Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Yêu cầu tháo dỡ nhà kính, nhà lưới trên đất quy hoạch lâm nghiệp

Thanh Chương

Thứ năm, 19/08/2021 - 22:33

(Thanh tra)- Ngày 19/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng cho biết, các địa phương đã hoàn thành việc kiểm ra, rà soát, thống kê toàn bộ diện tích nhà kính, nhà lưới được làm trên đất quy hoạch lâm nghiệp.

UBND phường 5, TP Đà Lạt tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ công trình nhà lưới "mọc" trên đất lâm nghiệp. Ảnh: Thanh Chương

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 227ha nhà kính, nhà lưới của 649 hộ đang sử dụng, được dựng lên trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Trong đó, tại TP Đà Lạt có hơn 184ha/475 hộ, huyện Lạc Dương có 21,4ha/106 hộ, huyện Đơn Dương có trên 16,2ha/44 hộ, còn lại các huyện Đam Rông, Di Linh, Đức Trọng có từ 0,6 đến 3,3ha.

Nhằm thực hiện đúng theo nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng tại Văn bản số 3075/UBND-LN ngày 17/5/2021, UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo tổ công tác phối hợp với chính quyền các xã tập trung triển khai công tác tuyên truyền, vận động các chủ sử dụng công trình tự giác tháo dỡ, di dời công trình nhà kính, nhà lưới đã lắp ghép, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.

Đối với các trường hợp chủ sử dụng tự giác chấp hành tháo dỡ, UBND huyện, thành phố giao tổ công tác cùng chính quyền địa phương theo dõi, đôn đốc tự tháo dỡ, di dời theo đúng cam kết, nếu không thực hiện thì lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định.

Đối với các trường hợp chủ sử dụng không tự giác chấp hành, tiến hành xác lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt, cưỡng chế tháo dỡ hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định có liên quan.

Toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp sau khi tháo dỡ nhà lưới, nhà kính, công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp chỉ được sử dụng để trồng cây rừng/ trồng cây nông nghiệp, trồng hoa ngoài trời kết hợp trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích theo Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm