Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Điều hành giá nêu 4 lĩnh vực Chính phủ sẽ giải quyết thời gian tới.

Đó là phải có tăng trưởng kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, chống thất nghiệp; kiểm soát lạm phát dưới 4% và bảo đảm các cân đối lớn nền kinh tế.

Có khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4%

Theo Thủ tướng, "tăng trưởng mà để lạm phát cao là thất bại". Vì thế, ông yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo đưa ra giải pháp điều hành 2 quý cuối năm để giữ ổn định giá cả, tránh gây áp lực lên lạm phát.

Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đưa ra 2 kịch bản điều hành giá. Theo đó, kịch bản 1 thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2020 so với năm 2019 tăng khoảng 3,64%, kịch bản 2 CPI tăng khoảng 3,95%.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước dự báo CPI cả năm 2020 trong khoảng 3,7±0,5%.

Còn Tổng cục Thống kê dự báo CPI cả năm 2020 theo 2 kịch bản: Kịch bản 1 tăng từ 3,5-3,7% và kịch bản 2 tăng từ 3,8-4,1%.

Theo Bộ Tài chính, giá một số mặt hàng thiết yếu chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hoá và tác động tới chỉ số CPI như thịt lợn, lương thực, thực phẩm... đã dần ổn định.

Việc bổ sung nguồn cung từ tái đàn, nhập khẩu đã giúp giá thịt lợn trên thị trường ổn định hơn các tháng trước và "sẽ không có biến động lớn, rồi sẽ giảm dần trong quý IV".

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường cơ bản ổn định do nguồn cung trong nước dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Từ đó, ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí cho rằng, có khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Không thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thủ tướng, sức ép tăng giá, lạm phát vẫn còn lớn, nhất là giá dầu thô, lương thực, thực phẩm có xu hướng đi lên, nhiều nước đã giảm giá đồng tiền.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Hiếu 

Do đó, Chính phủ sẽ linh hoạt trong điều hành, nhất là thời điểm, mức độ can thiệp các công cụ chính sách để không ảnh hướng đến mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Cũng theo Thủ tướng, kiểm soát lạm phát nhưng không thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. Chính sách kiểm soát giá phải góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh doanh, kích thích tăng trưởng.

Đối với các kịch bản điều hành giá, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính phối hợp chủ trì với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản phù hợp với mục tiêu đề ra để chúng ta đạt được con số dưới 4%. Trong trường hợp thật cần thiết, có thể điều hành ở 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Về giá điện, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục giữ giá mặt hàng này trong năm 2020. Tuy nhiên, trước những phản ánh về hoá đơn điện tăng cao vừa qua, ông yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiểm tra, xử lý ngay các bức xúc của người dân.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin truyền thông. “Phải nói dễ nghe, dễ hiểu để người dân ủng hộ chủ trương”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương luôn đồng hành, lắng nghe thực sự cầu thị, hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động thông tin truyền thông về tình hình giá cả thị trường quốc tế, trong nước, chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước về điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, độc quyền giá trái quy định… 

Hương Giang