Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trong khó khăn vẫn phát triển tăng số người tham gia BHXH

Thứ ba, 13/07/2021 - 06:36

(Thanh tra)- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục giữ được đà tăng, đặc biệt BHXH tự nguyện phát triển vượt bậc.

Ảnh minh họa: Internet

Mới đây, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020.

BHXH tự nguyện vượt chỉ tiêu Nghị quyết 28

Theo báo cáo của Chính phủ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến số người tham gia BHXH bắt buộc giảm, song số người tham gia BHXH tự nguyện tăng vượt bậc.

Năm 2020, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,1 triệu người, chiếm hơn 2% lực lượng lao động trong độ tuổi - vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, dù khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, nhưng BHXH Việt Nam đã phối hợp các ngành, các cấp ủy chính quyền địa phương, từ tỉnh đến thôn bản để thực hiện các nhiệm vụ và Nghị quyết về mở rộng bao phủ BHXH tự nguyện.

Chính nhờ sự vào cuộc chặt chẽ của các cơ quan nên số người tham gia BHXH tự nguyện đã gấp đôi năm 2019.

Cũng theo ông Mạnh, công tác thu BHXH đều đạt và vượt dự toán Chính phủ giao, năm 2020 tăng so với cùng kỳ 2019 và đến 30/6/2021, số thu BHXH cũng tăng so với cùng kỳ năm 2020.

“Trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh như vậy, số thu tăng là do cơ quan BHXH đã quyết liệt trong công tác thu hồi nợ BHXH cũng như rất quan tâm đến công tác nợ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát ngay từ khi chưa phát sinh số nợ; cán bộ BHXH các cấp đã chủ động đôn đốc thu hồi nợ tại các đơn vị phát sinh”, ông Mạnh thông tin.

Đặc biệt, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là từ khi triển khai BHXH số VssID, người lao động tự giám sát quá trình đóng của chủ sử dụng lao động, nên đã phát hiện đơn vị nợ BHXH và đã thu hồi được hàng tỷ đồng do người lao động giám sát, cùng cơ quan BHXH đòi nợ BHXH (mỗi đơn vị vài tỷ đồng).

Mục tiêu 35% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH

Với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, năm 2020 là 15.033.644 người, chiếm 31,12%, giảm 170.392 người so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, lao động tham gia trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là 918.449 người, giảm 4,63% so với năm 2019, chiếm 6,11% số người tham gia. Lao động khu vực FDI là 4.655.586 người, giảm 0,95% so với năm 2019, chiếm 30,97% số người tham gia. Lao động tham gia trong khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt 5.287.046 người, tăng 1,05% so với năm 2019, chiếm 35,17% số người tham gia.

Theo giải thích của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Bá Hoan, số đơn vị tham gia tăng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cho nên số người tham gia BHXH bắt buộc vẫn bị giảm so với năm 2019.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết thêm, theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, hết năm 2021, phải có 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Để phấn đấu đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2020, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 đã đặt ra chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH là tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 33,5%.

Tính đến hết ngày 31/12/2020, số người tham gia BHXH là 16.161.789 người, đạt chỉ tiêu đặt ra của năm 2020, bằng 95,71% so với chỉ tiêu của năm 2021.

Để đạt được số này, theo ông Hoan, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã thực sự quan tâm và chỉ đạo sát sao công tác tuyên truyền chính sách, phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp đã làm cho các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc tham gia BHXH cho người lao động; phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên dữ liệu quản lý chưa được đầy đủ, cập nhật kịp thời.

Ngoài ra, “ý thức chấp hành chính sách pháp luật về BHXH của chủ sử dụng lao động còn chưa nghiêm, người lao động chưa hiểu đầy đủ quyền, trách nhiệm của mình trong việc tham gia BHXH”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói.

Báo cáo của Chính phủ dẫn chiếu, số người hưởng BHXH một lần còn lớn, trung bình hàng năm chiếm khoảng 40% so với số người mới tham gia BHXH bắt buộc.

Ứng dụng công nghệ trong thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ đọng

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, tình hình chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng. Cụ thể, tính đến hết năm 2020, tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với năm 2019, tương đương mức tăng 15,5% so với năm 2019, chiếm 4,2% số phải thu (nợ lãi 3.017 tỷ đồng).

Năm 2020 ghi nhận sự gia tăng nhanh đóng số tiền chậm đóng BHXH ở khu vực DNNN với mức tăng số tiền chậm đóng lên đến hơn 50% so với năm 2019.

Phân tích theo thời gian chậm đóng thì số chậm đóng tập trung ở nhóm chậm đóng từ 1 tháng đến dưới 6 tháng với tỷ trọng 18,81%; nhóm chậm đóng từ 3 năm trở lên với tỷ trọng 34,4% và lãi chậm đóng với tỷ trọng 25,86%. Trong nhóm chậm từ 3 năm trở lên thì chủ yếu là chậm đóng từ 4 năm, 5 năm trở lên với tỷ trọng 92,12%.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lưu ý, số nợ BHXH bắt buộc tăng là “điều đáng báo động”.

Theo ông Mai, Chính phủ cần phân rõ từng loại nợ BHXH, loại nợ nào do chây ỳ, nợ nào do ảnh hưởng dịch Covid-19 (nợ trước và sau dịch), nợ của khối DN phá sản, giải thể... để có giải pháp phù hợp.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho hay, số nợ năm 2020 tăng nhẹ số tuyệt đối so với năm 2019, nhưng số tương đối lại giảm. Theo ông Mạnh, trong điều kiện dịch bệnh đã phân tích tuổi nợ từ dưới 1 tháng; từ 1 tháng đến 5 năm và trên 5 năm là điểm sáng trong thu hồi nợ.

“Từ việc phân loại nợ, chúng tôi phân tích các đối tượng nợ. Trong số nợ đó thì có trên 1.200 tỷ là nợ của các DN đã phá sản, giải thể và đồng thời không có địa chỉ kinh doanh - có phương án đòi nợ hiệu quả”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nói.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để xây dựng các tiêu chí nợ, nợ chây ỳ trốn đóng để có cảnh báo, phân tích đôn đốc, kiến nghị và vẫn đảm bảo theo Chỉ thị của Thủ tướng. “Chính trong dịch bệnh, công tác thanh tra, kiểm tra đã thực hiện trên ứng dụng công nghệ thông tin”, ông Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.

Trần Kiên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

(Thanh tra) - Thời gian qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai đã có chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhờ tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nam Dũng

21:38 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm