Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Dự kiến không bỏ phương pháp thặng dư khi định giá đất

Hương Giang

Thứ tư, 02/08/2023 - 10:49

(Thanh tra) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu nghiên cứu, đánh giá đất đủ các phương pháp định giá đất đã áp dụng phổ biến tại Việt Nam; điều kiện áp dụng, để bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sau phiên họp về tiếp thu, hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Không để xảy ra “khoảng trống” khi định giá đất

Tại thông báo này nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các tiêu chí áp dụng phương đấu giá hay đấu thầu theo hướng tính toán giá trị tổng thể dự án mang lại cho xã hội, thúc đẩy đầu tư vào đất và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Về phương pháp định giá đất, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về các phương pháp định giá đất.

Từng phương pháp định giá đất phải được nghiên cứu đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện nguyên nhân tồn tại; điều kiện áp dụng, đảm bảo bao quát hết các trường hợp.

“Không để xảy ra khoảng trống, dẫn đến ách tắc, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh”, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trên cơ sở đó, bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) các quy định về nguyên tắc, phương pháp định giá đất được áp dụng phổ biến rộng rãi trên thế giới đã được áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Cụ thể gồm 4 phương pháp là: phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư, phương pháp hệ số.

Hiện, theo quy định, giá đất được xác định theo 1 trong 5 phương pháp, như so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất. Các Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước đây cũng nêu các phương pháp xác định giá đất này.

Dự thảo Sửa đổi Nghị định 44 quy định về giá đất đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến chỉ còn 3 phương pháp định giá đất (gồm: So sánh, thu nhập và phương pháp hệ số). Phương pháp chiết trừ được lồng ghép vào phương pháp so sánh. Riêng phương pháp thặng dư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bỏ.

Như vậy với thông báo kết luận của Phó Thủ tướng, các phương pháp định giá đất vẫn được quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và phương pháp thặng dư vẫn được giữ.

Vẫn theo thông báo, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện các quy định để theo dõi, thống kê, giám sát, thu thập số liệu, biến động của thị trường đất đai. Điều này nhằm đảm bảo dữ liệu đầu vào chính xác, tin cậy, phù hợp với thị trường cho cho từng phương pháp khắc phục được những tồn tại, hạn chế như thời gian vừa qua.

Riêng phương pháp định giá đất theo phương pháp vùng giá trị, thửa đất chuẩn thì quy định lộ trình áp dụng, khi có cơ sở dữ liệu giá đất thị trường.

Dự thảo luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, các trường hợp phải áp dụng các tổ hợp phương pháp để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, dữ liệu và sự phát triển của khoa học công nghệ.

Cắt giảm tối đa thủ tục, tăng cường phân cấp cho địa phương

Với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ quan chủ trì soạn thảo được yêu cầu tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực thúc đẩy lẫn nhau để phát triển, nhất là quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị để gắn kết phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ với hệ thống hạ tầng hướng tuyến (TOD); đảm bảo tĩnh, động, linh hoạt.

Việc xác định các chỉ tiêu trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần bảo đảm tính ổn định về các chỉ tiêu quan trọng như: Đất lúa, đất rừng, bảo tồn thiên nhiên, di sản văn hóa, các khu dân cư đã phát triển ổn định... các chỉ tiêu khác theo các nguyên tắc của thị trường, theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.

Để đảm bảo chủ động trong lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đi trước một bước nhưng vẫn đảm bảo sự linh hoạt theo nhu cầu của thị trường cần có quy định cho phép điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, chỉnh lý theo hướng tăng cường phân cấp quản lý cho địa phương kết hợp với phân bổ nguồn lực, phù hợp với khả năng thực hiện của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp sử dụng đất hiệu quả, nhất là đất lúa, đất rừng, khai thác khoáng sản, cũng là nội dung được lãnh đạo Chính phủ lưu ý.

Phó Thủ tướng nêu rõ yêu cầu phải rà soát bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt khi áp dụng, thực hiện, các biện pháp giảm thiểu rủi ro, bảo đảm tính ổn định của luật.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm