Chiều ngày 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 7 vào tháng 5 và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.

Còn ý kiến khác nhau

Liên quan đến việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đến nay vẫn có ý kiến khác nhau.

“Quá trình chỉnh lý, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng các chính sách mới của dự thảo luật, đại diện các cơ quan tham gia chỉnh lý (Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao) đều thống nhất với dự thảo luật phải tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng. Tuy nhiên, thảo luận trong Thường trực Ủy ban Tư pháp thì có 2 loại ý kiến với vấn đề này”, bà Nga nói.

Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành quy định phải tách vụ án với người chưa thành niên để giải quyết riêng; đồng thời, đề nghị giao Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn về phối hợp trong thực hiện việc tách vụ án.

Phương án này sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các chính sách mới nhân văn của dự thảo luật; đồng thời không tạo ra mâu thuẫn giữa các quy định của dự thảo; không làm phát sinh các mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Cạnh đó, loại trừ những vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên (nếu không tách riêng vụ án để giải quyết).

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: P.Thắng

Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng “có thể” tách riêng vụ án với người chưa thành niên để giải quyết, để tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, giao cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, quyết định

Theo ý kiến này, trên cơ sở từng vụ án cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đối chiếu với các quy định của Luật Tư pháp Người chưa thành niên và Bộ luật Tố tụng Hình sự để quyết định tách riêng vụ án với người chưa thành niên hoặc vẫn giải quyết chung trong cùng vụ án với người trưởng thành.

Không tách vụ án “luật này không có nghĩa”

“Quan điểm của chúng tôi là không có phương án 2, chỉ có 1 phương án thôi”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói, nếu không tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội thì “luật này không có nghĩa”.

Chánh án giải thích, chúng ta đặt ra nhiều chính sách ưu đãi với người chưa thành niên. Bên cạnh hình phạt, thì vụ án còn phải do các điều tra viện, kiểm sát viên, thẩm phán được đào tạo, có hiểu biết về tâm lý, được đào tạo về tư pháp người chưa thành niên.

“Phải để người hiểu rõ tâm lý các cháu hỏi cung để động viên các cháu”, Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh.

Mặt khác, liên quan đến vấn để bảo mật. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, nêu xét xử chung thì không được xét xử kín, bản án phải được công khai.

“Như vậy tất cả hành vi sai lầm của các cháu đều bị công khai hết cả. Đây là điều mặc cảm, ảnh hưởng đến con đường hoàn lương còn lại rất dài của các cháu. Các cháu sẽ luôn bị ám ảnh bởi một tuổi thơ phạm tội”, ông Nguyễn Hòa Bình nêu.

Vẫn theo Chánh án TAND Tối cao, luật hiện hành cũng như dự án luật này phân làm 2 độ tuổi: 14 - 16 và 16 - 18. Hai độ tuổi này có chính sách khác nhau.

Cho nên, nếu không tách án thì không có quy trình điều tra cho cá nhân mà phải phải tuân theo thời hạn điều tra vụ án, mà với vụ án thì căn cứ vào tính chất nghiêm trọng nhất của vụ án.

leftcenterrightdel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: P.Thắng 

“Nếu vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các cháu phải trải qua thời hạn điều tra rất dài”, ông Bình nói.

Chánh án TAND Tố cao dẫn chứng, trong vụ án đánh bạc, các cháu chỉ ngồi giữ tiền, đếm tiền, cảnh báo khi có công an hay người lạ vào. Khi công an xuất hiện, xảy ra đánh nhau dẫn đến “sứt đầu, mẻ trán”, thậm chí có người chết thì từ vụ án đánh bạc, các cháu tham gia với vai trò không đáng kể phải theo vụ án của tội giết người, thời hạn điều tra, truy tố, xét xử có thể tới 30 tháng.

“30 tháng, có nghĩa các cháu khi ở độ tuổi 15 được hưởng chính sách của độ tuổi 14-16 thì đến khi đưa ra xét xử là 18 tuổi, không thể áp dụng các chính sách này được”, ông Bình nói và nêu rõ, “không tách án thì tất cả các nguyên tắc tiến bộ ở đây đều không đáp ứng được”.

Chánh án nói thêm, khi thảo luận, có 56 ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý tách án, 7 ý kiến không đồng ý. Tại thông báo hồi tháng 4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý tách an nhưng đề nghị phải lập luận tốt.

“Chúng tôi tuân thủ điều này. Luật của nhiều nước trên thế giới cũng quy định như vậy. Khi chúng tôi làm luật này, chúng tôi tham vấn ý kiến các chuyên gia quốc tế, họ nói không tách án không được”, theo lời ông Nguyễn Hòa Bình.

Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Quang Dũng nói việc tách vụ án để áp dụng quy trình khác, thân thiện như dự thảo luật là “cần thiết”.

Trước băn khoăn, việc tách riêng vụ án có người chưa thành niên phạm tội có ảnh hưởng gì với việc xử lý vụ án (chung) không, ông Dũng khẳng định “không ảnh hưởng”.

Theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, một vụ án tách riêng nhóm bị can, bị cáo là người chưa thành niên với nhóm người thành niên thì cũng vẫn do một cơ quan tố tụng tiến hành thực hiện. Do vậy, hai nhóm điều tra này vẫn có thể phối hợp điều tra.

“Khác chăng là có thể xem xét, xử lý với nhóm bị can, bị cáo chưa thành niên sớm hơn, do thời hạn tố tụng quy định ngắn hơn với người chưa thành niên, từ đó giải quyết vụ án được nhanh hơn”, ông Dũng giải thích.

Khi tách vụ án, theo ông Dũng, người chưa thành niên phạm tội được áp dụng quy trình tố tụng thân hiện hơn, bảo đảm được các yêu cầu và mục tiêu ban hành của đạo luật này. 

Hương Giang