Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số năm 2022 trên địa bàn.

Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan đầu mối; chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch; quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng định mức quy định; tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Trước đó, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số” năm 2022 với mục đích nâng cao nhận thức về giới và ý thức pháp luật về bình đẳng giới, chuyển đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình, xã hội, giảm khoảng cách về giới, tiến tới dần xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Góp phần vào sự phát triển, tiến bộ xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cung cấp kiến thức cơ bản pháp luật về bình đẳng giới; hôn nhân và gia đình; phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng chống bạo lực gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số, vận động thường xuyên tại các ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh và Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú.

Tổ chức hội nghị bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới cho học sinh Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú.

Phát huy vai trò của người có uy tín; huy động sự tham gia của cán bộ ấp, khu phố, tổ nhân dân tự quản, học sinh tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh và Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú trong việc tuyên truyền vận động, thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn và trường học.

Tổ chức khảo sát và xây dựng mô hình Câu lạc bộ Phụ nữ thực hiện bình đẳng giới tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các can thiệp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hóa, phong tục ở địa phương.

Theo thông tin của Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long có vị trí chiến lược quan trọng. Diện tích tự nhiên hơn 6.348km2, có đường biên giới trên bộ giáp Campuchia dài 49,6km, có vùng biển rộng hơn 63.000km2.

Toàn tỉnh có 15 huyện, thành phố, gồm 15 đơn vị hành chính cấp huyện (12 huyện và 03 thành phố), 144 xã, phường, thị trấn, 950 ấp, khu phố. Có 49 xã được phân định khu vực thuộc vùng dân tộc thiểu số.  Dân số có 1.748.465 người, trong đó dân tộc Kinh có 1.487.331 người, chiếm tỷ lệ 85,06% tổng dân số toàn tỉnh; dân số là người dân tộc thiểu số có 261.134 người, chiếm tỷ lệ 14,94%, (dân tộc Khmer có 230.500 người, chiếm 13,19%; người Hoa có 29.606 người, chiếm 1,69%; các dân tộc thiểu số khác 1.028 người, chiếm 0,06%). Đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Khmer) ở Kiên Giang chủ yếu cư trú ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo… Đây là địa bàn khó khăn về giáo dục, đào tạo, do đó Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có các chính sách để phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số.

Thanh Hà