Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 18/06/2018 - 06:32
(Thanh tra)- Làm phóng viên vốn vất vả. Làm phóng viên thường trú còn cực nhọc hơn rất nhiều. Nhưng, phàm đã là phóng viên, nên một lần trong đời đi thường trú, bởi bên cạnh sự vất vả còn có niềm vui của sự trải nghiệm và cống hiến.
PV thường trú đi tác nghiệp sạt lở tại huyện Nậm Pồ. Ảnh: PTA
1. Trước khi trở thành một phóng viên, tôi tin nhiều bạn đã chuẩn bị cho mình một hành trang đầy đặn về nghề báo, từ cách đặt tít, viết sapo thật hấp dẫn đến những khuôn hình chuẩn trong một bức ảnh báo chí, trong những clip hình… Thậm chí, cẩn thận hơn, nhiều bạn sẽ tìm hiểu và định hình cho mình cách tác nghiệp trong các hoàn cảnh khác nhau.
Nhưng, tin tôi đi, thực tế cuộc sống và tác nghiệp, đặc biệt tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa rất khác biệt với lý thuyết, với bàn giấy, với những cuộc họp báo loanh quanh trong thành phố.
Dấn thân trong những vụ cháy rừng, đột kích vào khu vực hoạt động của bọn buôn lậu hay có mặt tại những vùng rốn lũ đem lại cho bạn rất nhiều trải nghiệm, giúp các bạn rút ra những kinh nghiệm quý và càng cảm thấy yêu nghề báo hơn.
Ảnh: PTA
Phóng viên thường trú nghĩa là bạn phải đi nhiều, gặp gỡ nhiều người, cảm nhận từng hơi thở cuộc sống địa phương, cảm được niềm vui, nỗi buồn của nhiều số phận.
Phóng viên thường trú ở các tỉnh miền núi lâu năm sẽ không khác gì người bản địa. Bạn sẽ hiểu những phong tục, tập quán của từng dân tộc trên địa bàn. Chẳng hạn, đến thăm một gia đình người Thái đúng bữa ăn, dù bạn đã no cũng phải ngồi vào mâm cơm và uống chén rượu với chủ nhà. Còn nếu đến bản người Hà Nhì, thấy một cánh cổng chào dựng tạm phía trên buộc dao, kiếm gỗ, đầu cánh gà, bạn đừng nên vào bởi đó là lúc họ đang tổ chức lễ cúng xua đuổi tà ma…
Mỗi dân tộc có tập tục sinh hoạt khác nhau, với trang phục, văn hóa ẩm thực, lễ hội khác nhau, tạo ra sự phong phú, đa dạng. Đây chính là những chất liệu vô cùng giàu có, hấp dẫn để phóng viên khai thác và tạo ra những tác phẩm báo chí riêng biệt.
Ảnh: PTA
Thường trú tại địa bàn vùng núi, bạn phải đi rất nhiều. Đường đi tuy vất vả khó khăn nhưng bù lại, được vi vu trên những cung đường đèo núi, lúc lên lúc xuống hay chạy giữa những cánh rừng bạt ngàn cây cối, ngắm nhìn những mảnh ruộng bậc thang chín vàng vô cùng cuốn hút, thấp thoáng những ngôi nhà của đồng bào dân tộc sau những ngọn núi đá cao sừng sững.
Tiếp xúc với đồng bào dân tộc, bạn sẽ cảm nhận được sự gần gũi, thật thà và mến khách của người dân. Lúc nào nhỡ đường hay cơn buồn ngủ ập tới, khó kiểm soát sự an toàn trên đường đi, bạn có thể ghé vào bất kỳ nhà người dân nào xin được ngủ nhờ và bạn sẽ được đón tiếp nồng hậu.
Sống ở vùng cao, người dân quý mến khách theo cách riêng của họ. Với người Mông hay người Tày, khách đến còn là dấu hiệu mang lại sự may mắn cho gia đình. Khách vào thăm nhà là phải uống đủ ba chén rượu nồng, thơm ngây ngất. Uống xong mới nói chuyện được. Khách càng quý thì càng phải uống nhiều rượu, bởi đồng bào dân tộc quan niệm uống rượu phải thật say mới thật lòng, mới dễ nói chuyện.
Ảnh: PTA
Điều thú vị của phóng viên thường trú vùng cao là được thưởng thức các đặc sản vùng miền, được khám phá nét đặc sắc trong văn hóa và cảm nhận sự khác biệt không dễ gì có được. Còn gì tuyệt vời hơn là được vào bản, lên thăm nhà ngồi nhâm nhi chén rượu ngô ngọt ngào, thơm phức với thịt khô gác bếp, tâm sự hỏi han đủ mọi chuyện với đồng bào, không còn khoảng cách và sự ngại ngần. Phóng viên qua được cửa này coi như hoàn thành một nửa công việc.
2. Nhưng, phóng viên thường trú nghĩa là phải xa gia đình, người thân, xa những gì quen thuộc. Phóng viên đã có gia đình đi thường trú, nghĩa là để lại một nửa trái tim, khối óc của mình nơi quê nhà cho những gì thương yêu nhất. Sống độc lập tại một nơi rất xa, chuyện ăn chuyện ngủ, chuyện đi lại đều lọ mọ. Mâm cơm sắp ra một mình, ngồi bên nào cũng lệch.
