Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hội tụ trí lực, kiên định đổi mới

Chủ nhật, 22/01/2012 - 08:03

(Thanh tra)- “ĐỔI MỚI” là một trong những từ được nhắc đến nhiều nhất trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước và trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ... Đặc biệt, trong các bài phát biểu quan trọng của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ mới đều nhiều lần nhấn mạnh đến “ĐỔI MỚI”. Nhân dịp đầu Xuân, năm mới Nhâm Thìn 2012, Báo Thanh tra xin trân trọng trích giới thiệu một số quan điểm lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi lãnh đạo, chỉ đạo đất nước tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Đảng phải tự rèn luyện, tự củng cố, đổi mới, chỉnh đốn


“Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa bảo vệ Tổ quốc, nhằm mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức. Đảng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp…

Trong tình hình ấy, nếu Đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Vì vậy, lần này Trung ương quyết định phải tiếp tục tiến hành củng cố xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, nhằm tạo ra một bước chuyển biến mới trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ, tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy, đây là công việc không đơn giản, dễ dàng; trái lại, vô cùng khó khăn, phức tạp, thậm chí có thể nói là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ diễn ra ngay trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Nó đòi hỏi toàn Đảng phải có nỗ lực rất cao, mỗi cá nhân và tập thể phải quyết tâm rất lớn, phấn đấu bền bỉ, kiên trì với những biện pháp thật kiên quyết, tích cực.

Về các biện pháp, Trung ương thống nhất phải tiến hành đồng bộ nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào những việc cần thiết cấp bách và có thể làm ngay trên cơ sở thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, các quy định của pháp luật; dựa vào sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân và phát huy trách nhiệm của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng. Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, muốn có được sức mạnh và uy tín thì Đảng phải tự rèn luyện, tự củng cố, đổi mới, chỉnh đốn; không ai có thể làm thay được. Từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác làm. Từng cán bộ, đảng viên từ cấp cao đến cơ sở cùng làm. Nếu mỗi người tự chỉnh đốn bản thân mình trước thì cả tổ chức sẽ chuyển động. Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu làm trước; tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại.

Nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi; đẩy lùi một bước quan trọng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, tệ tham nhũng, lãng phí. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, tổng kết, đề xuất các cơ chế, chính sách, các quy chế, quy định phù hợp với yêu cầu, điều kiện mới, nhất là về chế độ sinh hoạt đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, công luận. Có chế độ, chính sách hợp lý bảo đảm cho cán bộ, công chức có mức sống ổn định và có điều kiện giữ liêm, đồng thời chống đặc quyền, đặc lợi”.

(Trích phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, cải cách tư pháp

“Tôi xin hứa với Quốc hội, đồng bào, đồng chí nguyện đem hết sức mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được Hiến pháp và pháp luật quy định; không ngừng học tập nâng cao trình độ, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phối hợp và cộng tác chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp, các đoàn thể nhân dân; nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội và rất mong nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị, của đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài để tôi hoàn thành trọng trách được giao” - Đó là lời phát biểu tâm huyết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi ông được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ trọng trách Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Trước vinh dự lớn và trách nhiệm nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu quyết tâm: “Trên cương vị công tác của mình, tôi sẽ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cùng với các tổ chức trong hệ thống chính trị nỗ lực phấn đấu quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ lớn sau đây:

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý có hiệu lực, hiệu quả cao; sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật. Phát huy dân chủ, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đất nước; đồng thời tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước và xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và công dân. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế trí thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế…

Chăm lo củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân... Củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp xã hội; đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng:

Phải đổi mới tư duy về đầu tư

“Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ nhận rõ nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ là phải tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi, ra sức vượt qua khó khăn thách thức, phát huy thành tựu đã đạt được, nghiêm túc khắc phục hạn chế, yếu kém; nỗ lực cao nhất để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015”- Đó là lời tâm huyết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay sau khi Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ nhất (tháng 8/2011) tiếp tục bầu ông đảm nhận trọng trách Thủ tướng Chính phủ, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Với tinh thần và trách nhiệm cao, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII vừa qua, trong Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết:

“Ngay từ năm 2012 cần tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, trước hết là đầu tư công, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu các ngành kinh tế và phân bố lại lực lượng sản xuất trên từng vùng lãnh thổ; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty; tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các định chế tài chính.

Phải đổi mới tư duy về đầu tư, từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và tăng cường huy động các nguồn vốn khác cho phát triển. Năm 2012, phải thực hiện nghiêm kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ III và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. Phải đổi mới cơ chế phân bổ vốn đầu tư; kiên quyết tập trung vốn cho các công trình dự án cấp thiết, sớm hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả. Ưu tiên bố trí vốn cho các công trình đã hoàn thành và đã đưa vào sử dụng, các công trình cần thiết phải hoàn thành trong năm 2012 và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Các dự án, công trình khởi công mới phải được kiểm soát chặt chẽ, xác định rõ nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả và đủ thủ tục đầu tư.

Thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, chú trọng cải cách thể chế và thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân. Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhất là thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường bất động sản. Sửa đổi Luật Đất đai, bảo đảm quyền của Nhà nước trong việc thu hồi đất cho mục đích phát triển, xử lý hài hoà lợi ích của người giao đất và người nhận đất để đầu tư sản xuất kinh doanh. Coi trọng phản biện xã hội, tăng cường tham vấn nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia khi xây dựng thể chế, đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:

Tiếp tục cải tiến, đổi mới hoạt động của Quốc hội

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII (cuối năm 2011) được cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận là một kỳ họp của tinh thần đổi mới, dân chủ, thẳng thắn, sôi động với những nội dung rất quan trọng. Quốc hội đã có những cải tiến, đổi mới trong việc chuẩn bị kỳ họp, điều hành các phiên họp, bảo đảm phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và từng đại biểu Quốc hội; nâng cao chất lượng chuẩn bị, thảo luận và quyết định các nội dung trình Quốc hội. Nghị quyết của Quốc hội đã cụ thể hơn, xác định rõ hơn các nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức thực hiện. Chất vấn đã tập trung vào các vấn đề ở tầm vĩ mô, trao đổi theo nhóm vấn đề, dành toàn bộ thời gian cho việc hỏi và trả lời trực tiếp… Căn cứ vào chất lượng hoạt động tại nghị trường Quốc hội, từ ý kiến của đại biểu Quốc hội và sự ghi nhận của cử tri, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định:

“Với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc, đánh giá khách quan, toàn diện những thuận lợi, khó khăn, những thành tựu, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ thời gian qua. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã xác định mục tiêu của năm 2012 và trong thời gian tới là cần tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Quốc hội đã quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và năm 2012; dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2012; Chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 và một số quyết định quan trọng khác”.

Quốc hội đã xem xét, thông qua 5 dự án luật: Luật Cơ yếu, Luật Lưu trữ, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đo lường và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến về 13 dự án luật khác; giao các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau…Quốc hội đã xem xét, quyết định Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012, trong đó tập trung giám sát hai nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.”

Cùng với nhận xét, đánh giá nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn: Các vị đại biểu Quốc hội cần tiếp tục đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri và giám sát chặt chẽ việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2012

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6 - 6,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%. Nhập siêu khoảng 11 - 12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu. Bội chi ngân sách phấn đấu dưới 4,8% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 4%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%...

(Trích Nghị quyết số 11/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm