Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Vĩnh hằng nhé anh giữa biển xanh Tổ quốc

Mai Thắng

Thứ bảy, 25/07/2020 - 07:00

(Thanh tra) - Không phải chiến trận mới có những mất mát đau thương, mà ngay cả thời bình lặng im tiếng súng, máu vẫn chảy giữa cửa biển, dòng sông. Sự hi sinh anh dũng kiên cường của 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam trong sự kiện ngày 14/3/1988, là đức hi sinh đẹp nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa

Con ở đâu sao mãi chưa về

Trong 64 người mẹ liệt sĩ Gạc Ma trong ba miền Bắc - Trung - Nam, thì riêng phường Hòa Cường, thành phố Đà Nẵng có 7 mẹ.

Sau 31 năm kể từ sự kiện CQ-88 (chủ quyền 88), đa phần các mẹ không còn nữa vì theo “qui luật sinh tử” của mỗi đời người. Những mẹ còn sống thì đều tuổi cao, sức yếu. Có mẹ bệnh tật hành hoành. Nhưng tất cả đều có một tâm trạng chung là nhớ con - những người lính Gạc Ma đã bỏ lại biển khơi xương cốt của họ.

Tháng bảy, trời Đà Nẵng nắng như dội lửa, chúng tôi tìm về phường Hòa Cường theo sự chỉ dẫn của cựu binh Gạc Ma Trần Đức Lợi. Anh Lợi, nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân và là người “tường tận” tất cả điều kiện sống, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng và địa chỉ của 7 mẹ liệt sĩ Gạc Ma đang sống ở địa danh này.

Bà Lê Thị Muộn, mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự hồi ức về con trai ngày lên đường nhập ngũ

Địa chỉ đầu tiên anh Lợi dẫn tôi đến thăm người mẹ Gạc Ma ở phường Hòa Cường là mẹ Lê Thị Muộn - mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự. Mẹ Muộn năm nay đã 86 tuổi, nhưng ký ức về cậu con trai đi Trường Sa lúc chưa đầy 18 tuổi thì chẳng thể nào quên. “Nó là con thứ bảy trong tám anh em. Ngày nó ra đi, trẻ lắm. Nó mặc cái áo xanh tui mua hớt hải chạy về nói: “Má, con đi bộ đội nhé”. Tui nhìn nó bảo: “Con thích đi bộ đội thật à? Con cứ làm những gì con thấy có ích”, trên khóe mắt mẹ Muộn bắt đầu rịn dòng nước mắt.

Mời tôi ly nước trắng, chị con dâu của mẹ Muộn phân trần: “Đã mấy chục năm chú Sự hi sinh, hầu như má tui không nguôi được. Anh nhìn nè, chiếc áo hải quân của chú Sự má may lại cho vừa, mỗi lần có sự kiện gì đó về Gạc Ma, má lại đem ra mặc. Cả tấm ảnh này nữa, má cứ để đầu giường. Ký ức về chú Sự má nhớ tường tận từng khoảnh khắc”.

Nghe con dâu nói, mẹ Muộn nhoẻn miệng cười, rồi chìm trong ký ức ngày mẹ tiễn chân anh sự ra Trường Sa 32 năm trước: “Sau khi học hết phổ thông thì nó (anh Sự - PV) đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Đến Tết Nguyên đán năm 1988 nó được về nhà ăn Tết. Nó nói với tui: Má ơi con và mấy anh em sắp đi xây dựng đảo Trường Sa. Hồi đó ông nhà tui đang đau nặng lắm, phải nhập viện để mổ nên đơn vị mới phân công nó ở lại đất liền làm nhiệm vụ trông coi đồ đạc. Mà nó đâu có chịu ở lại, cứ một mực xin đi. Thấy con quyết tâm như vậy tui cũng động viên nó đi nhớ giữ gìn sức khỏe, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, mẹ Muộn xúc động kể lại.

Liệt sĩ Phan Văn Sự và nén hương đồng đội

Trước giờ bước chân lên tàu vào bán đảo Cam Ranh ra Trường Sa, anh Sự cứ bần thần nhìn từ nơi ngủ, gian bếp nấu và những vật dụng trong nhà. “Nó nắm chặt tay tui bảo: Má đừng lo gì hết, con đi sẽ về nhanh thôi. Chỉ có vậy. Tui ôm nó một cái, nó không dám khóc, còn tui thì khóc” - mẹ Muộn kể, giọt nước mắt chảy trên gò má nhăn nhúm.

Một ngày giữa tháng 3/1988, trong lúc mẹ Muộn đang làm thủ tục xuất viện cho chồng, thì nghe tin anh Sự hi sinh. Mẹ bàng hoàng chưa kịp định hình điều gì thì người chồng đang nằm trên giường bệnh vì nghe tin quá sốc mà vỡ mạch máu toàn thân, rồi cũng đột ngột qua đời.

Sau khi anh Sự hy sinh, Lữ đoàn Hải quân 146 mang đến cho mẹ tấm áo chiến sĩ. Đó là chiếc áo anh sự mặc chiến đấu cho đến lúc hy sinh. Mẹ Muộn coi tấm áo ấy như báu vật. Mẹ tháo rời từng đường chỉ, rồi sửa thành áo bà ba. Mỗi năm đến dịp 14/3 hoặc 27/7, mẹ đem ra mặc. Phần yếm áo thừa, mẹ may thành chiếc gối đặt phía đầu giường. Hằng đêm ngủ, mẹ gối lên chiếc gối đó như truyền thêm hơn ấm cho con trai.

Bà Huỳnh Thị Kế - mẹ của liệt sĩ Phạm Phú Đoàn nói về hoàn cảnh sống hiện nay

Cách nhà mẹ Lê Thị Muộn một con phố, là nhà mẹ Huỳnh Thị Kế - mẹ liệt sĩ Phạm Phú Đoàn. Mẹ Kế năm nay hơn tuổi 80. Tuổi cao sức yếu lại “nặng tai” nhưng ký ức về người con trai hi sinh ở đảo đá Gạc Ma ngày ấy vẫn in đậm trong tim mẹ. “Ngày thằng Đoàn đi Trường Sa nó chớm 18 tuổi, chẳng có người yêu gì đâu. Ngày nghe tin nó hi sinh, tui chạy ra biển gào thét. Cả nhiều năm sau đó, tôi vẫn chờ  nó về nhưng nó đâu còn nữa phải không anh?”, mẹ Kế nghẹn giọng, mắt lưng tròng.

Mẹ Kế dẫn tôi ra bàn thờ anh Đoàn phía ngoài sân. Gọi là bàn thờ, nhưng thực ra đó là một cái trụ nhỏ, trên đó xây một ô kiểu mái nhà. Cạnh đó là gốc cây me cằn cỗi. Mẹ Kế cho hay, mẹ là vợ hai của bố anh Đoàn. Do vậy, khi anh Đoàn hi sinh, những người con của bà vợ cả không cho mẹ Kế đem di ảnh con trai mình vào nhà thờ tự, mà bắt thờ ở ngoài trời. Đêm đêm mẹ vẫn đứng trước di ảnh con gọi thầm: “Đoàn ơi con ở đâu sao mãi không về”. Căn nhà mẹ Kế bây giờ đang ở nằm trong hẻm sâu xuống cấp nhiều năm nay. Nền gạch cũ lâu ngày xỉn đen, phía trong là lu nước nhỏ, một bộ bàn ghế kê góc nhà sờn cũ. Ngày ngày mẹ Kế tự nấu ăn, đi chợ, tự nghỉ ngơi.

Nơi thờ ngoài trời của liệt sĩ Phạm Phú Đoàn

Thêm một địa chỉ tôi tìm đến trong chuyến “về nguồn” này, đó là gia đình liệt sĩ Lê Văn Xanh. Đón tôi giữa trưa hè đổ lửa là người cha khuôn mặt không dấu được xúc động khi tôi hỏi: “Bác có phải là ba của liệt sĩ Lê Văn Xanh”?

Dẫn chúng tôi lên lầu hai của căn nhà khang trang, ông Lê Văn Xuân thắp nén nhang đưa cho tôi, bảo: “Nó hi sinh năm 20 tuổi. Trước ngày đi đảo, tui bảo lấy vợ rồi đi con. Nó hứa trong ngày nhập ngũ “Hoàn thành nghĩa vụ con sẽ về lấy vợ sinh con cho ba”. Nhưng mãi mãi chẳng thấy nó về”.

Ông Xuân lặng người khi ký ức cậu con trai giây phút biệt ly gia đình đi đảo.

Ông Lê Văn Xuân lặng người khi kể về con - liệt sĩ Lê Văn Xanh

Niềm vui mỗi ngày

3 gia đình liệt sĩ mà tôi có dịp đến thăm, là 1 trong 7 gia đình có con là liệt sĩ Gạc Ma ở phường Hòa Cường, Đà Nẵng. Mỗi người mẹ, người bố liệt sĩ Gạc Ma có hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng đều có chung một niềm đau là mất con và chưa nguôi ngoai được nỗi nhớ thường trực trong tiềm thức. Niềm vui mỗi ngày của họ là được sống vui, sống khỏe với con cháu và người thân; sự quan tâm của chính quyền địa phương sở tại.

Mỗi năm đến ngày 27/7, ngoài những phần quà, tình cảm của chính quyền thành phố Đà Nẵng, những người mẹ, người cha liệt sĩ Gạc Ma còn được thăm hỏi, quà tặng của Hội Cựu quân nhân Gạc Ma và những mạnh thường quân, doanh nhân ở nhiều vùng đất nước.

Bà Lê Thị Tâm - nguyên là nữ cựu tù Côn Đảo đã tiết kiệm lương hưu trong nhiều tháng gửi biếu mỗi thân nhân liệt sĩ Gạc Ma 2 triệu đồng. Hội quân nhân Gạc Ma ở Đà Nẵng góp tiền mua quà, đến từng nhà thăm hỏi động viên các mẹ liệt sĩ. Mẹ Lê Thị Muộn - mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự chia sẻ: “Thằng Sự hi sinh, tui đau lắm, nhưng đó là sự hi sinh cao đẹp vì Tổ quốc”. Còn ông Lê Văn Xuân bày tỏ rằng, khi Tổ quốc cần, thì sự hi sinh cho Tổ quốc là một điều kiêu hãnh. “Đất nước nào cũng có đau thương. Con tôi chiến đấu cho biển đảo yên bình, thì xương máu đổ xuống biển không hề uổng phí” - ông Xuân nói.

Thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa

Sóng hóa thân anh thành liệt sĩ

Hằng năm cứ đến dịp 27/7, Quân chủng Hải quân tổ chức những chuyến tàu ra Trường Sa thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ. Đây là công việc thể hiện nghĩa cử cao đẹp và chính sách đối với liệt sĩ.

Giữa biển trời lạnh vắng và tiếng sóng cồn vùng biển Sinh Tồn, trên con tàu nhỏ bé, nhạc hồn tử sĩ văng vẳng, tiếng trưởng đoàn công tác vọng vào sóng nước. “Để Trường Sa trường tồn, các anh đã chiến đấu kiên cường trước họng súng xâm lăng. Các anh đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho chủ quyền Tổ quốc. Tên anh thành tên đảo nhỏ. Sự hi sinh của các anh được Tổ quốc ghi công, dân tộc nhắc nhớ, hế hệ hôm nay và mai sau noi gương tiếp bước. Thêm một lần nữa vĩnh biệt các anh. Hãy yên nghỉ giữa sóng nước biển khơi”.

Thế hệ trẻ xúc động trước anh linh liệt sĩ ở tượng đài Những người nằm lại phía chân trời

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm