Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 20/01/2017 - 08:23
(Thanh tra)- Một bộ máy Nhà nước muốn vận hành tốt, điều kiện tiên quyết là cần có những quan lại giỏi, đức độ và mẫn cán. So với thời Lý, hệ thống tổ chức chính quyền thời Trần chặt chẽ hơn nhiều. Việc phân nhiệm giữa các cơ quan Trung ương rõ ràng hơn. Hệ thống quan lại ở địa phương cũng được tổ chức chu đáo hơn.
Đầu đời Trần Thái Tông, tổ chức bộ máy Nhà nước đã được quy định hẳn hoi. Năm 1230, đã biên soạn sách Thông chế, khảo xét các luật lệ thời trước, sửa đổi hình luật và lễ nghi, tất cả gồm 20 quyển. Cùng năm đó, sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: “Năm Canh Dần (1230), chép công việc của quốc triều làm bộ Quốc triều thường lễ, 10 quyển”.
Một điểm nữa khác với thời Lý là quan lại thời Trần đều có lương bổng. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa Xuân, tháng giêng, năm Bính Thân (1236), định lệ cấp bổng cho các quan văn võ trong ngoài và các quan ở cung điện, lăng miếu”. Tiền lương đó lấy vào tiền thuế và được cấp nhiều hay ít tuỳ theo quan cao hay thấp. Vào tháng 10 năm Giáp Thân (1244), Nhà nước lại quy định lương bổng một lần nữa.
Dưới triều Trần, quan lại được tuyển dụng theo con đường nhiệm tử và khoa cử như thời Lý. Có một số quan lại vốn là gia thần của vương hầu, tôn thất được đề bạt cất nhắc.
Thời Trần, việc tuyển dụng quan lại bằng khoa cử phát triển hơn thời Lý. Khoa thi đầu tiên dưới triều Trần là khoa thi Tam giáo vào năm 1227, để chọn người giỏi cả ba giáo (Nho - Phật - Đạo). Tuy nhiên, các nhà chép sử phong kiến thường tách riêng không coi là khoa thi Nho học.
Khoa thi Nho học đầu tiên của triều Trần tổ chức và năm Kiến Trung thứ 8 (1232) đời vua Trần Thái Tông. Sách Lịch triều hiến chương loại chí chép: “Tháng 2 năm Kiến Trung, thi Thái học sinh, cho đỗ tam giáp, theo thứ bực khác nhau”. Trong bộ sách này có chép lời bàn của Sử thần họ Ngô - tức Ngô Thì Sĩ, rằng: “Phép thi cử nước ta có chia ra giáp và đệ là bắt đầu từ đây. Nhưng niên hạn chưa định phép thi chưa rõ, vì bắt đầu xây dựng thì phải như thế. Về sau mới định hạn 7 năm một khoa, đặt ra tam khôi, điều lệ mỗi ngày một nghiêm ngặt, ân điển mỗi ngày một long trọng, công danh do đó mà ra, nhân tài đầy dẫy, so với nhà Lý trước thịnh hơn nhiều cũng do đó”.
Cách chia người trúng tuyển làm Tam giáp (3 giáp - tức 3 hạng), tồn tại cho đến đời Nguyễn sau này. Thi Thái học sinh là tên gọi chính thức thi Đại Khoa đời Trần, mặc dù trong sử sách cũng có khi ghi là: “Đại tỉ thủ sĩ” hoặc “Đại tỉ thủ Thái học sinh”.
Khoa Bính Ngọ, niên hiệu Thiên ứng Chính bình thứ 15 (1246) thi Đại tỉ, bắt đầu đặt danh hiệu Tam Khôi: để chỉ 3 người xuất sắc nhất trong số những người thi đỗ, theo thứ bậc cao thấp là: Trạng nguyên - bảng nhãn - thám hoa.
Tuy định lệ thi 7 năm mở một khoa, nhưng chỉ thực hiện được trong vài khoa đầu đời Trần. Triều đình muốn khuyến khích việc học tập của sĩ tử các vùng xa kinh đô, cho nên khoa Bính Thìn, niên hiệu Nguyên Phong thứ 6 (1256) quy định lấy 2 Trạng Nguyên: 1 Kinh Trạng Nguyên và 1 Trại Trạng Nguyên (vùng Tứ trấn ở miền Bắc gọi là Kinh, vùng Thanh Hoá, Nghệ An gọi là Trại). Tuy nhiên việc chia ra Kinh và Trại Trạng Nguyên chỉ thực hiện trong có 2 khoa thi (Bính Thìn (1256) và Bính Dần (1266)), đến khoa Ất Hợi, niên hiệu Bảo Phù thứ 3 (1275), lại chỉ lấy 1 Trạng nguyên.
Từ khoa Ất Hợi (1275) trở đi, cả nước phải đối đầu với 2 cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288) của giặc Nguyên - Mông, công việc thi cử bị đình trệ tới khoảng gần 30 năm.
Năm 1299, tức là sau cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 3 (1288), hơn 10 năm, việc học tập và việc thi cử mới lại được triều đình để tâm đến. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 7 năm Kỷ Hợi (1299) xuống chiếu cho các học trò trong nước học tập để đợi khoa thi”. Và, cũng phải đợi đến gần 5 năm sau, khoa thi Thái học sinh lại mới được mở ra. Đó là khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304) đời vua Trần Anh Tông. Đây là khoa thi Thái học sinh có quy mô lớn nhất kể từ đầu triều Trần, với sự tham gia của hàng nghìn sĩ tử trong cả nước. Số người được lấy đỗ Thái học sinh tất cả là 44 người. Vua Trần Anh Tông đặc ân cho đưa 3 vị Tam khôi ra cửa Long Môn đi chơi ngắm cảnh đường phố Phượng Thành (tức thành Thăng Long) trong 3 ngày. Khoa này, vua ban thêm tên gọi Hoàng giáp để chỉ những người đỗ Đệ nhị giáp và danh hiệu Hoàng giáp được sử dụng đến tận triều Nguyễn sau này. Số người không đỗ, nhưng có thể điểm thi cũng tương đối cao, gồm 330 người, cho lưu lại học tập ở Quốc Tử Giám.
Đến đời Trần Thuận Tông, niên hiệu Quang Thái thứ 9 (1396), lần đầu tiên trong lịch sử khoa cử Nho học nước ta, có định lệ về việc thi Hương và thi Hội. Sử gia Phan Huy Chú cho biết: “Chiếu định cách thức thi cử nhân: cứ năm trước thi Hương, thì năm sau thi Hội, ai đỗ thi Hội thì nhà vua ra thi một đề văn sách để định thứ tự”. Việc “nhà vua ra thi một đề văn sách”, sau này được gọi là Đình thí (thi Đình) hay Điện thí (thi Điện). Có thể thấy được quy chế thi cử tuyển chọn nhân tài cho bộ máy Nhà nước ở đời Trần đã khá đầy đủ. Trong 170 năm (1225 - 1400) tồn tại của triều đại này số trí thức Nho học đỗ đại khoa có thể lên đến hàng nghìn người. Tiếc rằng, vì thời gian lâu xa, sử thần các đời vua triều Trần không chú ý chép đủ, hoặc giả tư liệu bị mất mát, nên đến nay, chúng ta chỉ còn được biết tên tuổi của 52 vị mà thôi.
So với con đường nhiệm cử (dùng con cháu các viên quan đại thần hoặc hoàng thân, quốc thích cho làm quan), thì việc tuyển chọn nhân tài bằng khoa cử tiến bộ hơn, công bằng hơn. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú từng nhận xét: “Con đường tìm người tài giỏi, trước hết là khoa mục. Phàm muốn thu hút người tài năng, tuấn kiệt vào phạm vi của mình, thì người làm vua một nước không thể nào không có khoa cử… Đến đời nhà Trần, kế tiếp mở rộng đường khoa cử, phép thi chia làm tam giáp, niên hạn định lệ 7 năm; các đời tuân theo, phép thi ngày thêm tường bị. Bấy giờ người tài giỏi sinh ra nhiều, người văn học chen vai nhau, như thế đủ thấy thành hiệu của việc dùng khoa cử lấy nhân tài”.
Tuy nhà Trần, đúng như Phan Huy Chú nhận xét ở trên đã “kế tiếp mở rộng đường khoa cử”, nhưng vẫn thường tuyển chọn, sử dụng quan lại, căn cứ ở tài năng thực tế, chứ không hoàn toàn câu nệ vào bằng cấp. Tiêu biểu cho việc làm này phải kể tới các vị vua như Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông.
Sử cũ chép, tháng 5 năm Kỷ Hợi (1299), vua Trần Anh Tông đã cất nhắc Đoàn Nhữ Hài từ chân một thư sinh lên tới chức Ngự sử Trung tán, vì họ Đoàn có tài năng, trong một thời gian ngắn, mà có thể thảo hộ nhà vua tờ biểu tạ tội với Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Hoặc dưới thời vua Trần Minh Tông thì “quan ở trong triều như bọn Trần Thì Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Đỗ Thiên Hứ, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Dũ, Phạm Mại, Phạm Ngộ, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Lê Duy, Trương Hán Siêu, Lê Cư Nhân nối nhau làm quan, nhân tài đầy rẫy…”. Bàn về cách dùng người của nhà Trần, sử gia Ngô Sĩ Liên viết: “Tôi từng thấy các tướng giỏi đời Trần như Hưng Đạo vương thì học vấn tỏ ra ở bài Hịch, Phạm Điện suý (Phạm Ngũ Lão) thì hiện ra ở câu thơ, không những chỉ chuyên về võ mà thôi, mà dụng binh tinh diệu, chiến tất phải thắng, đánh tất lấy được, người xưa không ai hơn. Lê Phụ Trần thì sức khoẻ hơn cả ba quân, một mình một ngựa ra vào trong hàng trận giặc, chống đỡ cho chúa trong lúc gian nguy, mà văn học cũng đủ dạy bảo thái tử. Đủ biết là nhà Trần dùng người vốn theo tài của từng người mà uỷ nhiệm vậy…”.
Vào tháng 12 năm Giáp Thìn (1304), tức chỉ sau khoảng 5 năm được bổ dụng vào chức Ngự sử Trung tán, Trần Anh Tông đã thăng Đoàn Nhữ Hài lên làm tri Khu mật viện sự. Nhân sự kiện này, Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Vua đối với người tôn thất như Bảo Hưng vương (không rõ tên) rất là thân yêu, mà không uỷ cho làm việc chính sự, vì là không có tài làm được; còn như Nhữ Hài là học trò thôi, vì có tài cho nên không ngại uỷ dụng mau quá”.
Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, kéo dài từ đầu thế kỷ X đến giữa thế kỷ XX, vương triều Trần là vương triều vào loại thịnh trị nhất. Đó là thời kỳ quyền lợi của tập đoàn phong kiến lãnh đạo đất nước còn tương đối phù hợp với quyền lợi của toàn bộ dân tộc. Vào thời thịnh Trần, các vương hầu quý tộc Trần tỏ ra có tinh thần yêu nước nồng nàn… Trước nguy cơ đất nước rơi vào tay giặc ngoại xâm, quý tộc nhà Trần đã quyết tâm kháng chiến đến cùng. Quyết tâm đó không thể chỉ giải thích một cách đơn giản bằng yêu cầu bảo vệ thái ấp, điền trang và các quyền lợi vật chất khác. Quyết tâm đó, nói lên tinh thần yêu nước mãnh liệt của họ. Câu của Thái sư Trần Thủ Độ nói với Trần Thái Tông: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”, và câu của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nói với Trần Nhân Tông: “Nếu bệ hạ muốn hàng, trước hãy chém đầu thần đã”, biểu hiện khí phách anh hùng của quý tộc nhà Trần.
Cách lựa chọn nhân tài và sử dụng nhân tài của nhà Trần cũng khá công bằng và rộng rãi. Nhiều người xuất thân bình dân, thậm chí là gia nô, gia đinh, nếu có đức, có tài, vẫn được Nhà nước Trần cất nhắc và trọng dụng. Tất cả những điều nói trên là xuất phát từ một nguyên nhân cơ bản: Các ông vua và các nhà lãnh đạo vương triều Trần đã có đường lối tư tưởng về quyền lực chính trị sâu sắc, hợp với lòng dân… Vương triều Trần đạt được những thành tựu rực rỡ trên cả hai mặt võ công và văn trị, một phần lớn là vì bộ máy Nhà nước quân chủ quý tộc Trần tổ chức khá khoa học và hợp lý.
PGS. TS Nguyễn Hoài Văn
Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chiều 13/12/2024, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn đã đi thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở thành phố Nam Định và huyện Nam Trực.
Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024N. Phê
10:24 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình