khoan dung thì việc cấm đạo xét từ góc độ chính trị vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Ở đây đối với chính quyền Nguyễn, vấn đề Công giáo không đơn thuần là vấn đề văn hóa, mà đã được đặt thành vấn đề chính trị. Chúng ta trở lại với nhận xét của Tsuboi: “Vì tại Việt Nam, nơi có tinh thần hoà đồng tôn giáo đã thấm sâu vào xã hội, không có lý do gì, nhất là khi vẫn có trật tự xã hội, lại đi bách hại đạo Công giáo với tính cách là một đạo giáo. Và từ lâu, điều làm cho người ta e ngại là sự hiện diện và hoạt động của các thừa sai bị coi như những tác viên của Tây phương có nhiệm vụ phá hoại nền đạo đức và chính trị của Tổ quốc”.[8]
Điều này cũng giống nhận xét của chính quyền cai trị thực dân lúc bấy giờ. Toàn quyền Đông Dương Lanessan nhận định: “Bất cứ một người Annam nào theo đạo Thiên chúa đều bị người đồng hương coi như một kẻ phản bội Tổ quốc”. Do đó, những nguyên nhân cấm đạo, không có tính cách tôn giáo như người ta vẫn lầm tưởng vì dân Việt Nam rất khoan dung về tín ngưỡng, mà chỉ có tính cách ái quốc thôi.
Linh mục Louvet trong cuốn “Đức cha Puginier”[9] đã viết: “Sự bách hại người Công giáo mang tính chất một cuộc trả thù lòng yêu nước chống lại việc thiết lập chế độ bảo hộ.”[10]
Tuy nhiên, ngoài những khác biệt trong đánh giá nói trên dựa trên các nguồn sử liệu, các nhà nghiên cứu đều khá thống nhất khi cho rằng chính sách của các vua Nguyễn với Công giáo không giống nhau ở từng thời kỳ. Do đó mức độ ảnh hưởng cũng như hiệu lực của chính sách nhà Nguyễn với Công giáo cũng không giống nhau.
Chẳng hạn, thời vua Gia Long do có mối quan hệ thân quen với các giáo sĩ ngoại quốc đã trợ giúp ông trong quá trình lấy lại quyền lực chính trị, nên Gia Long vẫn để cho Công giáo điều kiện phát triển bình thường và hầu như không có chính sách hạn chế mạnh mẽ sự phát triển của Công giáo.
Vua Minh Mạng mặc dù không ưa gì đạo Công giáo, song hơn mười năm đầu thời ông trị vì vẫn cho đạo Công giáo được tự do hoạt động, chỉ nghiêm cấm giáo sĩ nước ngoài vào trong nước.
Sang đến đầu thời Thiệu Trị, tình hình cấm đạo có phần lắng xuống do đó các thừa sai Pháp đẩy mạnh phát triển đạo, nhất là ở vùng ven biển.
Vào đầu thời Tự Đức, quân Pháp ráo riết chuẩn bị xâm lược Việt Nam, triều đình nghi ngờ các giáo sỹ thừa sai tiếp tay cho địch nên lệnh cấm đạo ngày càng quyết liệt hơn. Mặc dù Tự Đức gay gắt hạn chế tôn giáo, đạo Công giáo nhưng tình hình phát triển đạo vẫn được duy trì, vì trên thực tế lúc đó triều đình đang phải lo giặc ngoại xâm, nên các chính sách, chỉ dụ cấm đạo dù gay gắt nhưng có hiệu lực không mạnh ở dưới cơ sở nhất là ở những vùng xa triều đình.
Mấy nhận xét
Vua Gia Long lên ngôi, hàm ơn Công giáo, với cá tính rạch ròi trong chuyện ơn huệ, không có một hành động mạnh tay nào hạn chế sự phát triển Công giáo. Tuy nhiên với tính cách đa nghi và nhạy cảm, Gia Long không phải không nhìn thấy những nguy cơ đối với độc lập và nền văn hóa dân tộc mà Công giáo có thể gây áp lực với chính quyền. Sự hàm ơn Công giáo và một “thái độ nghĩa tình” của Gia Long đã đem cho Công giáo những năm đầu của thế kỷ 19 một thời kỳ thanh bình yên ả.
Chính sách cấm đạo gắt gao dưới thời Minh Mạng và Tự Đức đã có ảnh hưởng đến người Công giáo, nhất là khu vực phía Nam.
Về mặt nguyên tắc: Chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn không phải được bắt nguồn từ tư tưởng chính quyền phong kiến muốn triệt hạ tôn giáo này và đi đến xoá bỏ, mà nó được ban hành theo những tình thế bị động đối phó với sự xâm lược của phương Tây và đương nhiên đi với âm mưu đó là sự tiếp xúc va chạm văn minh, văn hoá ở buổi đầu.
Chính sách cấm đạo trong nhiều tình huống được ban hành ở “thế” tìm kiếm một giải pháp hơn là một sự hoạch định chiến lược có quy mô dài hạn và tổng thể trong vấn đề cấm đạo. Hầu hết đó là những chỉ dụ có tính chất lúng túng biểu hiện sự bất lực của hệ tư tưởng Nho giáo trước văn minh phương Tây do thực dân mang tới.
Về mặt thực thi: Quá trình thực hiện chính sách cấm đạo có thể chỉ được thực hiện tốt ở cấp cao như các vùng, tỉnh, huyện mà không được thi hành nghiêm túc ở cấp dưới. Điều này do một đặc trưng rất cơ bản của hệ thống hành chính nhà Nguyễn là mạnh ở trung ương và yếu ở cơ sở. Hệ thống hành chính Nguyễn luôn tạo ra “một áp lực căng” từ trên xuống dưới, nhưng áp lực đó xuống cơ sở hầu như bị triệt tiêu bởi tính tự quản làng xã. Vì vậy xứ, họ đạo được hình thành trên cơ sở kết cấu làng Việt cổ truyền đã khách quan thừa hưởng một sự an toàn ngẫu nhiên.
Tính kém hiệu quả của thực thi còn do chính quyền ban hành các chỉ dụ chủ quan, nóng vội, nhiều khi là dồn dập, không dựa trên hiểu biết về Công giáo, đặc biệt là giáo hội cơ sở. Tính kém hiệu quả và ít ảnh hưởng tới xứ họ đạo còn vì nhiều quan lại trong triều không cho thực hiện chỉ dụ cấm đạo ở địa bàn minh cai quản như trường hợp Lê Văn Duyệt, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Đăng Giải… Hoặc các họ đạo nằm ở các vùng xa chính quyền, hoang vắng như ở các địa phận Đàng Trong.
Chính sách cấm đạo của triều Nguyễn gây ảnh hưởng tới các xứ họ đạo không chỉ dừng ở những thiệt hại trực tiếp đối với người Công giáo mà nó để lại “tâm lí nặng nề” trong mối quan hệ “lương - giáo”, “Công giáo - dân tộc”. Gạt bên ngoài chính sách cấm đạo “tính hợp lí” có thể hiểu được thì chính sách cấm đạo đẩy người Công giáo vào tình thế lựa chọn: Hoặc phải theo Chúa hoặc phải theo vua. Trong bối cảnh lịch sử nêu trên, đa số người Công giáo không có sự lựa chọn vừa kính Chúa vừa trung với vua. Kết quả là các cuộc “xung đột” giữa các làng không Công giáo và làng Công giáo những năm 60 - 70 của thế kỷ 19 dẫn đến nhiều làng mạc, xứ, họ đạo, đền miếu bị phá, nhiều giáo dân cùng lương dân bị thiệt hại[11].
Cho đến sau này, thời gian trôi đi, khi đường hướng đồng hành cùng dân tộc giữ vai trò then chốt, là xu hướng ưu trội và chủ đạo, nhưng trong dân gian, trong ký ức, trong lối hành xử giữa người Công giáo và không Công giáo, những “cách biệt” phảng phất vẫn còn đó.
-----------------
[1] Các quan điểm mà chúng tôi nêu chủ yếu là của giới sử học người Việt. Chúng tôi chưa có điều kiện về ngoại ngữ và tư liệu để tổng kết thêm các quan điểm của những nhà sử học người nước ngoài về chủ đề trên.
[2] Xem: Bài của linh mục Trương Bá Cần trên Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 14, tháng 2/1996, tr. 110 - 111.
[3] Đại Nam thực lục chính biên, tập 11, Nxb Khoa học xã hội,Hà Nội, 1964, tr. 235-236.
[4] Đại Nam thực lục chính biên, tập 11, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1964, tr. 235-236.
[5] Đại Nam thực lục chính biên, tập 13, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1964, tr. 296.
[6] Nguyễn Văn Kiệm, Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2003, tr. 212.
[7] Nguyễn Quang Hưng, Công giáo Việt Nam thời kỳ triều Nguyễn 1802-1883, Nxb Tôn giáo, 2007.
[8] Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (Nguyễn Đình Đầu dịch), Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội, 1993, tr.70.
[9] Nay vẫn còn một cuốn viết bằng tiếng Pháp tại Thư viện Quốc gia.
[10] Nguyễn Văn Trung, Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam thực chất và huyền thoại, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn, 1963. tr.116.
[11] Xem thêm vấn đề này trong: Cao Huy Thuần, Đạo Thiên chúa và chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam 1858-1914, Hương Quê, 1988.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hạn mức đất giao cho tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP HCM từ 1.000-5.000 m2 tùy địa phương.
Uyên Uyên
12:19 12/10/2024(Thanh tra) - Sáng 19/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế chùa Tam Chúc đã diễn ra các nghi thức trang trọng của Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024).
Trà Vân
18:58 19/05/2024Trà Vân
22:32 02/03/2024Trà Vân
23:53 23/06/2023Trà Vân
09:07 28/05/2023Trà Vân
11:20 31/12/2022Thu Huyền
Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình