“Nếu là người hãy là người cộng sản”

Trong sự nghiệp và cuộc đời của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kinh qua nhiều chức vụ khác nhau. Đặc biệt, ông có 6 lần được tín nhiệm bầu giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Đó là, 2 lần ông Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội, 1 lần được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước và 3 lần đắc cử giữ cương vị Tổng Bí thư.

Dù ở cương vị nào, mỗi lời nói và hành động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng đều thể hiện sự cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như lời một bài hát: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản”, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mượn để nói lên ước nguyện của mình.

Nhớ lại ngày 1/2/2021, khi tái đắc cử lần thứ 3 giữ chức Tổng Bí thư (khóa XIII), tại buổi họp báo ông chia sẻ, được bầu làm Tổng Bí thư, ông mừng thì mừng, nhưng lo nhiều hơn vì nhiệm vụ còn lớn.

“Tôi cũng không được khoẻ lắm, tuổi cũng cao rồi, cũng xin nghỉ rồi, nhưng Đại hội bầu thì vẫn phải làm vì đảng viên phải chấp hành, tôi sẽ cố gắng hết sức”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời báo chí về phòng, chống tham nhũng ngày 1/2/2021. Ảnh: Đ.X

Trả lời về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư khẳng định, làm không phải trị hay thù oán ai mà hoàn toàn nhân văn, nhân đạo.

“Cưa một cành cây mọt sâu để cứu cả cây. Xử một vài người để răn đe giáo dục, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm. Cảnh tỉnh, cảnh báo ngăn ngừa là chính chứ không phải xử nhiều, xử nặng, đấy mới là nghiêm", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại câu nói của Bác Hồ.

Ông cho rằng, đấu tranh phòng chống tham nhũng nếu không có dũng khí, tình cảm chân chính, bản lĩnh thì dễ mắc lắm.

“Ai chẳng thích của, thích tiền nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất, chết cũng không mang tiền theo được”, Tổng Bí thư nhấn mạnh, “còn tiền, còn chức, còn quyền, nếu người ta không tu dưỡng, rèn luyện thì còn xảy ra tham nhũng”.

“Tôi làm gì không bao giờ nghĩ tới mục đích để tạo dấu ấn”

Thời điểm tái đắc cử lần thứ 3 làm Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đồng thời là Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Khi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước vào ngày 23/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giãi bày tâm trạng “vừa mừng, vừa lo”.

“Mừng là vì được Quốc hội, được Nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo là làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình. Đây là tâm tư, suy nghĩ thật lòng của tôi, cũng giống như tâm trạng của tôi cách đây hơn 12 năm, khi tôi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khoá XI”, ông chia sẻ.

Cho hay thời điểm lần đầu tiên nhậm chức Chủ tịch Quốc hội vào ngày 26/6/2006 “phần lo nhiều hơn”, vì không biết có hoàn thành được nhiệm vụ không, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại:

“Khi phát biểu trước Quốc hội, tôi đã ngẫu hứng lẩy 2 câu Kiều: Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay! Và bây giờ đây, tâm trạng tôi cũng tương tự như thế, thậm chí có phần còn lo lắng hơn”.

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước. Ảnh: Ngọc Thắng 

Trở lại ngày 26/6/2006, ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XI, khi đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng.

Phát biểu trước Quốc hội khi nhận nhậm chức mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tự thấy mình còn nhiều hạn chế, cả về kiến thức và kinh nghiệm.

“Tôi mong nhận được sự giúp đỡ tích cực của các vị đại biểu Quốc hội; sự cộng tác chặt chẽ của các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự phối hợp thường xuyên của các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự quan tâm ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước”, ông nói.

Ở lần nhậm chức thứ 2 cũng với cương vị Chủ tịch Quốc hội (khóa khóa XII) vào ngày 23/7/2007, trong các cam kết khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến việc kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; phấn đấu nâng cao hơn nữa năng lực lập pháp và giám sát của Quốc hội, đổi mới phương pháp công tác, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện quan liêu; thường xuyên giữ mối liên hệ với nhân dân để xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

Giai đoạn sau, ông Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị Tổng Bí thư. Trong buổi họp báo, trả lời câu hỏi ông sẽ quan tâm và sẽ tạo dấu ấn của mình trong lĩnh vực nào? Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng bộc bạch: “Tâm sự thật với các bạn, tôi làm cái gì không bao giờ nghĩ tới mục đích để tạo dấu ấn, để đánh bóng mình, không phải cốt tỏ ra ta là thế nào. Trách nhiệm của người đảng viên, người cán bộ là thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng. Làm tốt nghị quyết của Đảng đã là tốt rồi, đương nhiên trong khi triển khai phát triển toàn diện thì phải có trọng tâm, trọng điểm”.

“Tổng Bí thư quyết đoán, nhưng rất tình cảm”

Là người chuyên nghiên cứu về Đảng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo “kết hợp tầm nhìn, tư duy chiến lược với hành động cụ thể”.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tầm tư duy lớn, tư duy chiến lược, nhưng đồng thời hướng vào xử lý, giải quyết những vấn đề cụ thể của đất nước khi nghiên cứu lý luận”, ông Phúc chia sẻ cảm nghĩ khi Tổng Bí thư làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, còn ông là thành viên.

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri. Ảnh: Đ.X 

Tiếp xúc trong công việc hay trong cuộc sống, ông Phúc thấy Tổng Bí thư là hình mẫu về đạo đức cách mạng, sống khiêm tốn, giản dị, gần gũi với đồng chí, cộng sự, với Nhân dân, lắng nghe, thương yêu mọi người, rất quyết đoán nhưng rất tình cảm.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông học rất xuất sắc. Tổng Bí thư suốt đời phấn đấu về chính trị, lý luận và đạo đức. Đó là, ấn tượng sâu sắc nhất mà đến hôm nay tôi vẫn giữ nguyên”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương từng có một nhiệm kỳ làm trong tổ giúp việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Vì thế, ông Hà có nhiều cơ hội dự họp, gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có khi là do ông xin sang gặp, cũng có khi Tổng Bí thư gọi ông sang trao đổi công việc.

Theo cảm nhận của ông Hà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới, là hình mẫu tiêu biểu nhất về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ông đặc biệt nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng về cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư. “Ông là nhà lãnh đạo có phong cách rất giản dị, khiêm tốn, mẫu mực, gần gũi với mọi người. Chưa bao giờ tôi thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng to tiếng hay nặng lời với ai, ông luôn nhỏ nhẹ nhưng lời nói có sức nặng, đi vào tâm khảm người nghe”, ông Hà chia sẻ.

Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cả PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc và ông Nguyễn Đức Hà chung suy nghĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có công hiến rất lớn, là dấu ấn để lại cho toàn Đảng, toàn Dân.

Từ khi kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà trực tiếp do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban (tháng 2/2013), thực tiễn cho thấy công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được đẩy lên mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; hơn 30 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến hết năm 2023, các cơ quan có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Đáng chú ý, trong năm 2023 đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Riêng 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật 7 nhân sự (khai trừ khỏi Đảng 6, cách chức 1); cho 5 nhân sự thôi các chức vụ do có khuyết điểm, vi phạm. Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 5 tổ chức đảng (cảnh cáo), 6 đảng viên (cảnh cáo 3, khiển trách 3). Ban Bí thư thi hành kỷ luật 5 tổ chức đảng (cảnh cáo 3, khiển trách 2), 27 đảng viên (khai trừ 26, cách chức 1). 

Hương Giang