Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát hiện, xử lý nhiều vi phạm, góp phần giữ vững kỷ cương, ổn định xã hội, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng

Thứ năm, 03/01/2013 - 16:12

(Thanh tra) - Ngày 4/1/2013, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến để đánh giá kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC), phòng, chống tham nhũng (PCTN) và công tác xây dựng ngành Thanh tra năm 2012 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013. Nhân dịp này, đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra, đã có bài viết quan trọng điểm lại những nỗ lực của toàn ngành và nêu bật phương hướng nhiệm vụ của năm 2013, Báo Thanh tra trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.

Đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra

Năm 2012, bối cảnh kinh tế thế giới biến động rất phức tạp, thương mại sụt giảm mạnh, tăng trưởng toàn cầu thấp hơn dự báo; bối cảnh kinh tế trong nước gặp không ít khó khăn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đất nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, duy trì phát triển kinh tế ở mức hợp lý, kiềm chế được lạm phát, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh giữ vững. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu tăng trưởng chưa đạt, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thị trường có nhiều biến động, cầu giảm mạnh, công tác quản lý Nhà nước, thực thi pháp luật trên một số lĩnh vực chưa tốt, cải cách hành chính chuyển biến chậm. Trong bối cảnh đó, ngành Thanh tra có nhiều nỗ lực phấn đấu tạo được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác.

Trong công tác thanh tra, toàn ngành đã triển khai 9.685 cuộc thanh tra hành chính và 168.702 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 29.860 tỷ đồng, 1.533 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 13.085 tỷ đồng (đã thu 15.346 tỷ đồng; 1.275 ha đất); kiến nghị xử lý 31.130 tỷ đồng (đã xử lý 21.549 tỷ đồng); kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.033 tập thể, 2.212 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 59 vụ việc, 104 người.

Thanh tra Chính phủ tiến hành 46 cuộc thanh tra, tập trung vào công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai của địa phương; việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản của các tập đoàn kinh tế Nhà nước; công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành trên 11 lĩnh vực; đến nay đã ban hành 24 kết luận thanh tra; đã kiến nghị thu hồi 17.750 tỷ đồng; kiến nghị xử lý 29.562 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 48 ha đất và rà soát để xử lý 5.862 ha; chuyển cơ quan điều tra xử lý 8 vụ. So với các năm trước, kết quả phát hiện vi phạm số vụ và tài sản lớn hơn, kiến nghị xử lý nghiêm hơn; xử lý sau thanh tra đạt kết quả cao hơn.

Kết quả thanh tra đã góp phần tích cực cho việc phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các tiêu cực, tham nhũng, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước và hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực.

Công tác giải quyết (KN,TC chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt. Thanh tra Chính phủ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức các hội nghị đánh giá đúng tình hình KN,TC và ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 về chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC. Từ đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành; giải quyết được nhiều vụ việc đông người, phức tạp; tập trung xử lý nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài; nâng được trách nhiệm của các cấp, các cơ quan trong giải quyết KN,TC; làm giảm đáng kể các vụ việc KN,TC ở nhiều địa phương.

Các cơ quan của Nhà nước đã tiếp 384.992 lượt công dân đến KN,TC; tiếp nhận 126.824 đơn; giải quyết 54.786/64.150 vụ việc thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,4%. Qua đó, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 146.584 triệu đồng, 92 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 223.885 triệu đồng, 348 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 841 người, chuyển cơ quan điều tra 69 vụ việc, 246 người.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch số 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đến nay đã rà soát 528/528 vụ việc, trong đó có 415 (78,59%) vụ việc đã xem xét đủ điều kiện chấm dứt KN hoặc chấm dứt xem xét, thụ lý; 41 (7,76%) vụ việc đã có chỉ đạo xử lý của Thủ tướng Chính phủ nay công dân tiếp khiếu cần xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ; 29 (5,49%) vụ việc Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan đang thống nhất phương án giải quyết; 42 (8%) vụ việc giao các địa phương tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền.

Trong công tác PCTN, ngành Thanh tra đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chiến lược truyền thông về PCTN đến năm 2020; tổ chức 2 kỳ đối thoại PCTN với các nhà tài trợ; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, đến nay, cơ bản hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập (kê khai lần đầu 98,2%, kê khai bổ sung 97,6%); tăng cường kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, đơn vị (phát hiện 125/8.634 đơn vị vi phạm); chuyển đổi vị trí công tác 24.246 cán bộ, công chức.

Ngành Thanh tra đã phát hiện tham nhũng 89 vụ, 107 người; 104.592 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2 tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 24 vụ, 42 người.

Công tác xây dựng thể chế được quan tâm thực hiện có hiệu quả, đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN; trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định về thanh tra chuyên ngành, hướng dẫn thi hành Luật KN, Luật TC và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.

Các cơ quan thanh tra đã tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị 345/CT-TTCP ngày 23/2/2012 của Tổng Thanh tra về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; bước đầu tạo chuyển biến về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ý thức trách nhiệm và tác phong công tác.

Việc đào tạo nghiệp vụ đạt được kết quả cao, đã đào tạo 4.392 cán bộ thanh tra (tăng 28,6%), sửa đổi khung chương trình và giáo trình nghiệp vụ thanh tra.

Các mặt công tác khác như tham mưu, tổng hợp, thông tin, tuyên truyền, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học có chuyển biến đồng đều…

Tuy nhiên, hoạt động năm qua của ngành Thanh tra vẫn còn một số hạn chế: Một số cuộc thanh tra còn kéo dài thời gian kết luận; số vụ việc tham nhũng phát hiện qua thanh tra còn ít; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản qua thanh tra còn thấp. Việc thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp dân và giải quyết các vụ việc KN,TC còn chậm; việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết KN,TC có hiệu lực pháp luật chưa triệt để; tình hình KN đông người, vượt cấp tăng và có một số thời điểm khá phức tạp. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao (như: Kê khai tài sản, nộp lại quà tặng, thanh toán qua tài khoản); việc phát hiện tham nhũng qua thanh tra còn ít; mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng chưa đạt được. Tiến độ soạn thảo một số văn bản, nhất là các thông tư hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ còn chậm; tổ chức, bộ máy ngành Thanh tra còn thiếu tính hệ thống, sự phối hợp gắn kết có lúc chưa chặt chẽ; đội ngũ cán bộ thanh tra còn thiếu (nhất là cấp huyện), số lượng thanh tra viên cao cấp và thanh tra viên chính còn ít. Một số cán bộ thanh tra chưa chấp hành tốt đạo đức nghề nghiệp thanh tra, kỹ năng, tác phong chưa đạt yêu cầu. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra chậm được đổi mới.

Năm 2013, chủ trương của Chính phủ là thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về huy động nguồn lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, PCTN, tăng cường kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và giải quyết tốt, kịp thời những vấn đề bức xúc của xã hội. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đề ra phương hướng nhiệm vụ với mục tiêu, yêu cầu là toàn ngành nỗ lực phấn đấu tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao:

Thực hiện có hiệu quả thanh tra theo chương trình, kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất. Nội dung thanh tra hành chính phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực: Tài chính, ngân sách, ngân hàng, chứng khoán, quản lý tài sản công; xuất, nhập khẩu; quản lý thị trường vàng; quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở; quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản; quản lý đầu tư xây dựng; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản và hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hoạt động thanh tra, kiểm tra hướng vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý và cơ chế, chính sách; thúc đẩy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, PCTN, lãng phí. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 70%.

Tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm trong tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết KN,TC; tăng cường phối hợp trong xử lý khiếu kiện đông người; tập trung giải quyết dứt điểm 528 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài trong Quý I/2013; giải quyết kịp thời trên 85% số vụ việc mới phát sinh; hạn chế khiéu nại vượt cấp và đoàn KN đông người; thực hiện quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật trên 80%; thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC.
Triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN, nhất là quan tâm thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa; tăng cường phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng qua thanh tra, xử lý TC; tổ chức đối thoại về PCTN với các nhà tài trợ; tiếp tục thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về PCTN.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra; tăng cường quan hệ phối hợp với các ngành, các cấp, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong công tác; tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém qua kiểm điểm Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 345/CT-TTCP của Tổng Thanh tra. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ (nhất là hoạt động đoàn thanh tra); khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; thực hiện tốt việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, nhất là Luật Tiếp công dân; Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN; các Thông tư hướng dẫn quy trình nghiệp vụ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra; thực hiện tốt các cam kết quốc tế, củng cố, phát triển các quan hệ hợp tác đa phương, song phương; thực hiện có hiệu quả “Chương trình nâng cao năng lực tổng thể của ngành Thanh tra đến năm 2014”.

Với những kết quả đạt được trong năm 2012, tôi tin tưởng rằng sẽ tạo đà thuận lợi để có những bước phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2013, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý kịp thời các vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Huỳnh Phong Tranh

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra


Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sóc Trăng: Rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng

Sóc Trăng: Rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng

(Thanh tra) - Ngày 12/12, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC). Buổi làm việc nhằm rà soát tình hình, đảm bảo an ninh và trật tự phục vụ Đại hội Đảng các cấp.

Thu Huyền

15:59 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm