Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 19/11/2012 - 21:25
Ngày 19/11, tại Phnom Penh, Campuchia, đã diễn ra các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ; Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 đồng thời là Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 15 năm hợp tác ASEAN+3 và Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các Hội nghị đã tập trung bàn việc tăng cường quan hệ giữa ASEAN và các Đối tác, nhất là việc hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng vào năm 2015. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự các Hội nghị và có các phát biểu quan trọng.
Tại các Hội nghị, Lãnh đạo các nước ASEAN và Đối tác đánh giá cao các tiến bộ đã đạt được và bàn các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác cả về bề rộng và chiều sâu, đáp ứng lợi ích chung.
ASEAN cùng các nước nhất trí tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả các chương trình hành động giữa ASEAN với từng Đối tác nhằm thúc đẩy hợp tác về tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, đến các vấn đề an ninh phi truyền thống và ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh an toàn hàng hải, chống cướp biển… ASEAN cùng các Đối tác liên quan đánh giá cao quyết định chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Các nước ASEAN khẳng định chính sách đối ngoại rộng mở và tiếp tục khuyến khích các Đối tác tham gia đóng góp hiệu quả vào hợp tác khu vực cũng như hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng. Các Đối tác cam kết tiếp tục ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng vào năm 2015, đẩy mạnh liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển cũng như vai trò trung tâm của ASEAN tại các tiến trình và khuôn khổ hợp tác khu vực.
Về Biển Đông, lãnh đạo các nước nhấn mạnh mối quan tâm, lợi ích chung và tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển Liên hợp quốc năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và sớm xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC).
Về định hướng quan hệ với từng Đối tác liên quan, lãnh đạo các nước nhấn mạnh một số điểm đáng chú ý.
Hai bên đánh giá cao quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Trung Quốc và cần tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động giữa hai bên giai đoạn 2011-2015; nhấn mạnh ý nghĩa và việc thực hiện đầy đủ các hiệp định và thỏa thuận trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) vì lợi ích của cả hai bên, đồng thời phát huy hiệu quả của Trung tâm ASEAN-Trung Quốc trong hỗ trợ xúc tiến thương mại và đầu tư.
Hai bên nhất trí phấn đấu đạt mục tiêu 500 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2015; tiếp tục đẩy mạnh 11 lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực, phát triển Mê Kông, giao thông, năng lượng, văn hoá, du lịch, y tế và môi trường. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông-DOC (2002-2012), Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông qua một Tuyên bố chung khẳng định giá trị, tầm quan trọng và việc thực hiện đầy đủ DOC nhằm bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển Liên hợp quốc năm 1982; đồng thời cùng hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC).
Tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác ASEAN - Nhật Bản vì Thịnh vượng chung và Kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015; đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch thương mại hai bên (hiện là 273 tỷ USD) và thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại về Dịch vụ và Đầu tư và mở rộng phạm vi hiệu lực của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP); tăng cường kết nối ASEAN-Nhật Bản; triển khai các sáng kiến hợp tác mới về giao thông-vận tải, sử dụng năng lượng xanh, hợp tác lao động cũng như tăng cường hợp tác biển và đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, trên sở luật pháp quốc tế Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc.
Nhật Bản khẳng định tiếp tục hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Điều phối Hỗ trợ Nhân đạo ASEAN về Quản lý Thảm hoạ (AHA); tăng cường hợp tác về phát triển ở Mê Kông và về sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông, Hành lang Kinh tế Đông-Tây...
Về quan hệ ASEAN-Hàn Quốc, tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch Công tác triển khai Tuyên bố Chung về Đối tác Chiến lược vì Hoà bình và Thịnh vượng giai đoạn 2011-2013; khai thác tối đa các cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc; tăng cường hợp tác phát triển tiểu vùng, giáo dục, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động di cư, ứng phó với các thách thức đang đặt ra, nhất là về ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc.
Hàn Quốc cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN thực hiện Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn 2013-2017 với khoản hỗ trợ 10 triệu USD. Các nhà Lãnh đạo nhất trí lấy năm 2014 là “Năm Giao lưu ASEAN-Hàn Quốc”. Hàn Quốc coi trọng hợp tác toàn diện với các nước Mê Kông.
Về quan hệ ASEAN-Ấn Độ, tiếp tục triển khai Kế hoạch Hành động thực hiện Tuyên bố về Đối tác ASEAN - Ấn Độ vì Hoà bình, Tiến bộ và Thịnh vượng chung giai đoạn 2010-2015; phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 200 tỷ USD vào năm 2022 và sớm hoàn thành đàm phán các Hiệp định Thương mại Dịch vụ và Đầu tư; tăng cường hợp tác Kết nối và viễn thông nhằm thúc đẩy liên kết giữa ASEAN và khu vực Nam Á; đẩy mạnh hợp tác nông lâm nghiệp, phát triển nguồn nhân, du lịch...; tăng cường phối hợp và hợp tác trên các vấn đề thuộc quan tâm chung của khu vực, trong đó có hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; bảm đảm an ninh biển, an toàn hàng hải ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, bảo đảm tổ chức Cấp cao Kỷ niệm 20 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN-Ấn Độ tại Niu Đêli, Ấn Độ từ ngày 20-21/12/2012 nhằm tạo đà để phát triển mạnh mẽ quan hệ tốt đẹp hiện nay; đồng thời, tiếp tục các hoạt động kỷ niệm thiết thực như Hội chợ Kinh doanh ASEAN-Ấn Độ và Diễu hành ô tô ASEAN-Ấn Độ…
Về Hợp tác ASEAN+3 (ASEAN+Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), các bên tiếp tục các nỗ lực về liên kết Đông Á, triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về hợp tác Đông Á và Kế hoạch công tác ASEAN+3 giai đoạn 2007-2017; sớm nghiên cứu triển khai các khuyến nghị của Nhóm EAVG-II để thúc đẩy hợp tác, hướng tới xây dựng cộng đồng Đông Á; triển khai mở rộng Quỹ Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) lên 240 tỷ USD; phát triển Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO); thực hiện Hiệp định Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 cũng như sáng kiến về Hệ thống Thông tin An ninh Lương thực ASEAN+3 nhằm đảm bảo ninh lương thực ở khu vực. Kết thúc, Lãnh đạo các nước ASEAN+3 đã thông qua Tuyên bố chung kỷ niệm 15 năm hợp tác ASEAN+3 và Tuyên bố Đối tác ASEAN+3 về Kết nối.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động thực hiện quan hệ Đối tác Tăng cường ASEAN - Hoa Kỳ vì Hoà bình và Thịnh vượng giai đoạn 2011-2015; đề nghị nghiên cứu các kiến nghị trong Báo cáo của Nhóm các Nhân vật Nổi tiếng (EPG) ASEAN-Hoa Kỳ hướng tới nâng quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ lên cấp Đối tác chiến lược, cũng như tiếp tục bàn việc triển khai các sáng kiến của Hoa Kỳ về gắn kết chiến lược châu Á -Thái Bình Dương, gắn kết kinh tế mở rộng với ASEAN…, qua đó đóng góp thiết thực cho hòa bình và phát triển thịnh vượng ở khu vực; tiếp tục thúc đẩy hợp tác về kết nối, khoa học và công nghệ, giáo dục, quản lý thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia.
Hoa Kỳ khẳng định ủng hộ các nỗ lực của ASEAN về bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực, trong đó có hòa bình, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông, trong đó có Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN. Hoa Kỳ và các nước Hạ nguồn Mê Kông khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên (LMI), đánh giá cao việc Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ nguồn lực, đưa ra các sáng kiến về “Kết nối Mê Kông”. Lãnh đạo các nước ASEAN và Hoa Kỳ đã thông qua Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 4.
Việt Nam nhấn mạnh các ưu tiên chung của khu vực
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và có các phát biểu quan trọng tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, ASEAN+3, ASEAN-Hoa Kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và có các phát biểu quan trọng tại các Hội nghị này.
Theo chương trình nghị sự của các Hội nghị, Thủ tướng đã phát biểu nhấn mạnh những ưu tiên chung của khu vực, đẩy mạnh nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN và việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực; đồng thời đề xuất nhiều biện pháp thiết thực nhằm triển khai hiệu quả và đúng hạn các chương trình, dự án hợp tác trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác về các mặt như kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, ứng phó với các thách thức đang nổi lên và các vấn đề an ninh phi truyền thống…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các Đối tác tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, nhất là đẩy mạnh liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, trong đó có hợp tác về phát triển Tiểu vùng Mê Kông và về bảo đảm sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông, mở rộng hợp tác toàn diện giữa các nước Mê Kông với các Đối tác liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại các khuôn khổ, diễn đàn khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+… Thủ tướng đề nghị ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo của mình trong cấu trúc khu vực, thúc đẩy hợp tác với các đối tác vì các mục tiêu chung là hoà bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực.
Trong trao đổi tại các Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao những kết quả đạt được trong hợp tác giữa ASEAN và các Đối tác trên các lĩnh vực, trong đó các kết quả hợp tác quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc trong nhiệm kỳ Điều phối của Việt Nam (7/2009-7/2012) trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, giáo dục, trao đổi văn hóa, cũng như trong việc triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC).
Thủ tướng hoan nghênh việc ASEAN-Trung Quốc thông qua Tuyên bố kỷ niệm 10 năm Tuyên bố DOC nhằm tiếp tục khẳng định giá trị, tầm quan trọng và việc thực hiện đầy đủ DOC, đóng góp vào bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc; đồng thời cùng hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử COC.
*Trong ngày mai, 20/11, sẽ diễn ra Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7, Đối thoại toàn cầu ASEAN và cuộc gặp của các nhà Lãnh đạo các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
(Theo Chinhphu.vn)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 12/12, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm thành lập. Tham dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.
N. Phó
16:05 12/12/2024(Thanh tra) - Ngày 12/12, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC). Buổi làm việc nhằm rà soát tình hình, đảm bảo an ninh và trật tự phục vụ Đại hội Đảng các cấp.
Thu Huyền
15:59 12/12/2024Hương Giang
15:07 12/12/2024Bùi Bình
13:17 12/12/2024Bùi Bình
12:33 12/12/2024N. Phó
Thu Huyền
Hương Giang
Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh