Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trên đỉnh Pá Hu

Đức Tuyền

Chủ nhật, 07/11/2021 - 21:38

(Thanh tra)- Pá Hu là xã xa lắc lơ của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Để nói về nghèo khó và xa xôi, người Yên Bái thường có câu: Nhất Chải (Mù Căng Chải), nhì Tấu (Trạm Tấu). Trong huyện Trạm Tấu, xã xa nhất và nghèo nhất khi được nhắc đến, nhắm mắt không cần phải suy nghĩ, nhiều người có thể “giơ tay mà biểu quyết” ngay cho Pá Hu.

Đường liên thôn được đầu tư, tạo điều kiện “kéo” các thôn xa xôi của xã Pá Hu gần lại với nhau, tạo điều kiện cho sự đầu tư và nâng cao dân trí. Ảnh: ĐT

Nhưng giờ đây, chuyện xóa đói nghèo ở đất này đã bước sang một chặng đường mới.

Người cũ trên đất mới

Lên Trạm Tấu lần này, may mắn tôi gặp lại Giàng A Lồng - Bí thư xã. Do việc tập trung học nghị quyết ở huyện, lại thêm lớp tập huấn cho chương trình xóa nghèo nên ông đã “xé núi” xuống huyện trước tôi 3 ngày. Trong huyện Trạm Tấu, đặc biệt đối với xã nghèo như Pá Hu, ông vốn là người nổi tiếng. Nổi tiếng về sức khỏe, nổi tiếng về chỉ đạo dân và hơn cả thế nữa ông còn nổi tiếng kể cả về sự “tự thân vận động” mà đi lên để làm gương cho đồng bào Mông ở Pá Hu.

Thời gian quả là một sự vận hành khá nhanh. Ngày nào, “băm đá” mà tìm lên gặp ông, lấy tư liệu viết về cá nhân điển hình, ông mới là người vừa qua tuổi trẻ trai. Ngày ấy, tuy ông là nhân vật điển hình, là người làm kinh tế giỏi của xã, nhưng Pá Hu chỉ được mình ông thôi. Còn 5 thôn với cái tên bảng lảng sương mây như Háng Gàng, Tà Tàu, Cang Dông… thì vẫn đói nghèo lắm.

Nhờ áp dụng khoa học công nghệ và việc khuyến khích mở rộng diện tích nên người Pá Hu đã đảm bảo được an ninh lương thực của mình. Ảnh: ĐT

Dưới mỗi ngôi nhà tranh lợp vội, cáu cặn bởi khói bếp và sương núi là những cuộc sống nghèo khó. Gần 100% hộ nghèo đói và đứt bữa. Ngoài nồi chảo để đun nấu thì hầu như các hộ dân chẳng có gì. Cái gì hỏi, người dân cũng bảo ở… trong rừng. Nghĩa là người dân không chủ động được cuộc sống của mình, kể cả lương thực. Rừng và rừng, rừng cung cấp cái ăn, rừng đã đem lại cho họ sự lệ thuộc cũng như bủa vây họ.

Đợt tập trung học nghị quyết và tập huấn cho các chương trình qua đi, ông Giàng A Lồng tìm gặp tôi và “rủ”: Lên Pá Hu cùng tôi nhé. Tôi lưỡng lự vì sợ những gì mình đã thấy, đã gặp, sợ nhất là con đường lên với xã này.

Như thể đoán định được những ngại ngần của tôi, ông Giàng A Lồng lại lên tiếng: Đi đi! Pá Hu nay khác rồi. Giờ, mặt trời đang cách núi một cây nứa. Chúng ta chỉ cần đi đến khi nào mặt trời “gặp đỉnh núi” là đến nơi rồi. Người Mông có tư duy hết sức trực tính nên đã đem lại cho ông Lồng lời so sánh hết sức dễ hiểu và thú vị. Trước sự mời mọc và “những cái khác” qua lời nói của ông Lồng về Pá Hu đã là khích lệ cho tôi lên đường.

Sau nhiều năm cho ngày trở lại, Pá Hu đã đổi thay và hết sức chính xác như lời ông Giàng A Lồng nói. Với nhiều tỷ đồng được đầu tư từ nhiều nguồn vốn, Pá Hu đã “gần” với huyện hơn bởi con đường kiên cố. Vài giờ cho việc “điều hành” chiếc xe máy, uốn lượn qua cua và dốc tôi đã đến Pá Hu.

So với ngày tôi tìm lên, nhà ông Lồng đã có thêm những thay đổi. Căn nhà đất của ông nay đã được xi măng hóa nhiều phần. Ngoài “gạo đầy bồ, thóc đầy bếp” thì ông còn nổi tiếng là người trồng rừng và chăn nuôi giỏi đại gia súc.

Chén rượu êm nồng, với chiếc bàn khá nhiều thức ăn sắp cạnh bếp, đúng theo cách nói “ăn Mông, ngủ Thái”, ông Lồng bảo, Pá Hu thay đổi là nhờ sự quan tâm của Nhà nước, với các chương trình. Nhà ông thay đổi là vì ông hay được “xuống núi” lĩnh hội các kiến thức về để áp dụng cho dân.

“Mình được đi nhiều, biết nhiều vì vậy phải biết làm nhiều thứ để cho dân thấy và học theo. Người dân trên này, nhất là người Mông, người ta chỉ thích, học và nghe theo những ai làm được thôi. Còn nói nhiều đặc biệt nói mà không làm thì người dân không thích. Vậy muốn dân nghe và học thì mình phải làm tốt trước đã…”, ông Lồng chia sẻ.

Thoát nghèo… trong mây

Là xã nằm cách mặt nước biển tới vài nghìn mét, Pá Hu nổi tiếng là đất “thống trị” của mây và của sương. Bao đời nay, người Mông với các họ như: Trang, Vàng, Thào, Mùa, Sùng trên đây cô quạnh, xa xôi nên không có giao lưu, họ chấp nhận cảnh đói nghèo. Nghèo đói bao đời đã như một “đặc sản” tưởng sẽ không bao giờ thay đổi được nếu như không có sự chú ý đầu tư, dậy dân cách thoát nghèo.

Bằng sự tự thân vận động của mình mà phụ nữ ở Pá Hu đã có điều kiện tham gia giao thương với các loại hàng hóa, dịch vụ. Ảnh: ĐT

Nhờ việc “khoanh vùng” nên các khoản đầu tư hỗ trợ đã về với đất này, cùng đó là kiến thức. Với việc xác định đúng, đầu tư đúng, lựa chọn thế mạnh để tập trung phát triển kinh tế nên việc “thoát nghèo trong mây” ở đây đã diễn ra nhanh chóng.

Đi trong các thôn của xã ngày nay thấy đâu đâu cũng bừng bừng khí thế. Dân chăm lên nương, xuống ruộng, đã làm cho “cái ngô”, “cái lúa” theo chân, theo quẩy tấu về nhà người dân nhiều hơn.

Cũng như việc xác định xóa nghèo ở các đại phương miền núi khác, lương thực và chuyển dịch cơ cấu cây trồng là cái được xác định đầu tiên với Pá Hu. Với quan điểm “có thực mới vực được đạo”, dân có no bụng mới có thể làm được nhiều thứ.

Diện tích rự nhiên của toàn xã là 3.710ha nhưng trước đây ruộng nước chỉ có khoảng 30ha. Với diện tích này, có luân canh, có quay vòng thế nào đi chăng nữa cũng không thể nào đưa dân ra khỏi cảnh thiếu ăn. Phải có thứ cây trồng khác được đưa vào và cây ngô đã được lựa chọn.

Cây ngô vào, hợp khí hậu thổ nhưỡng, đã được chọn và gieo đại trà trên hàng trăm ha. Từ việc xác định đúng hướng đi, cùng với thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động nên trong thời gian qua, tổng kết nhiệm vụ, Pá Hu đã có 20/23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt Nghị quyết Hội đồng Nhân dân xã lần thứ XVII đề ra.

Trong đó, một số chỉ tiêu đạt khá như tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 2.186 tấn, bằng 100,2% so với nghị quyết; lương thực bình quân đầu người đạt gần 974 kg/người/năm, bằng 100,2% so với nghị quyết; số lao động được tạo việc làm mới trong năm bằng 122,2% so với nghị quyết; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện quốc gia bằng 100% so với nghị quyết; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 10 triệu đồng/người/năm.

Ngoài cây ngô, trong thời gian qua, xã cũng đã triển khai thực hiện mô hình trồng dưa bở cho hiệu quả kinh tế cao tại thôn Cang Dông với quy mô diện tích 0,7 ha. Chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân trồng được 5 ha các loại cây rau màu vụ Đông, trồng 1 ha ngô sinh khối làm thức ăn cho trâu, bò trong vụ Đông Xuân.

Lương thực ổn, cũng là lúc các chương trình trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc được triển khai. Với thế mạnh vốn có về gia súc nhưng trước do dân không có vốn, lại chăn nuôi quảng canh nên tổng đàn gia súc của Pá Hu không được nhiều lắm.

Lương thực chưa chủ động, bụng dân đói, nên khi con trâu con bò đến tuổi trưởng thành, chưa kịp giữ lại để nhân đàn thì người dân đành phải dắt nó xuống chợ. Trâu, bò “lên xe” về xuôi, vào các lò mổ, gạo được quy đổi mang về, ăn chưa được bao thì con trâu con bò khác cũng chưa kịp lớn. Đàn gia súc cứ thế mà teo tóp theo mỗi năm.

Xác định thế mạnh về gia súc ở đây, bằng việc triển khai cho vay vốn để nhân đàn gia súc, lại thêm việc dân chủ động được lương thực nên gia súc không bị “hóa giá” nữa đã đem lại sự tăng lượng nhanh chóng cho các đàn.

Để chủ động thức ăn cho gia súc trên vùng mây sương này, giống cỏ Guatemala cũng được đưa vào nhân trồng trên các sườn núi. Vài năm ngắn ngủi qua, bằng việc chăm sóc nhân đàn và chủ động về thức ăn nên đàn gia súc của Pá Hu đã đạt 1.611 con.

Để đảm bảo cho các loại gia súc trong xã phát triển, ngoài vốn được vay thì người dân Pá Hu còn được Nhà nước đầu tư thêm cho việc kiên cố hóa chuồng trại. Với nguồn đầu tư này, chuồng trâu, bò đã được xây dựng. Việc kiên cố hóa chuồng trại để chăn nuôi gia súc đã đem lại vệ sinh và chống rét cho trâu bò, tạo điều kiện để người dân thuận lợi hơn cho việc nhân đàn.

Con đường sống trâu, chồm chồm đá nhẩy để dẫn vào xã Háng Gàng cũng đã được mở. Gặp Thào A Lủ trên đường, với cái cười đã có độ tự tin cho sự thoát nghèo, Lủ cho biết: Nhờ cái giống ngô, nhờ việc cho vay tiền nên tôi đã có vốn để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ngô, hiện tại gia đình mình cũng có gần 10 con trâu bò rồi đấy. Ngô lúa đã đủ ăn, đàn trâu bò này mình dành để bán lấy tiền lớn hơn. Ngoài mua ti vi, xe máy mình đã an tâm vì đã có khoản tiền để dành cho sự học hành sau này của con cái mình.

Bằng việc xác định đúng hướng đi và sự đầu tư, cùng với đó là việc nâng cao dân trí cho dân nên việc xóa nghèo tưởng như không thể trên miền đất nghèo Pá Hu nay đã thành hiện thực. Lâng lâng với men rượu, “men say” của việc xóa nghèo, tôi về. Vui hơn khi được biết tỷ lệ nghèo đã nhanh chóng giảm đi ở đây.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm