Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 22/03/2013 - 06:42
(Thanh tra)- Điều 8 của Dự thảo có 3 mục. Tại mục 2, sau 3 chữ “chống tham nhũng” và trước 2 chữ “quan liêu”, tôi thấy nhất thiết phải thêm 2 từ “hối lộ”. Tôi cho rằng, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Vì sao vậy?
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh phát biểu chỉ đạo hội nghị quán triệt kế hoạch lấy ý kiến về Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 22/2/2013. Ảnh: Phạm Vũ Long
Tham nhũng và hối lộ là “2 mặt của một vấn đề” tuy 2 mà 1, tuy 1 mà 2. Đã đành, hối lộ là hành vi tham nhũng nhưng tham nhũng và hối lộ lại khác nhau hoàn toàn cả về khái niệm và tính chất của hành động.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) và cơ quan chống tham nhũng của Liên hợp quốc khảo sát hàng năm khoảng 150 nền kinh tế trên thế giới, cho thấy rõ: Tệ nạn hối lộ gây thiệt hại cho công chúng và Nhà nước còn to lớn hơn nhiều so với tệ tham nhũng ăn cắp, bòn rút của công. Tham ô cần có điều kiện, thời gian, vụ việc, còn hối lộ thì diễn ra từng phút, từng giờ, phổ biến trên tất cả các ngóc ngách của đời sống xã hội. Vấn nạn hối lộ trở thành luật bất thành văn, được hành xử theo “luật rừng”, bất chấp luật pháp, Chính phủ, đạo lý.
Chủ tịch TI Peter Egen đã kết luận và tuyên bố hết sức đúng đắn, xác đáng về vấn nạn hối lộ rằng: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng không nhằm mục tiêu chống đối Chính phủ mà phần lớn công việc của nó chủ yếu là chống việc ăn hối lộ của viên chức các bộ máy công quyền, vì đây là loài sâu mọt và rác rưởi. Ngay cả với những kẻ ăn hối lộ thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng không phải là để chống đối họ, mà là cuộc đấu tranh trong chính mỗi người chúng ta, nhằm hướng xã hội có cuộc sống trong sạch, tốt đẹp hơn…
Vấn nạn ăn hối lộ ở Việt Nam có nhiều biểu hiện còn xấu xa, tồi tệ gây nguy hại to lớn hơn nhiều trên nhiều mặt của xã hội.
Tệ nạn hối lộ có 2 mức nhỏ và lớn.
Mức nhỏ với dăm ba chục ngàn, dăm ba trăm ngàn, một vài triệu đồng… được viên chức của các cơ quan công quyền, trường học, bệnh viện, cảnh sát giao thông, thuế… coi là mối quan hệ bình thường, món quà tình nghĩa vặt vãnh trong giao tiếp. Người đưa tiền lót tay cho rằng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Còn kẻ ăn của đút thì không cho đó là hành vi ăn hối lộ, hành vi bóc lột vô đạo đức, vô pháp luật.
Mức ăn hối lộ lớn gây thiệt hại và hậu quả nghiêm trọng khôn lường. Như chúng ta đã biết, cơ quan tổ chức - cán bộ là nơi sắp xếp đầu ra đầu vào, cất nhắc đề bạt cán bộ. Cơ quan văn phòng hành chính quan trọng là đầu mối giao tiếp với những người có chức, có quyền chủ chốt. Nhưng, những cơ quan này là nơi diễn ra việc ăn hối lộ lớn tày đình. Ví như, muốn được làm việc ở những cơ quan trọng yếu, ở những ngành hái ra tiền như ngân hàng, hàng không, bưu điện… phải đưa hối lộ một vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Còn muốn có được những dự án béo bở, những công trình đồ sộ cao giá, hoặc vay ngân hàng món tiền khổng lồ thì riêng việc xin được gặp mặt đã phải lót tay trước vài nghìn USD. Và, khi đã được chấp thuận, phê duyệt thì việc cống nạp, lại quả nhiều tỉ đồng Việt Nam hoặc hàng trăm ngàn USD chỉ là trò chơi ném tiền qua cửa sổ.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã không ngần ngại nêu lên hiện tượng chạy mua chức, mua quyền, học vị, bằng cấp, huân chương, khen thưởng… Vậy thì, cấp nào bán? ai bán? giá cắt cổ bao nhiêu? Chắc chắn là, giá bán không thể nhỏ. Và, chắc chắn là, mua được chức, quyền càng cao thì giá bán càng đắt, càng cao ngất trời!
Cải cách hành chính, thực hiện “một cửa” là một chủ trương hết sức đúng đắn, tốt đẹp. Nhưng, vì sao nhiều nơi thực hiện “một cửa” rồi mà giải quyết công việc vẫn ù lì, chậm chạp, nhiêu khê làm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài nản lòng, bỏ cuộc? Đó là vì, đằng sau cái “một cửa” ấy là tệ ăn hối lộ. Đưa hối lộ thì được quan tâm, săn đón và cho của đút lót càng lớn thì được giải quyết càng sớm, càng nhanh.
Song, điều gì đáng nói nhất, đáng quan ngại về vấn nạn ăn hối lộ ở nước ta hiện nay? Đó là, nó đã trở thành “lối sống đương đại” của xã hội Việt Nam. Nó ăn sâu vào tiềm thức viên chức các cấp của bộ máy công quyền và nhân dân, từ bệnh đã trở thành tật nguyền khó bề cứu chữa. Nó là tác nhân làm mất thanh danh của Đảng, Nhà nước, nó góp phần xấu xa, tệ hại nhất phá hoại nền đạo đức, văn hóa, văn minh đã được dày công xây đắp nhiều thập kỷ trước đây. Nó nghiêm trọng đến mức làm cho những người vốn sống lương thiện, yêu lối sống lương thiện, cũng không thể sống lương thiện. Họ buộc phải sống thích nghi với bộ máy công quyền và xã hội đầy rẫy tiêu cực. Bởi vì, nếu không đưa hối lộ, họ sẽ không được việc, không thể tồn tại, thậm chí còn bị trù úm. Nhưng, đưa hối lộ rồi, thì họ khinh bỉ, nguyền rủa Đảng và chính quyền và ngày càng mất lòng tin trầm trọng.
Từ thực tế ăn hối lộ ở nước ta và những kết luận rất có giá trị của TI cho thấy, việc chống tệ nạn hối lộ là phần việc thường xuyên, chủ yếu trong đấu tranh chống tham ô, lãng phí.
Trừ diệt được vấn nạn ăn hối lộ tức là quét sạch được sâu mọt, rác rưởi trong bộ máy công quyền, sẽ hoàn thành được cơ bản công cuộc phòng, chống tham nhũng. Bằng không, sẽ không khôi phục được lòng tin yêu của nhân dân với Đảng, chính quyền.o
Do vậy, không có lý do gì không đưa 2 từ “hối lộ” vào Hiến pháp. Sẽ là một tội lỗi lớn với những ai thờ ơ, vô cảm, tránh né hoặc bao che cho những cá nhân, đường dây, “lợi ích nhóm” trong đấu tranh trừ diệt tệ ăn hối lộ. Đồng thời, phải có những điều luật thật nghiêm khắc, rõ ràng minh bạch, xử phạt những kẻ đưa và nhận hối lộ công khai trước pháp luật, loại bỏ hình thức chỉ xử phạt trong nội bộ, lên án nghiêm khắc bất cứ ai lợi dụng chức quyền che giấu sự thật, bao che cho những kẻ ăn hối lộ.
Đại tá Hồ Ngọc Sơn
Nguyên Trưởng phòng Báo chí, Thông tấn Quân sự,
Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 12/12, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm thành lập. Tham dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.
N. Phó
16:05 12/12/2024(Thanh tra) - Ngày 12/12, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC). Buổi làm việc nhằm rà soát tình hình, đảm bảo an ninh và trật tự phục vụ Đại hội Đảng các cấp.
Thu Huyền
15:59 12/12/2024Hương Giang
15:07 12/12/2024Bùi Bình
13:17 12/12/2024Bùi Bình
12:33 12/12/2024N. Phó
Thu Huyền
Hương Giang
Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh