Chiều 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai mới có 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo luật lấy ý kiến nhân dân.

Đánh giá tác nếu thay đổi phương pháp, cách thức định giá đất

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay, đã có đã có hơn 12 triều lượt ý kiến góp ý với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó, vấn đề tài chính đất đai, giá đất được nhân dân quan tâm.

“Dự thảo luật đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất”, Phó Thủ tướng nói.

Theo đó, định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong các khâu xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, dự thảo luật quy định “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường chưa rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện yêu cầu của Nghị quyết số 18 của Trung ương”. Cơ quan này đề nghị báo cáo, làm rõ, bổ sung đánh giá tác động cụ thể, nhất là tính khả thi của quy định.

“Trong đó đề nghị đánh giá tác động kinh tế - xã hội đến các đối tượng khác nhau nếu có sự thay đổi về phương pháp, cách thức định giá đất”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ “giá đất” hay “giá quyền sử dụng đất”; mối quan hệ giữa “giá đất” và “bảng giá đất”. Quy định rõ ràng “các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất”.

Lo ngại ban hành bảng giá đất hàng năm sẽ làm tăng chi phí, thủ tục

Liên quan bảng giá đất, tờ trình mới nhất của Chính phủ đã bỏ quy định về khung giá đất và quy định về bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm. Đồng thời quy định việc áp dụng bảng giá đất mới sẽ áp dụng từ 1/1/2026.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: P.Thắng

Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, ban hành bảng giá đất hàng năm sẽ làm tăng chi phí, thủ tục, thời gian và nhân lực khi không có biến động về giá đất. Không phải tất cả các loại đất, khu vực nào cũng có biến động về giá, đồng thời đối với những khu vực có giá đất tăng cao sẽ không được điều chỉnh kịp thời.

Các ý kiến này đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định 2 - 3 năm ban hành bảng giá đất, hằng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất.

Cũng có ý kiến đề nghị sau ngày 1/1/2026 (bảng giá đất được áp dụng theo quy định của luật này) xây dựng bảng giá đất ban đầu, hằng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất. Trong mỗi năm áp dụng bảng giá và hệ số điều chỉnh, đối với các khu vực có biến động 20% trở lên thì điều chỉnh hệ số điều chỉnh.

Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi của việc xây dựng Bảng giá đất hằng năm để áp dụng từ ngày 1/1/2026, nghiên cứu để có lộ trình thích hợp và có phương án quy định linh hoạt hơn trong trường hợp đến thời hạn ngày 1/1/2026 vẫn chưa hoàn thành được việc xây dựng bảng giá đất hằng năm; nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, khó xây dựng trường dữ liệu đầu vào.

Đề nghị rà soát cơ chế thu hồi đất làm dự án nhà ở thương mại

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Dự thảo Luật Chính phủ trình đã có sự thay đổi lớn theo hướng cụ thể hơn, liệt kê 31 trường hợp thu hồi đất theo 3 nhóm, gồm: Thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, công trình sự nghiệp; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác.

Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành ý kiến cho rằng cần cân nhắc cách quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất vì mỗi công trình, dự án được liệt kê khác nhau về tính chất và giá trị (xét về mặt lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội và mục tiêu phát triển).

Trong các trường hợp thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất có cả dự án nhà ở thương mại, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, sẽ khó xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không.

Cơ quan này cho rằng với quy định như tại dự thảo luật sẽ khó triển khai trên thực tế cơ chế thỏa thuận về quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại.

Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát cơ chế thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại theo hướng “tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.

Hương Giang