Điện Biên là tỉnh giao thông rất khó khăn. Từ thành phố Điện Biên xuống huyện xa nhất Mường Nhé gần 200km, đi mất một ngày đường. Từ trung tâm huyện Mường Nhé xuống xã xa nhất Sín Thầu khoảng 70km, đi mất vài giờ đồng hồ. Từ xã Sín Thầu vào các bản vùng cao hầu như phải đi bộ, leo trèo.
Ảnh: PTA
Để có được những bài viết hay, hình ảnh sinh động, phóng viên phải xuống cơ sở, vào các bản vùng sâu, vùng xa của đồng bào dân tộc, tìm hiểu tập quán sinh hoạt, phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân. Đường vào các thôn bản quanh co, hiểm trở với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Có những con đường chỉ là lối đi chăn thả trâu bò của người dân gập ghềnh, khúc khuỷu, phải trèo đèo lội suối nên xe máy không đi vào được…
Phóng viên ảnh, quay phim đi đường xa, hành lý mang theo cũng đến hai, ba chục kg với máy ảnh, máy quay, máy tính xách tay… để phục vụ tốt cho vai trò phóng viên đa năng, “ba trong một”, tác nghiệp bằng đủ loại hình thông tin, từ chụp ảnh, quay phim, đến viết bài cho báo in, báo điện tử.
Có đi làm ở những vùng sâu vùng xa mới cảm nhận được hết nỗi vất vả, khổ cực của bà con dân tộc. Ở Điện Biên có những bản “4 không”: Không điện, không nước sạch, không tư liệu sản xuất, đường giao thông đi lại hiểm trở khiến cuộc sống người dân gặp muôn vàn khó khăn.
Ảnh: PTA
Tác nghiệp trên vùng cao phải đối mặt với nhiều thử thách, nguy hiểm. Vào mùa khô là cái nóng khủng khiếp của những dãy núi đá, những cánh rừng đã bị chặt phá hoặc thảm họa cháy rừng rình dập. Mùa rét thì tác nghiệp trong cái lạnh buốt cắt da cắt thịt, nhiệt độ kéo tụt xuống âm độ tại những vùng núi cao, trâu bò chết cóng còn phóng viên chân tay đông cứng, phải ngồi sưởi ấm một lúc mới có thể tác nghiệp được.
Nguy hiểm nhất là tác nghiệp trong mùa mưa bão. Khác với bão vùng đồng bằng, mùa mưa trên các vùng núi cao có thể tạo ra những trận lũ ống, lũ quét rất nguy hiểm. Bình thường các dòng sông, con suối chảy rất êm đềm, nhẹ nhàng, nước lăn tăn mắt cá chân. Nhưng đến mùa mưa bão, khi các túi nước trong lòng núi bất ngờ ộc ra. Trong tích tắc, nước trên các dòng sông, con suối dâng lên đột ngột, cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó. Nhiều ngôi nhà xây kiên cố bị lũ cuốn trôi không để lại dấu vết. Những tảng đá to bằng cả ngôi nhà bị lũ cuốn trôi lăn lông lốc như những viên bi. Ở bờ sông, bờ suối nơi cơn lũ đi qua, có nền địa chất yếu, dễ xảy ra hiện tượng sạt lở đất. Chỉ cần mưa mấy ngày có khi nửa quả đồi lún sụt, vùi lấp tất cả mọi thứ.
Phóng viên đi tác nghiệp mùa mưa bão rất nguy hiểm, ngoài đường đi trơn trượt, hiểm họa luôn rình rập từ những cơn lũ ống dâng lên bất ngờ và đất đá có thể sụt lún bất cứ lúc nào.
Chúng tôi từng đau đớn tột cùng khi người đồng nghiệp thân thiết - phóng viên TTXVN Đinh Hữu Dư đã bị nước lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp tại cầu Thia, Yên Bái, do một nhịp cầu bất ngờ đổ sập, trong trận lũ kinh hoàng ngày 11/10/2017. Chàng trai 29 tuổi, quê Ninh Bình hy sinh để những dòng tin thông tấn được chảy mãi. Em là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ phóng viên noi theo.
Ảnh: PTA
3. Để tác nghiệp tốt, phóng viên cần trang bị cho mình một vốn kiến thức cơ bản để sống sót nơi núi rừng, từ việc đánh dấu để khỏi bị lạc rừng đến việc nhận biết loại rau rừng an toàn, cách lấy nước uống từ các dây rừng.
Ngoài đồ nghề tác nghiệp như máy quay, máy ảnh, máy tính xách tay, thẻ 3G, 4G… phóng viên phải mang theo bộ đồ sửa xe cơ bản, dao, bật lửa, lương khô… Nếu đi tác nghiệp mưa lũ còn cần phải mang theo áo phao và áo mưa che cho máy ảnh, máy quay khi tác nghiệp.
Phóng viên cũng nên học ngôn ngữ dân tộc với những câu chào hỏi cơ bản. Điều này rất dễ lấy lòng đồng bào, qua đó giúp thuận tiện cho công việc.
Và một điều nữa, cần phải uống rượu một cách thông minh, để vừa đủ độ giao tiếp, thể hiện sự chân thành nhưng đồng thời đủ tỉnh táo để hoàn thành tốt công việc của mình.
Phan Tuấn Anh
Phóng viên Cơ quan Thường trú TTXVN tại tỉnh Điện Biên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
14:37 11/12/2024Văn Thanh
13:59 11/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Cảnh Nhật
Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh
Thu Huyền
Hương Giang