Ngày 7/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua; phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đỗ Bá Ly cho biết, thời gian qua, các cuộc kiểm tra, giám sát được chú trọng ngay từ việc khảo sát, nắm tình hình, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, đối tượng, xác định không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Công tác kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, là khâu đột phá nên đã tổ chức quyết liệt, có hiệu quả.

Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, riêng ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 470 tổ chức Đảng và 1.481 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kiểm tra 67 tổ chức Đảng và 230 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó có 4 Thành ủy viên và 53 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

Bên cạnh số đảng viên do các cấp ủy Đảng thi hành kỷ luật, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 915 đảng viên, trong đó Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kỷ luật 36 đảng viên.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao hiệu quả hoạt động, chất lượng công tác của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy từ đầu nhiệm kỳ đến nay với 5 kết quả nổi bật; nhất là hàng năm thực hiện vượt chỉ tiêu kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy còn thực hiện kiểm tra cách cấp, kiểm tra trách nhiệm chỉ đạo quản lý trật tự xây dựng xuống tận cấp phường.

Thời gian tới, bà Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cần theo dõi chặt chẽ, nghiêm khắc hơn việc thực hiện các kết luận sau thanh tra, vì mặc dù đã có tiến bộ, nhưng số lượng vụ việc cần quan tâm vẫn còn nhiều.

Đẩy mạnh kiểm tra cách cấp

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được các cấp ủy Đảng quan tâm, chỉ đạo khá đồng đều.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: CTV

Về những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cần tiếp tục nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của ngành, những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, xác định rõ nhiệm vụ kiểm tra, giám sát Đảng vừa là sứ mệnh vừa là niềm vinh dự của mỗi cán bộ của ngành.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung phương pháp kiểm tra giám sát, triển khai đồng bộ hiệu quả các biện pháp, kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây là chính, công khai minh bạch kết quả kiểm tra giám sát.

Nhấn mạnh yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra, giám sát chuyên đề, ông Vương Đình Huệ chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra các cấp của TP phải đặc biệt chú trọng kiểm tra, giám sát để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ  và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm với tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm.

Để làm tốt được nhiệm vụ đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm nhiệm vụ, đạo đức trong sáng và bản lĩnh chính trị vững vàng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cần phát huy tốt vai trò trong Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Thành ủy; kịp thời tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành ủy giải quyết ngay những vụ việc phức tạp ở cơ sở; tập trung củng cố những tổ chức đảng khó khăn, có biểu hiện mất đoàn kết, suy giảm sức chiến đấu; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; không để phát sinh thêm “điểm nóng”.

Ông Vương Đình Huệ lưu ý, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra các cấp phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ tham gia nhận xét, đánh giá cán bộ phục vụ công tác nhân sự đại hội; phục vụ công tác thẩm tra tư cách đại biểu. Trong quá trình đó, cơ quan kiểm tra của Đảng phải tăng cường công tác giám sát để nhắc nhở, cảnh báo để cán bộ không mắc sai phạm, đồng thời “gạn đục khơi trong”, một mặt xử lý triệt để, nghiêm khắc cán bộ sai phạm, mặt khác phải cương quyết bảo vệ cán bộ tốt. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động, phát huy sáng kiến, sáng tạo, hướng mạnh về cơ sở; nhất là đẩy mạnh việc kiểm tra các cấp, sẵn sàng xuống tận chi bộ để kiểm tra và ra kết luật đối với những vấn đề, vụ việc nổi cộm để giao cho cấp ủy cấp dưới xử lý.

 2 tháng tiếp nhận hơn 600 đơn thư

Ông Vương Đình Huệ cho biết, trong 2 tháng thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị phân công tại Hà Nội đã trực tiếp nhận 606 đơn thư khiếu nại, tố cáo.       

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, thực tế này cho thấy, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP rất phức tạp, đòi hỏi các cấp, các ngành TP, nhất là cá nhân người đứng đầu phải tập trung giải quyết mới có thể phòng ngừa phát sinh những vấn đề bức xúc, những điểm nóng trên địa bàn.

Trong số hơn 600 đơn thư đã tiếp nhận, Bí thư Thành ủy đã giao hơn 200 đơn cho các cấp thẩm quyền. Đến nay, 36 đơn vị đã có báo cáo tiến độ, trong đó 20 vụ việc đã được giải quyết xong.

Dự báo tình hình đơn thư còn tăng lên, ông Vương Đình Huệ đã chỉ đạo tập trung phân tích tình hình, làm rõ vai trò trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp trong việc giải quyết đơn thư và phòng ngừa phát sinh “điểm nóng” thông qua các hoạt động nghiệp vụ, sự phối hợp với các cơ quan nội chính trong giải quyết các vụ việc phức tạp tồn đọng…

Hải Hà