Chiều ngày 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia.

Giảm diện tích đất trồng lúa, tăng đất phi nông nghiệp

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng việc lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) phải gắn với mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh, bền vững, tính liên kết liên vùng, liên tỉnh, gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn và thống nhất, đồng bộ giữ các địa phương.

Đồng thời, phân bổ sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; độ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%…

Đi vào các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, theo Bộ trưởng,  đất nông nghiệp được xác định là 27,73 triệu ha, giảm 251.220 ha so với năm 2020.

Trong đó, Chính phủ dự kiến quy hoạch diện tích đất lúa đến năm 2030 giảm 348,77 nghìn ha, tập trung giảm tại vùng Đồng bằng Sông Hồng (101,8 nghìn ha), vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (88,56 nghìn ha)… và nhiều diện tích sẽ được chuyển sang đất phi nông nghiệp.

Đất nông nghiệp giảm, diện tích đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là 4,9 triệu ha, tăng 965.370 ha so với năm 2020.

Quy hoạch cũng đặt ra đến năm 2030 có 45 khu kinh tế với 1,65 triệu ha, tăng 15.400 ha; đất khu công nghệ cao có 6 khu với 4,14 triệu ha; đất đô thị tăng lên 2,95 triệu ha, thêm 925.780 ha, đáp ứng yêu cầu tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Đ.X

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng hiện nay “chưa được phê duyệt”.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia với các quy hoạch có liên quan, hạn chế tối đa những chồng chéo, mâu thuẫn.

Đề cập đến đất trồng lúa, theo Chủ nhiệm Ủy  ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đây là loại đất đặc biệt có đặc trưng riêng về thành phần lý hóa tính, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư rất lớn, trong thời gian dài.

Ông Thanh nêu, đất khu công nghiệp thời gian tới sẽ được chuyển đổi từ đất lúa tương đối lớn (48,4 nghìn ha).

“Khi đã chuyển đổi sang đất khu công nghiệp thì không thể khôi phục diện tích đất lúa đó, do đó, cần rà soát kỹ lưỡng, hạn chế việc sử dụng đất lúa để làm các khu công nghiệp”, ông Thanh nói.

Ủy ban Kinh tế thấy, giai đoạn 2011-2020 chỉ tiêu đất khu công nghiệp đạt rất thấp (hơn 47,45%), tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chỉ đạt 75%. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2030 đặt chỉ tiêu rất cao (đến 2030 là 210,93 nghìn ha tăng 120,1 nghìn ha so với năm 2020). Vì vậy, cần phân tích, làm rõ cơ sở đưa ra chỉ tiêu và tính khả thi của chỉ tiêu này.

Đề xuất cho UBND tỉnh được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất trồng rừng

Để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, hoàn thiện quy định chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quản lý sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Ngoài ra, ưu tiên nguồn lực đầu tư công để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt trong 5 năm đầu kỳ dẫn dắt đầu tư tư nhân; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai; xử lý nghiêm các hoạt động gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất…

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép UBND cấp tỉnh thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Đ.X 

Ông Vũ Hồng Thanh cho hay, với đề nghị của Chính phủ, trong cơ quan thẩm tra có 2 loại ý kiến.

Theo đó, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, thực hiện theo đề nghị của Chính phủ thì tại Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ có nội dung khác với quy định của Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp hiện hành. Do đó, việc đề nghị bãi bỏ quy định của Luật Đất đai tại nghị quyết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là không phù hợp.

Loại ý kiến thứ hai tán thành với đề xuất của Chính phủ vì cho rằng việc Thủ tướng phân cấp thẩm quyền của mình cho địa phương sẽ tạo tính linh hoạt, chủ động cho địa phương để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính khi thực hiện.

Dù tán thành với chủ trương tiếp tục phân cấp cho các địa phương gắn với cơ chế kiểm soát phù hợp, nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng, đề xuất của Chính phủ là một thay đổi chính sách lớn, cần được tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng, nếu không có nguyên tắc, tiêu chí, định hướng quản lý đi kèm thì có nguy cơ bị lạm dụng chính sách.

“Trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo tổng kết thi hành để sửa đổi Luật Đất đai thì chưa nên đặt vấn đề này trong dự thảo nghị quyết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trường hợp cần thiết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét khi tiến hành sửa đổi Luật Đất đai thời gian tới”, ông Thanh nói và cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với loại ý kiến thứ nhất.

Chốt lại nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với quan điểm của Ủy ban Kinh tế. 

Tầm nhìn đến năm 2045, mỗi vùng sẽ được khai thác tiềm năng sử dụng đất tùy vào lợi thế, cụ thể:

- Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Tập trung khai thác lợi thế lợi thế về tài nguyên rừng, khoáng sản, kinh tế vùng biên, tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ đi đôi với bảo vệ, khôi phục rừng.

- Vùng Đồng bằng sông Hồng: Tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại, các trung tâm đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

- Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: Kkhai thác và phát triển lợi thế về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, kinh tế biển và cơ sở hạ tầng đi kèm; đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đi; bảo vệ và phát triển rừng.

- Vùng Tây Nguyên: Nâng cao hiệu quả diện tích cây công nghiệp đi đôi với phát triển công nghiệp chế biến; củng cố, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng; phát triển năng lượng tái tạo, hệ thống đô thị của vùng, cơ sở hạ tầng giao thông.

- Vùng Đông Nam Bộ: Nâng cao khả năng kết nối hạ tầng vùng và liên vùng, hình thành trung tâm tài chính mang tầm quốc tế. Phát triển nông nghiệp hàng hóa, sinh thái; bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn.

- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp; sử dụng đất linh hoạt thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn.

   
Hương Giang