Xử lý các hiện tượng trì trệ bằng biện pháp cán bộ

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần “không tô hồng, không bôi đen” mà nhìn rõ sự thật, đánh giá đúng bản chất.

Theo đánh giá của Thủ tướng, 5 tháng qua, kết quả lớn nhất đạt được là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, giảm nợ công, giảm nợ Chính phủ, giảm bội chi.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng. Điều hành chính sách tiền tệ phải theo hướng chắc chắn, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, TP tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, Thủ tướng nói rõ.

Phân tích kỹ hơn, theo Thủ tướng, phải triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tăng tổng cầu trong nước, hỗ trợ người lao động, phát triển mạnh thị trường trong nước với việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất…

Về đầu tư, phải giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn và thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư FDI bằng các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.

Tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững và củng cố các thị trường đã có với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ...

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên vật liệu phục vụ các dự án, công trình trọng điểm; thành lập các tổ công tác, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Chủ động, tích cực rà soát, có cơ chế phù hợp cho các dự án bất động sản, xây dựng, công nghiệp, thương mại trên địa bàn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xử lý các hiện tượng trì trệ bằng các biện pháp cán bộ.

Tăng khả năng tiếp cận vốn; chuẩn bị chính sách miễn, giảm thuế

Người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể với từng bộ, ngành,

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp giảm chi phí, lãi suất cho vay (cả vay cũ và vay mới); tăng khả năng tiếp cận vốn, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các động lực tăng trưởng, các lĩnh vực ưu tiên.

Bộ Tài chính đẩy nhanh hoàn thuế VAT và triển khai hiệu quả chính sách giảm 2% thuế VAT nếu được Quốc hội thông qua; chuẩn bị chính sách bổ sung miễn, giảm thuế, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Giao thông vận tải tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm, cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc đẩy, nhanh chóng khởi công các dự án hợp tác công-tư.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc thúc đẩy dự án sân bay Long Thành, nếu không hoàn thành công việc thì thay người có trách nhiệm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo vấn đề này.

Với Bộ Công thương, Thủ tướng yêu cầu triển khai Quy hoạch điện VIII và xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan các dự án liên quan Quy hoạch điện VII theo tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, phân loại, công bố công khai dự án nào đủ hay không đủ điều kiện, không đúng quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân tích, dự báo, cập nhật, chuẩn bị các kịch bản, không để bất ngờ.

“Các bộ, ngành phải tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các địa phương”, Thủ tướng yêu cầu và kêu gọi, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, hành động quyết liệt của từng cá nhân, tập thể để tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc, cố gắng quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước.

Ban đầu lựa chọn ưu tiên kiểm soát lạm phát là đúng đắn

Nhìn lại 5 tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, TP đã bám sát tình hình để chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ.

Nhờ đó, lạm phát giữ xu hướng giảm dần qua các tháng và được kiểm soát đúng theo nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.

Phân tích thêm nội dung này, Thủ tướng nêu rõ, có thời điểm, trước lựa chọn ưu tiên kiểm soát lạm phát hay ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chúng ta lựa chọn ưu tiên kiểm soát lạm phát để không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân.

“Đây là lựa chọn đúng đắn, nhất là trong lúc khó khăn”, Thủ tướng nói, khi ưu tiên kiểm soát lạm phát thì phải hy sinh một phần mục tiêu tăng trưởng.

Cùng với đó, thị trường tiền tệ, giá cả ổn định; lãi suất điều hành giảm 3 lần liên tiếp. Xuất khẩu có xu hướng tăng trở lại; so với tháng 4, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 tăng 5,3%, xuất khẩu tăng 4,3%, nhập khẩu tăng 6,4%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,2% so với tháng 4 và tăng 0,1% so cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,9%.

Du lịch phục hồi nhanh, có gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 12,6 lần cùng kỳ, đạt 57,5% kế hoạch năm. Thu ngân sách đến ngày 31/5 ước đạt 782 nghìn tỷ đồng, bằng 48,3% dự toán.

Đầu tư công đã thực hiện đạt khoảng 177.000 tỷ, trong đó giải ngân vốn đến ngày 31/5 đạt trên 157.000 tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022 (22,37%), nhưng số tuyệt đối cao hơn 41 nghìn tỷ đồng…

Theo Thủ tướng, nền kinh tế còn có những khó khăn, thách thức. Đó là, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; mặt bằng lãi suất tuy giảm nhưng vẫn cao, nợ xấu có xu hướng tăng; thu hút FDI tiếp tục bị ảnh hưởng.

Trong khi, thủ tục hành chính một số lĩnh vực, địa phương, một số cấp, ngành còn rườm rà; một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, giải quyết công việc...

Thủ tướng nhấn mạnh bài học là phải tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả; dứt khoát chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; nêu rõ chính kiến và kiên trì tăng cường phân cấp, phân quyền.

Hương Giang