Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội: Bộ Giáo dục và 12 tỉnh khẩn trương thu nộp ngân sách khoản chi không đúng

Hương Giang

Thứ hai, 24/06/2024 - 15:36

(Thanh tra) - Bộ Giáo dục Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội và 12 tỉnh phải khẩn trương thu nộp ngân sách Nhà nước các khoản chi không đúng quy định theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, nghị quyết Quốc hội nêu rõ.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: P.Thắng

Chiều 24/6, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022, với 459/460 đại biểu có mặt tán thành.

Theo nghị quyết được thông qua, Quốc hội đồng ý phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2022 là 3.102 tỷ đồng, gồm: Tăng thu ngân sách Trung ương 972 tỷ đồng; tăng thu ngân sách địa phương 2.130 tỷ đồng.

Quốc hội cũng phê chuẩn năm 2022, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước hơn 2,7 triệu tỷ đồng; tổng chi gần 2,9 triệu tỷ đồng; bội chi ngân sách Nhà nước hơn 293.000 tỷ đồng.

Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc hơn 488.400 tỷ đồng.

Kiểm tra khoản chi mua sắm thiết bị tăng cường nghiên cứu khoa học

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm người đứng đầu, các tập thể, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lập, chấp hành dự toán; lập, gửi báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 chậm so với thời gian quy định.

Đi cùng là kiểm điểm các tập thể, cá nhân thuộc các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp và các đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước có vi phạm trong lập, chấp hành dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán ngân sách Nhà nước.

Đáng chú ý, Quốc hội giao yêu cầu Bộ Giáo dục Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội và UBND 12 tỉnh: Bắc Giang, Lai Châu, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Vĩnh Long khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Các bộ, đơn vị và 12 tỉnh trên cũng phải thu nộp ngân sách Nhà nước các khoản chi không đúng quy định theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân chậm báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh quyết toán ngân sách theo quy định.

Nội dung nữa, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, rà soát các khoản chi thường xuyên cho hoạt động mua sắm trang thiết bị của Dự án Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ của một số bộ, ngành, cơ quan.

Cụ thể là Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện các vi phạm”, Quốc hội quyết nghị.

Có phương án xử lý kinh phí còn lại của Quỹ vaccine phòng Covid-19

Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ khẩn trương xây dựng phương án xử lý số kinh phí còn lại của Quỹ Vaccine phòng Covid-19 theo thẩm quyền để bảo đảm việc quản lý, sử dụng chặt chẽ, có hiệu quả nguồn kinh phí này và phù hợp với quy định.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết nghị quyết bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước. Ảnh: P.Thắng

Trong năm nay, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát, hủy bỏ, thu hồi triệt để về ngân sách các khoản chi ngân sách Nhà nước, chi ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương năm 2023 và năm 2022 trở về trước quản lý, sử dụng không đúng quy định, đã hủy dự toán, không có nhu cầu sử dụng hoặc hết thời gian giải ngân để giảm bội chi ngân sách Trung ương.

Khoản tiền này không được “chuyển nguồn sang năm 2024”, nghị quyết Quốc hội nêu.

Cũng trong năm nay, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương phải tiếp tục có các giải pháp quyết liệt để xử lý dứt điểm, thu hồi số tạm ứng quá thời hạn quy định kéo dài nhiều năm.

Quốc hội yêu cầu, làm rõ các trường hợp không có khả năng thu hồi số kinh phí tạm ứng quá thời hạn quy định; thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt, xử lý trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội trong quản lý, thu hồi số tạm ứng ngân sách Nhà nước.

Quốc hội yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách Nhà nước.

Việc xử lý số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách Nhà nước tại thời điểm ngày 31/12/ 2022, số nợ phát sinh và dồn tích tại thời điểm ngày 31/12/2023 và ngày 31/12/2024 phải báo cáo Quốc hội.

Cạnh đó, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong lập dự toán, quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, không gây thất thoát, lãng phí”, theo nghị quyết của Quốc hội.

Từ năm 2024, chấm dứt việc tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm các khoản tăng thu ngân sách Nhà nước chưa được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cấp có thẩm quyền phê chuẩn bổ sung, điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm