Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 16/12/2011 - 20:03
Chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (Nghị quyết 30a) của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo được tổ chức tại Hà Nội, ngày 16/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã nhấn mạnh giảm nghèo nhanh nhưng phải bảo đảm tính bền vững cả trong trước mắt và tương lai.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Tại hội nghị, một trong những mục tiêu được nhấn mạnh là năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo của 62 huyện nghèo xuống ngang bằng mức trung bình của tỉnh, bình quân dưới 25% (theo chuẩn nghèo cũ) và dưới 35% theo chuẩn nghèo mới.
Theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, với hiệu quả từ nguồn lực đầu tư của các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo hiện hành và các chính sách đặc thù, tỷ lệ hộ nghèo trung bình của 62 huyện nghèo đã giảm xuống còn 37% (giảm bình quân 5%/năm), đạt mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo trung bình của 62 huyện này xuống mức dưới 40% vào năm 2010 như Nghị quyết 30a đã đề ra.
Thu nhập bình quân đầu người của các huyện tăng 2,5 lần, từ 2,5 triệu đồng/người/năm (năm 2006) lên 6 triệu đồng/người/năm (năm 2010).
Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc theo Chỉ thị số 1752/CT-TTg ngày 21//9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 62 huyện nghèo khoảng 60% (chuẩn nghèo theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg), ước thực hiện đến cuối năm 2011 còn khoảng 55%, giảm được 5%/năm (Nghị quyết Quốc hội đề ra là giảm bình quân 4%/năm).
Có được kết quả đó là nhờ nỗ lực cao của các cấp, các ngành, địa phương. Trong điều kiện lạm phát, suy thoái, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn ưu tiên dành nguồn lực tập trung đầu tư cho các huyện nghèo.
Tính chung trong 3 năm, tổng số vốn ngân sách Trung ương bố trí hỗ trợ thực hiện Chương trình là 8.535 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư là 6.493 tỷ đồng, chiếm hơn 80%; bình quân mỗi huyện được bố trí 130 tỷ đồng/huyện.
Riêng năm 2011, trong điều kiện kinh tế đất nước khó khăn, Chính phủ vẫn ưu tiên bố trí 3.695 tỷ đồng cho các huyện nghèo, tăng 2 lần so với năm 2010.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Chương trình dự án khác, các Chương trình sử dụng vốn ODA, vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư của Trung ương trên địa bàn đã ưu tiên bố trí khoảng 22.000 tỷ đồng vốn cho 62 huyện nghèo; bình quân mỗi huyện nghèo được bố trí 118 tỷ đồng/huyện/năm từ các chương trình, dự án này. Đã có 40 Tập kinh tế, Tổng công ty Nhà nước và doanh nghiệp cam kết hỗ trợ huyện nghèo với tổng số tiền 2.024,55 tỷ đồng trong giai đoạn 2009-2020.
Trong giai đoạn tới (2011-2015), nhiệm vụ được đặt ra là phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết 30a đề ra đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống ngang bằng mức trung bình của tỉnh, bình quân dưới 35% theo chuẩn nghèo mới. Tăng cường năng lực cho người dân và cộng đồng để phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, từng bước phát huy lợi thế về địa lý, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bước đầu phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ và vừa, người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi; lao động nông nghiệp còn dưới 60% lao động xã hội; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn, huấn luyện đạt trên 40%.
Việc thực hiện Nghị quyết 30a được gắn với thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020; tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sinh hoạt; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% năm.
Chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên, chặt chẽ việc tổ chức thực hiện các chính sách và nguồn lực đầu tư của nhà nước cho các huyện nghèo; tăng cường sự tham gia và giám sát của người dân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh Nghị quyết 30a ra đời là cụ thể hóa đường lối chủ trương của Đảng về xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt là đối với những huyện nghèo nhất. Đây là công việc phải làm thường xuyên, liên tục, kiên trì, vừa giải quyết các mục tiêu trước mắt, vừa giải quyết các vấn đề lâu dài.
Nghị quyết đã đi vào cuộc sống là nhờ sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Trung ương Đảng, Nhà nước, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tập đoàn doanh nghiệp và đặc biệt là cộng đồng dân cư.
Các địa phương triển khai công việc cụ thể, nhiều chính sách được triển khai tích cực và thực hiện có kết quả cao như chính sách đào tạo, nâng cao dân trí, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi…
Đời sống đồng bào được nâng lên một bước, tỷ lệ giảm nghèo nhanh. Nhiều nơi có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp tích cực vào cuộc, trực tiếp hỗ trợ các huyện nghèo, phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, đó mới là kết quả bước đầu. Trong thực hiện cũng còn có khó khăn, tồn tại: Chính sách nhiều, đầy đủ nhưng hướng dẫn của một số bộ ngành còn chậm hoặc chưa đầy đủ, một số chính sách chưa rõ (như chính sách hỗ trợ nhà ở, khai hoang, hỗ trợ con giống cây trồng…); một số chính sách chưa phù hợp thực tế về mức (còn thấp) và diện được hỗ trợ (chưa đầy đủ); đào tạo nghề đã ổn định nhưng cần quan tâm nhiều hơn nữa về chất lượng, làm sao để đáp ứng được nhu cầu xã hội cũng như nhu cầu công việc trên địa bàn.
Một số nơi phê duyệt đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đúng danh mục, đúng mục đích. Việc lồng ghép các chương trình mục tiêu trên địa bàn chưa thật tốt. Công tác quy hoạch còn chậm, đặc biệt là quy hoạch cho sản xuất. Khó khăn chung của kinh tế dẫn đến khó khăn của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu cam kết.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ ngành đánh giá sâu, kỹ hơn về việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong 3 năm qua, đặc biệt là tính bền vững, đảm bảo sản xuất kinh doanh của đồng bào tại các huyện nghèo.
Phó Thủ tướng nêu rõ đặc điểm huyện nghèo là khó khăn về địa lý, địa hình, điều kiện thiên nhiên, xuất phát điểm thấp nên trong thực hiện phải kiên trì, gắn với Chương trình giảm nghèo bền vững của Chính phủ (NQ 80); vừa giảm nghèo nhanh nhưng phải bảo đảm tính bền vững cả trong trước mắt và tương lai.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong cân đối nguồn lực, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, xóa đói giảm nghèo là một trong những lĩnh vực được Chính phủ trình với Trung ương Đảng, Quốc hội là tập trung số một. Đối với các huyện nghèo được tập trung nguồn lực cao hơn để đạt các mục tiêu đã đề ra. Nguồn lực hỗ trợ cho các huyện nghèo là khá lớn.
Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện tốt Nghị quyết 30a, bổ sung đầy đủ văn bản hướng dẫn, ban hành sớm các văn bản mới hoặc sửa đổi đối với các quy định chưa phù hợp…
Các địa phương cũng cần đối chiếu với mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đã đề ra. Cần coi việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hàng năm cần có đánh giá, kiểm điểm các chỉ tiêu đã đạt được.
Phó Thủ tướng lưu ý cần quan tâm hơn nữa tới công tác quy hoạch, vì đến nay mới có 34 huyện được phê duyệt quy hoạch; phải coi quy hoạch sản xuất là gốc của vấn đề nếu muốn giảm nghèo nhanh và bền vững, trong đó quy hoạch dân cư phù hợp với điều kiện chung cả nước và từng địa phương; tìm những mô hình sản xuất tốt để nhân rộng, phát huy điểm mạnh của từng vùng, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực gắn với sản xuất ngành nghề trên địa bàn.
Đây chính là việc đầu tiên phải làm trong đầu năm 2012, không thể để chậm trễ hơn, Phó Thủ tướng đề nghị; đồng thời các địa phương cũng cần quan tâm chỉ đạo các huyện rà soát lại các Chương trình, dự án đã được phê duyệt, lo cân đối nguồn vốn giải ngân, bố trí đủ nguồn lực; tăng cường rà soát, phân cấp cho huyện, xã về các chương trình dự án này; chú ý lồng ghép các chương trình trên địa bàn...
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhắc nhở các tập đoàn, doanh nghiệp đã cam kết hỗ trợ huyện nghèo cần tiếp tục thực hiện cam kết. Ngoài phần đã cam kết, một số tập đoàn mạnh có thể hỗ trợ thêm các huyện mới, nhất là các công trình phúc lợi.
Về phần địa phương cũng cần tạo điều kiện để cho các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia kinh doanh, sản xuất có hiệu quả trên địa bàn, thông qua việc mở nhà máy, thu hút lao động làm việc. Các cơ quan thông tấn báo chí cần tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến chính sách, đưa thông tin và kiến thức đến người dân để bà con thông hiểu, nhiệt tình tham gia.
Phó Thủ tướng nhắc nhở bộ ngành, địa phương chăm lo Tết cho dân, đặc biệt là ở các huyện nghèo; nắm tình hình đời sống đồng bào trên địa bàn, bảo đảm cân đối hàng hóa, huy động các nguồn lực của nhiều thành phần kinh tế để hỗ trợ, không để bà con bị đói, rét.
(TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Văn Thanh
08:28 14/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền