Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Từng bước giải quyết những vấn đề Quốc hội và cử tri quan tâm

Thứ hai, 12/11/2012 - 20:40

(Thanh tra) - Hôm nay (12/11), bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã báo cáo và trả lời chất vấn trước Quốc hội (QH).

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai và thứ ba, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Báo cáo trước QH, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành các Nghị quyết của QH, nhanh chóng nghiên cứu, cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và khẩn trương tổ chức thực hiện gắn với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước giải quyết những vấn đề mà QH, Đại biểu QH và cử tri cả nước quan tâm.Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, ngoài các giải pháp chung, đã tập trung thực hiện một số giải pháp khác chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Kết quả, 10 tháng của năm, số vụ tai nạn giao thông giảm 27,61%, số người chết giảm 16,8% và số người bị thương giảm 27,85% so cùng kỳ năm 2011. Tình trạng ùn tắc giao thông tại 2 TP lớn có chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương vẫn ở mức cao, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa đồng đều. Một số địa phương chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm… Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, mặc dù thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, nhưng Chính phủ vẫn chỉ đạo ưu tiên tăng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân với mức lãi suất thấp. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thừa nhận vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu, một số tiêu chí nông thôn mới đề ra còn bất cập. Về quản lý rừng, Nhà nước đã đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng cho công tác trồng, bảo vệ rừng, tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, công tác ngăn chặn tình trạng phá rừng còn kém hiệu quả. Còn xảy ra nhiều vụ phá rừng, chống kiểm lâm nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các quy định mới nhằm ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, gây quá tải và áp lực cho học sinh và phụ huynh học sinh. Đồng thời, kiểm tra 62 trường đại học, cao đẳng; xử lý các trường hợp không bảo đảm chất lượng đào tạo, vi phạm quy chế đào tạo; dừng tuyển sinh năm 2012 đối với 4 trường đại học, đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 17 ngành của 9 trường... Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giá điện đã được điều chỉnh từng bước nhằm tiến tới cơ chế thị trường, gắn với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Hiện đã có kết quả kiểm toán độc lập giá điện năm 2011 và đang rà soát để xác nhận giá thành theo quy định. Thanh tra Chính phủ cũng đang tiến hành thanh tra tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng khẳng định, một số quy định về yếu tố cấu thành giá cơ sở đã lạc hậu so với thực tế. Công tác quản lý chất lượng, đo lường, chống đầu cơ thiếu chặt chẽ; cơ chế phối hợp trong quản lý, điều hành giá chưa hiệu quả. Trong lĩnh vực ngân hàng, việc xử lý nợ xấu, chính sách tiền tệ, thị trường vàng... là những vấn đề ‘‘nóng”, đang  được Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt. Cùng với việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) được triển khai đồng bộ như: Tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ; miễn, giảm lãi phải trả; tạo điều kiện vay vốn cho các DN có triển vọng nhưng đang gặp khó khăn... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, những giải pháp này chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Việc tiếp cận vốn của DN nhìn chung còn khó khăn. Có chính sách triển khai quá chậm.Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, theo Phó Thủ tướng, công tác quản lý đất còn nhiều bất cập hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất; xác định giá đất, tạo quỹ đất sạch; quản lý, sử dụng đất của nông, lâm trường; việc phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương trong giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc thực hiện cưỡng chế khi Nhà nước thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi; việc thực hiện nguyên tắc định giá đất “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường”... Nhiều vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài về đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, nhiều đoàn khiếu kiện đông người, gay gắt vẫn tập trung về Trung ương. Thời gian qua, việc huy động và sử dụng ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã góp phần quan trọng vào việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ngoài việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, Chính phủ đã tiến hành rà soát, xóa bỏ rào cản, nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển, khuyến khích các hình thức đầu tư đối tác công - tư, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý đầu tư còn bất cập, kiểm tra giám sát chưa tốt, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc, thời gian thi công kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp, gây phân tán và lãng phí nguồn lực…Trong lĩnh vực công thương, hiện vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp. Thị trường nội địa phát triển chậm. Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu còn chưa hợp lý, kiểm soát nhập khẩu còn nhiều hạn chế, nhất là việc chống nhập lậu hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, tình hình trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp. Nhiều loại tội phạm vẫn đe doạ cuộc sống bình yên của nhân dân, xâm hại tài sản Nhà nước. Trong khi đó, hệ thống thể chế còn nhiều bất cập, vướng mắc. Sự quan tâm và phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị còn hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa tốt...Khẳng định mặc dù Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện, có những việc đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng nhiều việc còn tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục, cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn nhận được sự ủng hộ, phối hợp giám sát của QH và cử tri cả nước. Các giải pháp đã đủ sức thuyết phục? Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn về hàng tồn kho lớn như 40 triệu m2 gạch ốp lát, 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 300 tấn thép, gần 100 ngàn tấn kính, hàng chục triệu tấn xi măng và nhiều loại sản phẩm khác. Ngoài lý do lãi suất cao, thị trường chậm phát triển còn nhiều nguyên nhân yếu kém trong khâu quy hoạch, cập nhật và dự báo tình hình; do tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư, đẩy giá thành sản phẩm lên cao đến mức không thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập ngoại. Vậy, trách nhiệm của Bộ trưởng Công thương như thế nào? Giải pháp đột phá trong thời gian tới?Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết ngành Công thương đã làm gì trong việc xử lý các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả được bày bán tràn lan trong thời gian vừa qua? Về  tồn kho đối với vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo Bộ  Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà  nước Việt Nam, Bộ Tài chính có những biện pháp cụ thể, trong đó có việc tăng cường đẩy nhanh giải ngân các D.A đầu tư công. Đồng thời, đề ra những biện pháp tháo gỡ từng bước khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. “Với những biện pháp này, chúng tôi tin rằng, thời gian tới những vướng mắc, những tồn kho lớn về vật liệu xây dựng trong lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực xây dựng cũng sẽ được tháo gỡ từng bước” - ông Vũ Huy Hoàng nói.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Về hàng chất lượng kém đang lưu thông trên thị trường, Bộ trưởng Công thương thừa nhận: Đến giờ phút này, chúng ta còn nhiều việc chưa làm được và nhận trách nhiệm trước dân đối với việc để cho nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tiếp tục lưu thông, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Liên quan đến thủy điện, Bộ trưởng Công thương đánh giá: Thời gian qua đã giải quyết một số công việc tạo chuyển biến rõ nét như tập trung đền bù giải tỏa và giải quyết đời sống cho đồng bào dân tộc vùng thủy điện… và nhấn mạnh từ nay đến năm sau sẽ rà soát lại thủy điện; đề ra những chính sách riêng kiến nghị với Chính phủ cho vùng có dự án (D.A) thủy điện để tái định cư đối với đồng bào di cư, đối với DN làm thủy điện. Ông Vũ Huy Hoàng cũng cho biết: Hiện nay có hàng nghìn D.A, cả Trung ương và địa phương, Bộ đã rà soát được trên 100 D.A. Kế hoạch năm 2013 tiếp tục rà và chỉnh lý lại quy hoạch. D.A nào không hiệu quả thì có kế hoạch xử lý, chỉnh đốn và thu hồi. Năm 2013 toàn bộ D.A thủy điện sẽ được rà soát hết…Trả lời về các giải pháp xử lý tồn đọng bất động sản và giải quyết đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các khu đô thị mới, vấn đề chất lượng các công trình xây dựng, trong đó có các công trình thủy điện… Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thời gian tới cần có những giải pháp dài hạn và ngắn hạn. Cụ thể như cơ cấu lại D.A thay vì làm nhà ở cao cấp thì phải làm nhà ở cho nhóm nhà xã hội được Nhà nước hỗ trợ không thu tiền sử dụng đất, tạo điều kiện cho DN; hỗ trợ cho người nghèo mua được nhà. Như vậy, nếu tiến hành giải pháp này một lúc được hai việc, vừa tháo gỡ khó khăn cho DN, vừa giúp người dân - những người thu nhập thấp - được cải thiện nhà ở. Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng

khẳng định công trình do vốn ngân sách và trọng điểm công trình quốc gia, ít xảy ra sự cố.

Ông Trịnh Đình Dũng cho biết thêm, Bộ Xây dựng đã được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo những chương trình chiến lược về nhà ở…
Các đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Trần Du Lịch (TP HCM) đặt vấn đề: Bộ trưởng có thể khẳng định về độ an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2? Kỳ họp trước, Bộ trưởng có khẳng định độ an toàn của đập thủy điện Sông Tranh. Tuy nhiên, lại không cho tích nước, gây tranh luận kéo dài, lòng dân không yên tâm. Vậy, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào? Và, với những giải pháp mà Bộ trưởng nêu, liệu thời gian tới thị trường bất động sản liệu có “ấm” lên không?

Nhiều ý kiến khác đề nghị Bộ trưởng Xây dựng cho biết về chất lượng đô thị, chất lượng xây dựng của Việt Nam cũng như giải pháp đồng bộ?

Trả lời về phát triển đồng bộ đô thị, chất lượng xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nay đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng còn nhiều tồn tại như không đồng bộ hạ tầng hoặc thiếu đồng bộ, trong khi chủ đầu tư đã bán hoặc chuyển quyền sử dụng đối với người mua. Đây là vấn đề bức xúc. Bộ đã và đang kiểm tra, kiểm soát hướng dẫn các địa phương để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Về chất lượng xây dựng Việt Nam, hiện cả nước có 54 nghìn công trình đang đầu tư. Cơ bản  đã kiểm soát được có chất lượng cao cả công trình công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, vẫn có công trình không bảo đảm, gây thiệt hại về tiền và tính mạng của người dân, chủ yếu sự cố công trình cấp 3 và chủ yếu do dân tự xây. Còn đối với công trình do vốn ngân sách và trọng điểm công trình quốc gia, ít xảy ra sự cố.

Cho rằng, để khắc phục các tồn tại phải từng bước vì cần một lượng tiền vốn… ông Trịnh Đình Dũng đề nghị chính quyền các địa phương phải tập trung đôn đốc cùng Bộ Xây dựng kiểm tra củng cố các D.A hoạt động có hiệu quả…

Sáng mai (13/11), Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của các Đại biểu QH. Phiên chất vấn dự kiến kéo dài hai ngày rưỡi (từ ngày 12 đến sáng 14/11) về các nhóm vấn đề cử tri, dư luận xã hội quan tâm.

Quỳnh Trang


Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm