Tiếp tục chương trình kỳ họp 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân sáng ngày 2/6.

Dự thảo luật quy định, “sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng công an nhân dân, nghiên cứu khoa học, công tác, học tập mà cấp bậc hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang đảm nhiệm thì được xét thăng cấp bậc hàm trước thời hạn”.

Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.

“Chính sách thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn cho sĩ quan công an nhân dân khi có thành tích đặc biệt xuất sắc thực sự cần thiết và có ý nghĩa trong điều kiện hiện tại”, đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) nêu ý kiến.

Minh chứng ý kiến của mình, ông Mạc dẫn câu chuyện Bác Hồ phong hàm đại tướng quân đội đầu tiên cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1948.

Theo ông Mạc, khi đó Bác Hồ nói rằng: "Bác trao cho chú chức vụ đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…".

Sau đó, khi trả lời phóng viên phương Tây về tiêu chuẩn phong hàm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời: "Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng phong trung tướng, đánh thắng đại tướng phong đại tướng"...

“Ý nghĩa câu chuyện lịch sử này đến nay còn nguyên giá trị, không chỉ có ý nghĩa với lực lượng quân đội nhân dân mà còn có ý nghĩa với công an nhân dân”, theo đại biểu.

Ông Mạc cho rằng, một sĩ quan công an khi đã trải qua quá trình công tác, chiến đấu và lập được chiến công, thì sự uy tín, ngưỡng mộ, trân trọng với sĩ quan công an nhân đó được ghi nhận cách tự nhiên. 

Nếu đủ điều kiện phong hàm cấp tướng trước thời hạn thì sự nỗ lực, cống hiến đó được ghi nhận một cách xứng đáng, đồng thời thêm điều kiện để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của lực lượng công an nhân dân. 

Đại biểu Mạc đề nghị cân nhắc bổ sung quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí để thăng hàm cấp tướng trước thời hạn có thành tích “đặc biệt xuất sắc” trong chiến đấu và công tác vào dự thảo luật mà không giao Chính phủ quy định chi tiết.

Chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị quy định cụ thể, đầy đủ tiêu chí, điều kiện để xét thăng cấp bậc hàm tướng trước thời hạn ngay trong dự thảo luật. “Cần quy định điều kiện cần và đủ tiêu chuẩn cụ thể của việc lập thành tích đặc biệt xuất sắc là như thế nào để tránh lạm dụng. Cũng như quy định thăng cấp bậc hàm trước hạn không quá 12 tháng vào dự thảo luật”, ông Hòa nói.

Bổ sung thêm 6 vị trí cấp tướng, ngành Công an sẽ đủ 205 tướng

Một trong những điểm mới của dự thảo luật là đề xuất bổ sung thêm 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong công an nhân dân.

Trong đó, 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng với sĩ quan công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng được đề xuất bổ sung là: Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân; Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân; 1 Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; 2 vị trí phó cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an.

Bày tỏ quan điểm tán thành với đề xuất trên, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nói, bổ sung thêm 6 vị trí cấp tướng nâng tổng số cấp tướng của ngành Công an lên 205 người, đúng với quy định của Bộ Chính trị đã “ấn định”.

Hiện nay, Luật Công an nhân dân mới chỉ quy định cụ thể 199 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng (gồm 1 đại tướng, 6 thượng tướng, 35 trung tướng, 157 thiếu tướng). 

Các vị trí khác chưa được quy định hoặc mới quy định trên cơ sở nguyên tắc nên thực tiễn thi hành luật gặp khó khăn, vướng mắc, theo Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. 

H.Giang