Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Thứ tư, 03/08/2011 - 08:46

(Thanh tra)- “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (CNXH) là bài học đầu tiên trong 5 bài học kinh nghiệm lớn được Đảng ta nêu lên trong “Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011)”.

Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI

Đối với cán bộ và nhân dân ta, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH đã từ lâu trở nên quen thuộc và được chấp nhận như một chân lý phổ biến không gì cần bàn cãi. Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam, qua biết bao thăng trầm của lịch sử, đã kiểm nghiệm tính đúng đắn và ngày càng làm sáng tỏ thêm chân lý đó.

Vậy, ý nghĩa thực sự của bài học “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH” là ở đâu? Độc lập dân tộc và CNXH là một ngọn cờ thống nhất hay hai ngọn cờ riêng biệt?

Lịch sử cho biết: Cách mạng Việt Nam, kể từ ngày có Đảng đến nay, đã trải qua nhiều thời kỳ, với những nhiệm vụ và tên gọi khác nhau như: Cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Về sự lãnh đạo cách mạng, Đảng ta chủ trương: Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đó là ngọn cờ dân tộc dân chủ nhân dân tiến tới CNXH. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền (cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng XHCN ở miền Bắc), Đảng ta đồng thời giương cao hai ngọn cờ: Ngọn cờ độc lập dân tộc và ngọn cờ CNXH. Từ sau ngày đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH và cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN thì ngọn cờ chiến đấu thống nhất của Đảng và nhân dân ta là độc lập dân tộc và CNXH.

Như vậy, dù nhiệm vụ và tên gọi của cách mạng trong từng thời kỳ có khác nhau, nhưng bản chất và mục tiêu nhất quán của cuộc cách mạng ấy vẫn là độc lập dân tộc và CNXH. Dù có lúc nói một hay hai ngọn cờ nhằm nhấn mạnh tính chất và nội dung của mỗi thời kỳ cách mạng, ngọn cờ lãnh đạo xuyên suốt của Đảng ta vẫn là độc lập dân tộc và CNXH.

Giữa độc lập dân tộc và CNXH không có bức tường ngăn cách. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta cho độc lập dân tộc và CNXH là hợp với chính nghĩa, đạo lý và lòng người. Nhưng, đó là cuộc đấu tranh chưa có tiền lệ, ở một nước vốn là thuộc địa và nửa phong kiến như nước ta, một cuộc đấu tranh vừa khám phá vừa chinh phục. Mỗi bước tiến lên đều đan xen giữa thời cơ và thuận lợi với thách thức và khó khăn. Độc lập dân tộc và CNXH có sức cuốn hút lớn, nhưng bên cạnh đó, không phải không có những luồng tư tưởng trái chiều, nhất là ở những khúc quanh của lịch sử.

Sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu kéo theo thoái trào tạm thời của phong trào cộng sản thế giới vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước đã tác động mạnh đến tình hình nước ta. Vào thời điểm đó, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của ta cũng đang gặp vô vàn khó khăn. Công cuộc đổi mới vừa bắt đầu. Đất nước phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài và tình trạng bị bao vây, cấm vận. Từ bên ngoài, các thế lực thù địch rêu rao về sự cáo chung của CNXH thế giới vào cuối thế kỷ XX. Chúng chĩa mũi nhọn đả kích vào các nước XHCN còn lại, trong đó có nước ta. Trong nước, các thế lực chống đối và thù địch phụ họa theo, lớn tiếng phủ nhận những thành tựu của cách mạng, đòi ta từ bỏ con đường XHCN và xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Trong nội bộ nhân dân ta cũng nảy sinh không ít những băn khoăn và sự phân tâm, một bộ phận dao động về con đường đi lên.

Trong tình hình đó, năm 1991, năm mở đầu thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Đại hội VII của Đảng ta, với “Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” đã khẳng định một cách mạnh mẽ rằng: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới CNXH vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”. Cương lĩnh cũng cho thấy: Với nước ta, đi lên CNXH là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

Hai mươi lăm năm đổi mới, trong đó có hai mươi năm thực hiện Cương lĩnh, đã đưa nhân dân ta đến những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi cơ bản và toàn diện bộ mặt của đất nước. Cùng với những thành tựu ấy, nhận thức về CNXH và về con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng sáng tỏ hơn.

Thực tiễn và những thành tựu của đổi mới đã bác bỏ một cách thuyết phục những luận điệu phủ nhận con đường độc lập dân tộc và CNXH ở nước ta. Nhưng, cho đến nay, vẫn còn đó âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Vẫn dai dẳng những luận điệu gieo rắc hoài nghi. Rằng, CNXH chỉ là những khái niệm trừu tượng chứ chưa phải hiện thực xã hội. Rằng, những khó khăn và thách thức mà ta phải đương đầu đều bắt nguồn từ sự lựa chọn CNXH; sự lựa chọn khiến cho nước ta lùng nhùng trong cái bẫy nghèo nàn và lạc hậu, thua kém các nước chung quanh. Rằng, đã có CNXH đâu mà nói đến dân chủ XHCN, đến Nhà nước pháp quyền XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Rằng, cách tốt nhất bây giờ là hãy nói nhiều hơn độc lập dân tộc và nói ít đi hay không nói gì đến CNXH… Không thể vơ đũa cả nắm âm mưu diễn biến hòa bình, sự ngộ nhận và việc thảo luận thẳng thắn những vấn đề thực tiễn mà lý luận chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Dẫu sao, cố tình phủ nhận con đường đi lên vẫn là sai lầm.

Trong tình hình mới và nhận thức mới, Đại hội XI, với việc khẳng định lại trong Cương lĩnh bài học “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH”, đã một lần nữa đưa ra thông điệp hết sức rõ ràng: Độc lập dân tộc và CNXH là ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Độc lập dân tộc và CNXH là ngọn cờ chiến đấu và chiến thắng của cách mạng Việt Nam. Ngọn cờ đó phải luôn được nắm vững và giương cao, dù bất cứ tình huống nào cũng không để lung lay hay hạ thấp xuống.

5 bài học kinh nghiệm
Sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh (Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (1991 - 2011) - PV), chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường XHCN.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội X, có thể rút ra một số kinh nghiệm:

Một là: Trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Đổi mới toàn diện, đồng bộ với bước đi thích hợp. Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giữ vững truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc. Mở rộng, phát huy dân chủ phải gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

Hai là: Phải thật sự coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững. Tăng cường huy động phải gắn với sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước. Phát triển lực lượng sản xuất phải đồng thời với xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất, củng cố và tăng cường định hướng XHCN.

Ba là: Phải coi trọng kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là: Đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Năm là: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải rất nhạy bén, kiên quyết, sáng tạo, bám sát thực tiễn đất nước, kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới; tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.
(Trích Báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá X về các Văn kiện Đại hội XI của Đảng)

Hà Đăng
Nguyên Trợ lý Tổng Bí thư

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm