Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tuyên Quang có làng hiến đất, làng Youtube

Nam Dũng

Thứ bảy, 30/12/2023 - 06:35

(Thanh tra)- Theo anh Vương Văn Việt, Trưởng thôn Tân Hải Thành, xã Thái Long, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, cả thôn có 206 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Cao Lan thì có đến 120 hộ dân hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa. Trước khi sáp nhập 3 thôn Tân Thành 1, Tân Thành 2, Hải Thành thành thôn Tân Hải Thành như hiện nay, câu chuyện xây dựng nhà văn hóa thôn Hải Thành xưa vẫn được nhiều người nhắc tới.

Những con đường khang trang tại thôn Tân Hải Thành, xã Thái Long, TP Tuyên Quang có được là nhờ sự tự nguyện hiến đất của hàng chục hộ dân trong thôn. Ảnh: ND

Từ làng hiến đất...

Năm 2017, sau khi Nhà nước có chủ trương xây dựng mới nhà văn hóa, thôn Tân Hải Thành nhận làm theo kiểu mẫu gắn với sân thể thao và khuôn viên theo nghị quyết của tỉnh.

Diện tích xây dựng nhà cũ không đủ đáp ứng tiêu chí mới, thôn đã họp nhân dân, vận động nhiều nông dân có diện tích đất liên quan hiến đất để hoàn thành nhà văn hóa theo đúng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Sau khi vận động, đã có nhiều nông dân như ông Trần Văn Nam hiến 220m2, ông Trần Văn Dũng hiến 120m2…

Ông Trần Văn Dũng là 1 trong 4 hộ hiến đất xây dựng nhà văn hóa cho rằng, vẫn biết "tấc đất tấc vàng", nhưng vì lợi ích chung, cũng vì chính cuộc sống của mình, con cháu mình sau này, nên hy sinh một chút lợi ích nhỏ vì công việc lớn cũng không so đo gì.

Ông Hoàng Văn Sự, nguyên Trưởng thôn Tân Hải Thành cho biết, đầu năm 2015, có chủ trương cải tạo tuyến đường vào trung tâm xã dài 2,2km, nếu mở rộng thì sẽ phải đi qua nhà của 90 hộ dân và lấy vào đất của nhiều hộ và bắt buộc phải hiến đất mới làm được đường.

“Cuộc vận động, tuyên truyền tưởng chừng sẽ đi vào bế tắc bởi nhiều luồng ý kiến, nhưng khi tuyến đường được triển khai, bà con thấy những đoạn hiến đất được đơn vị thi công làm quy mô, hai bên có vỉa hè, con đường thẳng tắp, không ai bảo ai, đều đồng lòng hiến đất làm đường”, ông Sự cho biết thêm.

Sau khi hoàn thành tuyến đường, người dân thôn Tân Hải Thành ai cũng cảm thấy tự hào, bởi mình đã góp 1 chút sức nhỏ để có đường to. Sẵn với khí thế thôn còn làm thêm tuyến đường dẫn vào khu sản xuất Đồng Gié dài 1,7km. Con đường tuy ngắn, nhưng chạy qua nhà của 30 hộ dân, và ai cũng tự nguyện hiến đất như một cách để ủng hộ phong trào.

Họ bảo nhau, đã là người dân Tân Hải Thành đều một lần hiến đất. Nhờ ý thức đoàn kết, sự tự giác cao mà những con đường nội thôn, bê tông nội đồng, nhà văn hóa rộng thênh thang là nét chấm phá giữa bức tranh làng quê ngày càng nhiều mảng màu sung túc nơi đây.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thái Long cho biết, thôn Tân Hải Thành nổi tiếng toàn xã với phong trào hiến đất. Ngày xưa xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới của xã Thái Long thấp bao nhiêu thì hôm nay xã lại tự tin hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao bấy nhiêu. Có được điều này chính là sự đoàn kết, đồng lòng của người dân tham gia các phong trào của xã phát động.

Anh Vương Văn Việt kết thúc câu chuyện đầy cảm hứng, câu nói "muốn làm đường to, dân phải đồng lòng" thật đúng với Tân Hải Thành. Đường lớn đã mở, nhiều nghề cũng mở ra, tương lai người dân Tân Hải Thành sẽ ngày càng khấm khá.

… đến làng Youtube

Nà Chác là thôn xa nhất của xã Năng Khả, huyện Na Hang, cách trung tâm xã gần 20km. Là một bản vùng cao vốn trước đây nghèo nàn, lạc hậu đến đường đi còn không có thì nay đã đổi thay rất nhiều.­

Ở đây có 142 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Dao đỏ. Trước đây thôn Nà Chác khá biệt lập, đường từ thôn ra xã chỉ là những con đường mòn đi xuyên rừng. Ngày nay thì thôn đã có đường nhựa, ô tô có thể vào đến cuối thôn.

Có một điểm mới ở Nà Chác mà khiến ai đến đây đều thấy bất ngờ, đó là công việc sáng tạo nội dung video trực tuyến. Ở đây có rất nhiều người đang nỗ lực xây dựng sự nghiệp với tư cách là người tạo video đăng tải trên nền tảng Youtube.

Bí thư Chi bộ thôn Nà Chác Triệu Hữu Phú cho biết, hiện thôn có hàng chục kênh Youtube do bà con trong thôn xây dựng hầu hết bằng tiếng Anh. Với thế mạnh là một vùng bán sơn thủy vô cùng tráng lệ, cảnh quan thiên nhiên có nhiều điểm độc đáo nên các kênh Youtube của bà con thu hút được rất nhiều lượt xem của người nước ngoài.

Thu nhập từ sản xuất video khá cao nên nhiều người đầu tư sản xuất chương trình khá bài bản. Nội dung các video chủ yếu xoay quanh về giới thiệu cảnh quan, công việc chăn nuôi, trồng trọt, làm rừng. Chính vì vậy, nhiều hộ đầu tư xây dựng cả trang trại chăn nuôi, tạo dựng cảnh quan để quay video số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cái được rất lớn trong việc sản xuất video là thu hút hàng trăm lao động tham gia, vừa tạo dựng cơ sở sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cho thêm thu nhập, lại có thêm thu nhập đáng kể từ Youtube. Theo ước tính của anh Phú, mỗi tháng thôn có ít nhất 300 đến 500 triệu đồng được trả từ Youtube cho các kênh điển hình như kênh Youtube Triệu Thị Hoa, Triệu Thị Dương có thu nhập hàng trăm triệu sau khi đã trừ thuế.

Những đổi thay ở bản vùng cao Nà Chác đang tạo nên một sức sống mới bắt kịp với thời đại. Người dân nơi đây không chỉ dùng điện thoại thông minh vào việc xem thông tin, giải trí mà còn kiếm tiền. Đó là điều mà không phải địa phương nào cũng có thể theo kịp với Nà Chác.

Mặc dù, thế hệ thanh niên trong thôn hòa nhập rất nhanh lối sống hiện đại nhưng mọi nét đẹp truyền thống như trang phục, các làn điệu ca, múa của đồng bào Dao còn nguyện vẹn. Những cô gái ở đây trước khi về nhà chồng ai cũng phải có 1 bộ trang phục dân tộc để mặc vào ngày cưới. Thôn thành lập câu lạc bộ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao với 75 thành viên.

Ông Vũ Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Năng Khả cho biết, nếu nói về Nà Chác hơn chục năm trước, đó là bản người Dao nghèo nàn, lạc hậu. Ngày nay, nói về Nà Chác thì lại là thôn điểm của xã Năng Khả về xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm