Cuối giờ chiều 29/1, tại phòng họp bên trong Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình - nơi đang diễn ra Đại hội XIII của Đảng - Thủ tướng triệu tập họp khẩn lần 2 về phòng chống COVID -19 sau khi ghi nhận thêm 53 ca mắc trong cộng đồng.

Hải Dương có thể xuất hiện thêm các ca bệnh 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bộ đã hỗ trợ tối đa Hải Dương để khoanh vùng, dập dịch sớm nhất có thể, đảm bảo có Tết an lành cho nhân dân.

Bộ điều động lực lượng rất lớn với 1.200 nhân viên y tế, trong đó có cả học sinh, sinh viên trường y cùng 60 giáo sư, chuyên gia xuống Hải Dương để thiết lập hệ thống điều trị. TP Chí Linh được phong tỏa, ngăn chặn lây nhiễm, ngăn lan ra vùng khác, việc lấy mẫu được triển khai trên diện rất rộng.

Theo ông Long, do tình hình, cơ sở điều trị Hải Dương không đáp ứng yêu cầu nên bộ đã chỉ đạo thành lập 3 bệnh viện dã chiến. Trước hết là tại Trung tâm Y tế huyện Chí Linh; Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, tất cả bệnh nhân sẽ được điều trị tại chỗ, hạn chế di chuyển vì chủng vi rút tốc độ lây lan nhanh. Bộ Y tế chủ trì kết nối tất cả cơ sở y tế với các bệnh viện dã chiến tại Hải Dương, mỗi ngày có 2-3 cuộc họp.

Các bệnh viện này được kết nối với Hội đồng Chuyên môn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia nhằm đảm bảo công tác điều trị.

“Tình hình dịch ở Hải Dương có thể xuất hiện thêm các ca bệnh, nhất là Công ty POYUL. Tại đây đã phát hiện 127 ca dương tính và có thể có thêm ở công nhân mắc bệnh. Đây có thể là tâm dịch của Hải Dương", ông Long cho biết.

Ông tiếp tục lưu ý, dù đã phong tỏa TP Chí Linh nhưng đặc biệt phải phong tỏa chặt chẽ hơn ở phường Cộng Hòa, Hoàng Tiến, Lê Lợi, Văn Đức, Bắc An và Sao Đỏ; kiến nghị lấy mẫu toàn bộ người dân.

Cũng theo Bộ trưởng, cần lấy mẫu diện rộng hơn nơi có bệnh nhân sinh sống và đề nghị tỉnh Hải Dương ngày ngày mai tăng công suất xét nghiệm.

Với các địa phương khác, Bộ trưởng Y tế đánh giá, Quảng Ninh, Hải Phòng kích hoạt phòng chống dịch rất tốt. Còn Hà Nội có thể xuất hiện thêm một số ca rải rác, bộ đã trao đổi và đề nghị mở rộng các ca xét nghiệm ở một số khu vực như Nội Bài cũng phải xét nghiệm toàn bộ nhân viên.

Dự kiến trong quý I sẽ có vắc-xin phòng COVID -19

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP cho hay, Hà Nội mới phát hiện 2 ca dương tính. Hiện TP đã triển khai hết sức khẩn trương trong đêm qua để tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và truy vết.

Cụ thể, đối với bệnh nhân 1581 khu Times City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, qua kiểm tra có 3 F1 đã lấy mẫu xét nghiệm. 

Trường hợp bệnh nhân 20 tuổi ở Chí Linh (Hải Dương) lên Hà Nội học tiếng Anh tại phường Quan Hoa, Cầu Giấy để đi xuất khẩu lao động đã điều tra, phát hiện 18 F1. Tất cả các trường hợp này đã lấy mẫu và đang chờ kết quả. 

Hà Nội đã yêu cầu khử trùng toàn bộ chung cư T6 Times City và thông báo cả tòa nhà khai báo, thực hiện các biện pháp chống dịch, đóng cửa Vinschool cũng như trung tâm thương mại để tiến hành khử khuẩn.

Trường hợp bệnh nhân ở Cầu Giấy, toàn bộ tòa nhà và trung tâm tiếng Anh bệnh nhân đến học đã được yêu cầu khử khuẩn. Các trường hợp sống trong tòa nhà, các quán ăn tại chung cư này đều được lấy mẫu xét nghiệm trong đêm qua, tổng số là 46 mẫu.

Ông Dũng cũng thông tin liên quan đến đám cưới tại Phù Đổng, Gia Lâm đón dâu ở Chí Linh, Hải Dương. Theo đó, có hai, ba người nhà gái đón dâu khi về Hà Nội quay trở lại Hải Dương. Nhà trai có 64 người đi đón dâu đang xét nghiệm và chờ kết quả. Tất cả các trường hợp này đang được cách ly tại nhà, có giám sát.

Nêu trường hợp dự phòng nếu Hà Nội có nhiều ca dương tính, dịch bùng phát, Phó Chủ tịch Hà Nội đề nghị, Bộ Y tế hỗ trợ chuyên môn, xét nghiệm và thông tin nhanh nhất các trường hợp liên quan đến Hà Nội để truy vết, thực hiện phòng, chống dịch kịp thời.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: TN 

Liên quan đến vắc - xin, Bộ trưởng Long thông tin, hôm qua (27/1), Hội đồng Chuyên môn đã cấp phép khẩn cấp cho vắc - xin phòng COVID-19 của Anh, với cam kết bán cho Việt Nam 30 triệu liều. Bộ Y tế đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các nhà sản xuất vắc - xin khác ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nga… 

Còn vắc - xin do Việt Nam sáng chế đã thử nghiệm trong nước nhưng bắt buộc phải thử nghiệm ở các nước khác, đặc biệt các nước có dịch để đánh giá được hiệu quả. Bộ Y tế dự kiến lựa chọn Ấn Độ, Indonesia để thực hiện việc này.

“Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á tự nghiên cứu vắc - xin. Quan điểm của Bộ Y tế là thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng để làm sao người dân có vắc - xin sớm nhất. Trong quý I chúng tôi dự kiến sẽ có những liều vắc - xin đầu tiên để tiêm cho các đối tượng theo đúng báo cáo của Bộ Y tế với Chính phủ”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.

Không chủ quan song không lo lắng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ngay khi có ca mắc mới, chúng ta không mất giờ phút nào, đưa ra các phương án, kịch bản tốt nhất và hành động kịp thời.

Hôm nay, số ca mắc trong cộng đồng tăng thêm 53 trường hợp nhưng theo Phó Thủ tướng tình hình đang được kiểm soát, "không chủ quan song không lo lắng".

"Sáng nay báo cáo tình hình với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và với Thủ tướng thì tôi đã nói là đến giờ này em cười được rồi", Phó Thủ tướng thông tin và bày tỏ, "hôm kia chúng tôi hứa 10 ngày là sẽ dập dịch, nay còn 8 ngày; cố gắng từng giờ từng phút, làm sao khoanh gọn, phấn đấu đến Tết ông Công, ông Táo là đã tương đối".

Theo Phó Thủ tướng, công tác chống dịch đã được "chỉ đạo rất chu đáo", lập các bệnh viện dã chiến để điều trị. Vấn đề lớn nhất là cách ly, không chỉ dùng doanh trại quân đội mà như ở TP Chí Linh (Hải Dương) còn huy động thêm các cơ sở dân sự.  

Ông lưu ý Bộ Y tế tăng tốc độ xét nghiệm, huy động thêm máy xét nghiệm. Các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng xét nghiệm xong có thể giúp Hải Dương.

Tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID -19 trước đó, Phó Thủ tướng cho rằng, “tất cả người có kết quả xét nghiệm âm tính hôm nay không có nghĩa là an toàn vì có thể bị nhiễm rồi nhưng xét nghiệm chưa đến ngưỡng phát hiện. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 3, tận dụng tối đa mọi cơ sở trên địa bàn TP Chí Linh và khu vực lân cận để thiết lập các khu cách ly”.

Nhấn mạnh “Thủ tướng đã ra lệnh phong toả TP Chí Linh”, nhưng theo Phó Thủ tướng, đây là địa phương có nhiều tuyến đường rất quan trọng về giao thương.

“Các địa phương phải quán triệt tinh thần phong tỏa để chống dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ. Các phương tiện vận tải hàng hoá di chuyển trên các tuyến quốc lộ phải thực hiện nghiêm yêu cầu cấm dừng, đỗ, để giải toả hàng hoá, thông thương”, Phó Thủ tướng nói.