Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tạo chuyển biến quan trọng trong xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật, 25/12/2011 - 22:26

(Thanh tra) - Phát biểu chỉ đạo hội nghị triển khai kế hoạch năm 2012 Chương trình Xây dựng nông thôn mới ngày 25/12, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định: Hơn một năm triển khai Chương trình, trên tất cả các lĩnh vực đều có kết quả quan trọng, có bước chuyển biến tương đối căn bản. “Một bước thôi, nhưng là bước rất quan trọng. Đó là nền tảng để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới tốt hơn, thể hiện rằng yêu cầu tất yếu phải xây dựng nông thôn mới để đáp ứng yêu cầu của xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo hội nghị

“Chung sức xây dựng nông thôn mới” Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát: Bên cạnh quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng phải chú trọng phát triển sản xuất, người nông dân có thu nhập cao mới cải thiện được đời sống. Nông thôn mới trước hết là ở con người, kể cả vấn đề quy hoạch cũng phải do người nông dân, do cấp cơ sở làm là chính… Chương trình Mục tiêu Quốc gia nông thôn mới là nội dung, nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nội dung của Chương trình hết sức thực tiễn để giải quyết những bức xúc của nông dân, đem lại cho họ lợi ích thiết thực. Chương trình được triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cả hệ thống chính trị vào cuộc, được người dân đồng tình ủng hộ, trở thành  phong trào sâu rộng trong cả nước.Theo báo cáo do ông Nguyễn Đăng Khoa, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình trình bày, đến nay đã có 100% các tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo và cơ bản kiện toàn bộ máy nhân sự. 80% số huyện đã thành lập ban chỉ đạo cấp huyện; 97% số xã thành lập ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã; 54% số xã ngoài việc thành lập ban quản lý xã còn thành lập ban chỉ đạo cấp xã và các ban phát triển thôn, bản để chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các bộ, ngành chức năng đã cơ bản hoàn thành các văn bản hướng dẫn của ngành theo phân công của Chính phủ. Các địa phương đều đã ban hành các nghị quyết, quyết định để chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đến nay, có 31/63 tỉnh, thành phố đã thành lập ban vận động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, 52/63 tỉnh, thành phố tổ chức phát động hưởng ứng cuộc thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, 45/63 tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ ở cấp tỉnh, cấp huyện và các xã điểm của địa phương. Còn nhiều khó khănMột trong những nội dung quan trọng đi đầu là hoàn thành cơ bản hoàn thành quy hoạch cấp xã vào cuối 2011 đến nay chưa thực hiện được. Tính đến thời điểm thống kê mới có 1.040 xã (11,67%) phê duyệt quy hoạch chung; số xã đã hoàn thành đồ án quy hoạch chung, chờ thẩm định là 1.083 xã (12,15%). Số xã đang triển khai lập đồ án quy hoạch là 2.732 xã (30,66%). Dự kiến đến cuối năm 2011, sẽ có khoảng 54,5% số xã được phê duyệt quy hoạch chung. Nhiệm vụ đề ra “đến cuối 2011 cơ bản xong công tác quy hoạch, trong đó có 30% xã xong quy hoạch chi tiết” là không thực hiện được và chất lượng công tác quy hoạch nhìn chung còn yếu.Sau hơn 1 năm triển khai, Chương trình đã gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc, nổi bật là một số tiêu chuẩn ngành còn chưa phù hợp hoặc chưa có hướng dẫn, đội ngũ tư vấn xây dựng nông thôn mới còn thiếu, định mức cho công tác quy hoạch còn chậm ban hành, kinh phí thực hiện công tác quy hoạch còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn theo vùng, nhất là đối với các vùng miền núi, Tây Nguyên và Tây Nam bộ…Quang cảnh hội nghị Theo báo cáo của các địa phương, đến nay cả 63 tỉnh, thành phố đều đã hoàn thành việc đánh giá sơ bộ thực trạng nông thôn mới theo 19 tiêu chí. Kết quả: Chưa có xã nào đạt 19 tiêu chí; 1,2% số xã đạt 15 đến 16  tiêu chí; 3,3% số xã đạt từ 11 đến 14 tiêu chí; 13% số xã đạt từ 7 đến 10  tiêu chí; 82,5% số xã đạt dưới 7 tiêu chí (trong đó có 28,2% xã  đạt dưới 3 tiêu chí). Sau khi thực hiện việc rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn, đến nay mới có khoảng 45% số xã đang tiến hành lập đề án xây dựng nông thôn mới, trong đó có 700 xã (chiếm 7,6%) đã phê duyệt xong.Nền tảng quan trọng để tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá, qua hơn 1 năm thực hiện Chương trình trong cả nước, đặc biệt tại 11 xã điểm do Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo đã đạt được kết quả khá tích cực, tạo nền tảng quan trọng bước đầu để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.Trên tất cả các lĩnh vực đều có kết quả quan trọng, có bước chuyển biến tương đối căn bản. Về cơ chế chính sách, có trong tay bộ cơ chế tương đối đầy đủ. Việc quán triệt mặt chủ trương, tuyên truyền thông qua đó nâng cao được một bước, không chỉ đối với các cấp lãnh đạo, chính quyền, hệ thống chính trị mà với cả người dân. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Một bước thôi nhưng là bước rất quan trọng. Đó là nền tảng để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới tốt hơn, thể hiện rằng yêu cầu tất yếu phải xây dựng nông thôn mới để đáp ứng yêu cầu của xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định, qua hơn 1 năm, Chương trình đã phát sinh một số khó khăn tồn tại. Trước tiên là về nhận thức, xuất hiện tư tưởng nóng vội, kinh phí khó khăn, một số việc triển khai còn chậm, một số chính sách tuy mới thực hiện nhưng đã bộc lộ chưa phù hợp, chưa sát thực tế, quy hoạch chưa đạt tiến độ đề ra, sản xuất chưa ổn định, nguồn lực còn có hạn… Phó Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng thể, phát huy tổng lực, không chỉ nguồn lực về mặt vật chất mà cả về mặt và tinh thần, thực hiện chương trình cần đồng bộ, quyết liệt trong một thời gian dài, không thể nóng vội. Nhà nước có vai trò quan trọng, tạo “cú hích”, nhưng người dân cũng phải vào cuộc, dân không vào cuộc mục tiêu chương trình chắc chắn không đạt được. Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Mục tiêu quan trọng cần phải làm đầu tiên là hoàn thiện quy hoạch, chú ý quy hoạch đất đai, dân cư, sản xuất. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng ban hành những chính sách còn thiếu, sửa đổi bổ sung chính sách chưa phù hợp, lạc hậu. Cần đưa ra mô hình phù hợp từng địa phương cụ thể, tích cực đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, dân trí, thay đổi nhận thức, phương thức sản xuất, kinh doanh, thay đổi tập quán lạc hậu…Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, về xác định tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cần hết sức bình tĩnh, phân tích đầy đủ. Tiêu chí cũng đặt trọng dài hạn, tầm nhìn xa. Trong thời gian tới, với ưu tiên kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công, tái cơ cấu đầu tư, nông nghiệp dù được ưu tiên nhưng cũng rất khó khăn trong huy động nguồn lực, cần có biện pháp phù hợp để huy động đầu tư và không ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong năm 2011, cả nước đã đào tạo nghề cho trên 350.000 lao động nông thôn, tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt khoảng 70%. Đến nay, các địa phương đã giải ngân 307 tỷ đồng vốn xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tăng thêm khoảng 4%. Bên cạnh nguồn vốn 220 tỷ của khuyến nông Trung ương, đến nay các địa phương đã dành gần 112 tỷ đồng cho việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hàng hoá nhằm tăng thu nhập cho người dân. Về chương trình thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới: Diện mạo nông thôn mới theo 19 tiêu chí ở các vùng sinh thái đã được hình thành rõ rệt. Từ chỗ khởi đầu xã cao nhất đạt 8 tiêu chí, thấp nhất đạt 2 tiêu chí. Đến nay sau 3 năm triển khai 1 xã đã đạt được 8/19 tiêu chí; 1 xã đạt được 11/19 tiêu chí, 1 xã đạt được 13 tiêu chí; 4 xã đạt 16 tiêu chí; 4 xã đạt 18 tiêu chí. Các tiêu chí còn lại đều đạt từ 50 - 80% yêu cầu, một số xã phấn đấu đến năm 2012 sẽ hoàn thành đủ 19 tiêu chí.

Đại Dương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm