Tác phẩm "Nhật ký trong tù" là tập thơ gồm 133 bài, viết bằng chữ Hán, ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt.

Tháng 8/1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên Hồ Chí Minh với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam Độc lập đồng minh và Phân bộ Quốc tế phản xâm lược của Việt Nam sang Trung Quốc công tác.

Khi đến Túc Vinh, Quảng Tây, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ, và từ đây bắt đầu hành trình 13 tháng đầy gian nan, cực khổ, trải qua 18 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây. Trong những tháng ngày đó (tháng 8/1942 - tháng 9/1943), Người đã sáng tác tập thơ "Ngục trung nhật ký" (Nhật ký trong tù).

Tập thơ phản ánh một cách chân thực về chế độ nhà tù và một phần xã hội Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch. Nhà tù là nơi diễn ra nhiều tệ nạn (đánh bạc, buôn bán, hối lộ…) với bao bất công, ngang trái, đày ải, áp bức người dân trong cảnh khốn cùng.

Mỗi bài thơ trong tập nhật ký là tiếng lòng của tác giả, khắc họa sâu sắc tâm hồn, những suy nghĩ, tình cảm của Bác trong thời gian bị giam cầm nơi đất khách. Đó là lòng yêu nước thiết tha, luôn đau đáu hướng về Tổ quốc, mong được trở về hòa mình vào cuộc chiến đấu của đồng chí, đồng bào. Mặc dù chịu bao khổ cực, áp bức, nhưng Người luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm đến mọi người, đặc biệt là những bạn tù xung quanh.

Tình yêu thương bao la, vô bờ bến của Người không chỉ dành cho mọi kiếp người, không phân biệt giai cấp, dân tộc, mà còn là tình yêu thiên nhiên, hòa mình vào muôn cảnh vật.

Toát lên từ toàn bộ tập nhật ký là một tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vào ngày mai tươi sáng, ý chí kiên cường, bền bỉ, lòng quyết tâm sắt đá của Người. Bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, sức mạnh tinh thần lớn lao đã đưa Người vượt qua đày ải, ngục tù, đến với ngày tự do, trở về Tổ quốc thân yêu, lãnh đạo toàn dân giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Tác phẩm đã trở thành bảo vật quốc gia của Việt Nam, được bạn bè quốc tế ngợi ca và được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.

Với bản dịch này của nhà thơ Quách Tấn, những độc giả yêu mến "Nhật ký trong tù" có thêm một lựa chọn nữa bên cạnh bản dịch quen thuộc của Nam Trân và các bậc túc nho khác.

Những trang thơ được dịch và thể hiện theo lối mới lạ, độc đáo trong ấn phẩm cho chúng ta hiểu và trân trọng hơn về tài năng dịch thuật, đặc biệt là về tình cảm của thi sĩ Quách Tấn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Cũng trong ngày 18/5, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và sàn sách trực tuyến quốc gia book365 đã tổ chức tọa đàm ra mắt cuốn sách “Nhật ký trong tù” bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn.

leftcenterrightdel
Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm ra mắt sách "Nhật ký trong tù". Ảnh: KH 

Chia sẻ tại tọa đàm ra mắt sách, Nhà sử học Dương Trung Quốc nêu những nguyên do, ngọn nguồn thi sĩ Quách Tấn dịch “Nhật ký trong tù”, cũng như hành trình tìm và được nhà thơ Quách Tấn gặp gỡ, cảm mến, giới thiệu bản dịch của mình.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay, nhà thơ Quách Tấn được biết đến là một dịch giả thơ Đường hàng đầu của nước ta. Tuy nhiên, trong bản dịch này, ông đã phá cách, chuyển một số bài của “Nhật ký trong tù” sang những thể thơ truyền thống khác của Việt Nam như thể thơ lục bát, bởi theo nhà thơ “có nhiều bài tôi thấy dịch thành lục bát nó ý vị hơn”. Chính vì lý do này, nên Quách Tấn đã khiêm tốn để là “phỏng dịch”.

Cũng tại tọa đàm, nhà nghiên cứu Hán học, PGS. TS Lê Văn Toan chia sẻ lý do vì sao “Nhật ký trong tù” lại viết bằng chữ Hán mà không phải một ngôn ngữ nào khác. Theo PGS.TS Lê Văn Toan, từ bé Bác đã học tiếng Hán và học rất giỏi. Bác từng sống và hoạt động tại Trung Quốc 10 năm. Khi Bác ở trong tù thời gian dài đằng đẵng trong khi đất nước đang rất cần người lãnh đạo.

“Thời gian trong tù đó, Bác viết nhật ký bằng chữ Hán đề rèn luyện tư duy quan sát, luyện trí nhớ, tư duy giải quyết các mối quan hệ của mình… Một giả thiết khác khi Bác ở trong tù, không có mối liên lạc nào với quê nhà, Bác là ai những người bạn tù cũng không biết. Phải chăng đây là một nguyên nhân Người cần bí mật, phải giữ mình. Chính điều này cũng đã được ghi rõ trong Nhật ký trong tù về ngày tháng năm xuất bản”, PGS.TS Lê Văn Toan cho hay.

leftcenterrightdel
 Độc giả tìm hiểu về cuốn "Nhật ký trong tù" phỏng dịch của Quách Tấn. Ảnh: KH

Đánh giá cao và bày tỏ những lý thú khi đọc bản dịch của nhà thơ Quách Tấn, PGS. TS Lê Văn Toan cho biết, nhà thơ Quách Tấn có những sáng tạo riêng khi cảm nhận và lột tả chính xác ý thơ của Bác. Từng bài thơ vừa là sự thoát ý vừa lột tả chân trời nghệ thuật thênh thang, đầy ý vị trong thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặc biệt với ấn bản này, bạn đọc sẽ được "chiêm ngưỡng" những bài thơ của Bác với phần chép tay chữ Hán của nhà thư pháp Trần Thúc Lâm, một người bạn văn chương của Quách Tấn và phần chép tay chữ quốc ngữ rất đẹp của chính nhà thơ.

Thái Hải