Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xót xa những mảnh đời nghèo “kiếm cơm” trên bãi rác

Thứ sáu, 17/05/2019 - 06:35

(Thanh tra)- Trong lòng TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), không khó bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ, thậm chí có cả trẻ em đang tuổi ăn, tuổi học phải hành nghề mót phế liệu để kiếm tiền nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình...

Hình ảnh những người phụ nữ “kiếm cơm” trên bãi rác. Ảnh: KN

Dù nắng hay mưa thì ngày nào cũng vậy, tại bãi tiếp nhận xử lý rác thải thuộc TP Kon Tum đều “xuất hiện” những người dân hành nghề mót phế liệu. Bãi rác TP Kon Tum, diện tích được quy hoạch là 6,5ha từ năm 2005 và đã được xây dựng nhiều năm nay. Đây là địa điểm tập kết và xử lý rác thải duy nhất của cả TP Kon Tum. 

Tại bãi rác này, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều phụ nữ cả già lẫn trẻ hàng ngày tranh nhau cày xới trên bãi rác khổng lồ, để lượm lặt những loại phế liệu có thể tái chế hay bán được với mục đích kiếm tiền nuôi sống gia đình. Hành trang mà những người phụ nữ mót phế liệu mang theo là: Đôi ủng, nón, khẩu trang, bao tời và một cây cuốc chĩa.

Gặp chúng tôi “những vị khách lạ” hầu hết họ đều không bắt chuyện và né tránh vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến công việc hiện tại. Nói là công việc vậy thôi, chứ bãi xử lý rác thải là khu vực cấm người dân vào, do cuộc sống quá khó khăn và không có công ăn việc làm nên họ mới “bất chấp” vào đây nhặt rác. Qua tìm hiểu được biết, hầu hết những người hành nghề mót phế liệu đều là người đồng bào dân tộc thiểu số sống tại TP Kon Tum.

Tâm sự về công việc mưu sinh của mình, chị Y.L. ( trú tại làng Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang) chia sẻ: “Những người đến đây nhặt rác đa phần là phụ nữ, vì đàn ông trong nhà phải đi cày ruộng. Nếu nhà chỉ có một chiếc xe làm phương tiện di chuyển thì chồng chở lên tận bãi rác để gom nhặt, mang theo đồ ăn và nước uống. Làm cái nghề này cũng giống đi cày ruộng, ở đến chiều mới về nhà. Không làm nghề này thì không biết làm gì hết, vì chúng tôi tiếng phổ thông còn nói không rõ thì lấy đâu ra công việc. Việc bới rác nhặt vụn đồng thường bán cho các khu thu mua lại phế liệu, vậy nên một ngày đi làm phải gom ít nhất 2 - 3 bao tời thì mới có ăn...”.

Có thể thấy rằng, đối với những người làm công việc này, họ không sợ khi phải sống trong bầu không khí bao trùm mùi hôi thối của rác thải. Thậm chí, họ có thể ngồi ngay cạnh đống khói, đốt dây điện để lấy lõi đồng dù biết hiểm nguy đang rình rập trước mắt. Có lẽ điều họ sợ nhất chính là cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, con cái không được đến trường.

Những người phụ nữ lớn tuổi vẫn còng lưng đi nhặt rác tại các con đường trong lòng TP Kon Tum. Ảnh: KN

Rời bãi tập kết và xử lý rác thải TP Kon Tum khi mặt trời xuống núi, hình ảnh những người phụ nữ nghèo đang còng lưng nhặt rác cứ ám ảnh chúng tôi suốt chặng đường. Ngày hôm nay và cả những ngày sau nữa trước mắt họ sẽ vẫn là cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn.

Trên thực tế, hình ảnh những người phụ nữ hành nghề mót phế liệu tại bãi tập kết và xử lý rác thải không phải là hình ảnh duy nhất. Mà trên khắp các con đường nhỏ ở TP Kon Tum còn có rất nhiều người phụ nữ lớn tuổi, thậm chí là các em nhỏ người đồng bào, thường xuyên đi nhặt phế liệu để bán lấy tiền khắc phục cuộc sống khó khăn.

Nói về cuộc sống khó khăn của những người nghèo nhặt rác, bà Nguyễn Thị Ven, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kon Tum cho biết: “Chúng tôi cũng rất mong những mảnh đời nghèo khổ, có cơ hội thoát khỏi công việc độc hại, cơ cực hiện tại họ đang làm. Về xã hội, tất cả các ngành phải vào cuộc tìm hiểu hoàn cảnh của những người nằm trong độ tuổi lao động. Đặc biệt là đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho họ có công việc, ngành nghề, để ổn định cuộc sống đời thường.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần quan tâm đến an sinh xã hội, can thiệp xem xét việc phân bố đất đai làm nương rẫy cho những gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Tổ chức tuyên truyền cho người dân biết được công việc đó độc hại đối với sức khỏe, tìm kiếm việc khác để làm. Bên cạnh đó, người lao động phải có nhận thức đầy và đủ về công việc mình đang làm, biết được cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào ảnh hưởng và độc hại đến sức khỏe để tránh”.

Vậy, giải pháp nào để khắc phục sự nghèo đói cho những mảnh đời nghèo nói trên, bài toán này khi nào có lời giải? Và chắc chắn, đây cũng là những điều trăn trở của các cơ quan, ban ngành của TP, của tỉnh Kon Tum.

Khuất Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm