Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Viết lên cuộc sống mới ở Huổi Khon

Huy Anh

Thứ ba, 26/10/2021 - 10:38

(Thanh tra) - 10 năm trước, bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé nổi lên là một "điểm nóng" với hàng nghìn người dân tộc Mông từ khắp nơi đổ về đòi thành lập “Nhà nước Mông”. Giờ đây, Huổi Khon yên bình với ruộng lúa, nương ngô xanh mướt bên bờ sông Nậm Nhé. Người dân vui mừng viết lên cuộc sống mới trên chính mảnh đất quê hương mình.

Người dân bản Huổi Khon 1 phơi ngô trên tuyến đường bê tông nội bản. Ảnh: Văn Tâm

Niềm tin mù quáng

Tháng 5 năm 2011, tin theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, hàng nghìn người Mông từ các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… bán nhà cửa, ruộng nương, trâu bò, cả gia đình dắt díu nhau về “miền đất hứa” Huổi Khon với ước mơ đổi đời, “đón vua” giáng trần đưa họ về miền cực lạc. Thế nhưng cuộc sống sung sướng đâu chưa thấy khi cả nghìn con người chen chúc trong những lán bạt dựng tạm, cơm ăn nước uống không đủ, đói khát không chốn nương thân.

Ông Sùng A Kỷ, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Huổi Khon 1 khi ấy là Trưởng bản Huổi Khon lắc đầu ái ngại khi nhớ về ký ức buồn chục năm trước: Họ về đây tụ tập khổ lắm, thiếu nước uống thiếu cơm ăn và ở trong các lều bạt tạm bợ trên đồi trống. Nhiều người phải ăn măng, rau rừng sống qua ngày. Đám trẻ con đói khát, cứ đòi uống nước rồi xin cái ăn. Ai nấy trông đều đói khổ. Nghĩ lại cảnh đó giờ vẫn còn sợ!

Không bỏ rơi người dân, cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng khi đó đã mang lương thực, thuốc men kịp thời hỗ trợ, cứu giúp. Hàng trăm người già, trẻ nhỏ ốm đau, đói khát thoi thóp trong những lều lán được cứu sống.

Lúc này, một số người đã biết mình bị kẻ xấu lừa gạt, lợi dụng khi chỉ thấy đói khát, khổ cực mà chẳng thấy “vua” xuất hiện; họ muốn quay trở về quê nhưng lại bị bọn chúng đe dọa. Sự thật là những kẻ xấu lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để xúi giục họ tập trung về Huổi Khon gây rối an ninh trật tự.

Trong hoàn cảnh đó, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể đã xuống tận nơi vận động, giải thích cho bà con hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu; đồng thời cung cấp thức ăn, nước uống và vận động bà con trở về nơi ở cũ. Những đối tượng cầm đầu bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhắc lại sự việc đã qua, ông Sùng A Kỷ chia sẻ: Bản Huổi Khon khi ấy chưa chia tách thành Huổi Khon 1, Huổi Khon 2. Cả bản có 97 hộ nhưng chỉ vài hộ tin nghe theo kẻ xấu thôi. Khi được cán bộ tuyên truyền, vận động, giải thích, bà con đã nhận ra bộ mặt thật của chúng, không nghe theo luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu nữa và quay trở về bản làm nương, ổn định cuộc sống.

Dựng xây cuộc sống mới

Từ bài học “điểm nóng” Huổi Khon, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên nói chung, huyện Mường Nhé nói riêng xác định tập trung xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra những vụ việc tương tự. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động được xem là giải pháp quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Công tác dân vận phải đi trước, sâu sát cơ sở, nắm tình hình kịp thời để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Cán bộ Đồn biên phòng Nậm Kè thường xuyên xuống với dân bản Huổi Khon tuyên truyền, vận động. Ảnh: Văn Tâm

Ngay sau khi vụ việc ở Huổi Khon được giải quyết, hàng trăm lượt cán bộ, đảng viên các sở, ban, ngành tỉnh và huyện đã về Huổi Khon nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng tôn giáo cho bà con hiểu, thực hiện.

Với phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), cán bộ kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, bà con đã dần hiểu âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng xấu.

Thiếu tá Hoàng Trọng Thảo, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nậm Kè gắn bó khá lâu với công tác tuyên truyền, vận động ở Huổi Khon cho biết: Khi có tà đạo lan truyền, tổ công tác vận động quần chúng của đơn vị thường xuyên xuống với bà con tuyên truyền, vận động; đồng thời gặp gỡ các đối tượng theo tà đạo để vận động chuyển sang theo đạo chính thống. Với sự vào cuộc của tổ công tác cùng chính quyền địa phương bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, nhiều hộ đã ký cam kết từ bỏ tà đạo. Đến nay tất cả các hộ dân ở 2 bản Huổi Khon 1 và Huổi Khon 2 đều ký cam kết từ bỏ tà đạo.

Cùng với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cũng được triển khai thực hiện, giúp người dân Huổi Khon dựng xây cuộc sống mới. Tuyến đường lên bản Huổi Khon giờ đã được mở rộng, rải cấp phối, ô tô có thể chạy đến tận nơi. Hai bên đường là những ngôi nhà gỗ vững chãi của bà con. Hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, điểm trường về tận bản. Trẻ em trong bản trước đây chưa được đi học nhiều thì nay đến tuổi đi học đều được đến trường học con chữ.

Trong bản có 4 gia đình gồm: Sùng A Chơ, Thào A Sinh, Giàng A Chính, Vàng A Hồ được Bộ Công an hỗ trợ làm nhà, lợp mái tôn vững chắc. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con trong bản đã chủ động làm nương lấy hạt ngô, hạt thóc để ăn và chăn nuôi, không trông chờ vào những thứ siêu nhiên mà kẻ xấu tuyên truyền, lôi kéo.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường nội bản mới được bê tông hóa, anh Thào A Da, Trưởng bản Huổi Khon 2 cho biết: Con đường này được Nhà nước đầu tư theo chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp bà con đi lại thuận lợi hơn nhiều. Bản cũng đang được đầu tư xây dựng điểm trường mầm non và tiến tới làm nhà văn hóa nữa. Chúng tôi còn được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, được hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng nên không lo đói. Có con giống hỗ trợ, nhiều hộ trong bản đã nhân rộng thành đàn gia súc như nhà Vàng A Sình có 6 con trâu, Thào A Giang 7 con trâu… Bên bản Huổi Khon 1 diện tích đất ruộng ít chủ yếu là đất nương nên dân bản tập trung trồng cây chít; có gia đình thu hoạch 2 tấn chít mỗi năm. Ngoài ra, bà con cũng trồng cây sa nhân, cà phê cho thu nhập khá ổn định. Thay đổi đáng mừng nữa là người dân không còn chăn nuôi theo kiểu thả rông mà đã làm chuồng nuôi nhốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.

Chia sẻ về những đổi thay ở Huổi Khon, ông Trần Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé cho biết: Một trong những nguyên nhân xảy ra vụ việc ở Huổi Khon chục năm trước là do hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở còn yếu kém, không nắm bắt tình hình kịp thời. Vì vậy, cùng với công tác tuyên truyền, vận động thì giải pháp căn cơ, lâu dài được địa phương thực hiện là nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, bản; trong đó tập trung xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên. Đội ngũ đảng viên là người dân tộc thiểu số, am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc mình sẽ đảm nhiệm vai trò tiên phong gương mẫu đi đầu và trở thành hạt nhân chính trị, là nòng cốt trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới ở địa phương, cơ sở.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm