Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Thứ bảy, 18/05/2024 - 07:18

(Thanh tra) - Chiều tối 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: baochinhphu.vn

Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Theo các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức quan tâm, ban hành 40 văn bản liên quan chỉ đạo việc triển khai Đề án xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai Đề án, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội ngày 16/3/2024 (theo Thông báo 123 của Văn phòng Chính phủ ngày 27/3/2024).

Các bộ đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo 14 Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó có Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Về kết quả triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn (tăng 4 dự án, 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024). Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 75 dự án với quy mô 39.884 căn (tăng 3 dự án, 1.756 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024). Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án với quy mô 115.379 căn. Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 300 dự án với quy mô 262.937 căn (có 4 dự án, 5.919 căn được chấp thuận mới).

Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã cải cách thủ tục hành chính, chỉnh lý, rút gọn điều kiện của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng thương mại đã giải ngân với số tiền là 1.144 tỷ đồng bao gồm, 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án; 11 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án.

Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An có tỉ lệ thực hiện nhà ở xã hội thấp so với mục tiêu của Đề án. Việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phát triển nhà ở xã hội là chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng, góp phần cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng về an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phát triển nhà ở xã hội cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ người khó khăn, nhất là gia đình trẻ, người mới xây dựng gia đình, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, thành phố lớn, góp phần giải tỏa bức xúc xã hội.

Các bộ, ngành vào cuộc tích cực, tuy nhiên, vừa qua phải giải quyết, xây dựng, hoàn thiện một loạt cơ sở pháp lý liên quan vấn đề này. Đến nay, các cơ quan đã trình Quốc hội ban hành các luật (Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản, Các tổ chức tín dụng), các luật đã cơ bản tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc về thủ tục, đất đai… cho nhà ở xã hội, vấn đề là sớm đưa các quy định vào cuộc sống.

Cùng với đó, cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội, gồm nguồn lực từ Nhà nước, nhân dân, xã hội, các tổ chức tín dụng (gồm ngân hàng thương mại nhà nước và ngoài nhà nước) để hỗ trợ cả người bán và người mua. Các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tích cực với các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể. Các thủ tục, điều kiện cho người vay vốn để đầu tư nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua phải đơn giản hơn.

Về các nhiệm vụ cụ thể, với yêu cầu quyết tâm, mạnh mẽ hơn nữa, có giải pháp tích cực, phù hợp, hiệu quả hơn nữa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ ngày 1/7/2024, sớm áp dụng các quy định về chính sách ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội (Luật Nhà ở), quyền thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất đai của dự án nhà ở xã hội (Luật Đất đai).

Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tập trung, ưu tiên xây dựng, trình ban hành các Nghị định hướng dẫn các luật liên quan đến nhà ở xã hội trên tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội, tránh phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng chủ trì, thường xuyên đôn đốc, phối hợp các bộ, ngành, địa phương giám sát việc thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo 123; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện, trong đó tập trung đôn đốc các địa phương thực hiện mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội năm 2024 đã được tổng hợp, công bố, rà soát, tổng hợp số liệu triển khai Đề án để có cơ sở theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc; rà soát, hoàn thiện các chính sách thuê, thuê mua, mua, phát huy kinh nghiệm triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trước đây; hướng dẫn các địa phương xây dựng chiến lược nhà ở; sớm hoàn thiện quy trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình ban hành, trong đó nghiên cứu việc thực hiện song song, đồng thời các thủ tục, ban hành tiêu chuẩn, quy trình thống nhất cho các địa phương trên cả nước; nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng nhà ở tại các khu tái định cư chưa sử dụng sang nhà ở xã hội.

Ngân hàng Nhà nước phụ trách việc thu xếp tín dụng cho cả người mua, người bán; khẩn trương chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp, nghiên cứu, xây dựng, cung cấp gói tín dụng cho người mua, mở rộng gói tín dụng, kéo dài thời gian vay lên 10-15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3 - 5% so với vay thương mại thông thường; chủ trì, phối hợp các bộ nghiên cứu, hướng dẫn các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thế chấp, vay vốn thực hiện các dự án nhà ở xã hội đơn giản, thuận lợi hơn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024-2025. Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ về nhà ở xã hội, đề xuất sớm trước ngày 30/6/2024; xây dựng, hướng dẫn các địa phương phát hành trái phiếu cho nhà ở xã hội.

Cấp ủy, chính quyền địa phương phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực, quyết liệt hơn, nhất là các thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh có công nghiệp phát triển mạnh, đông công nhân, nhu cầu nhà ở xã hội lớn. Các địa phương khẩn trương, tập trung làm quy hoạch nhà ở xã hội, lựa chọn nhà đầu tư, duyệt đối tượng mua, duyệt giá bán, các thủ tục này phải làm nhanh, thuận lợi; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, dành đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội; phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu cho nhà ở xã hội.

Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực tài chính, áp dụng công nghệ mới, rút ngắn thời gian thi công; công bố công khai thông tin về dự án để người dân biết. Các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, biểu dương, cổ vũ các mô hình tốt, cách làm hay.

PV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.

 Lợi Châu

19:47 23/11/2024
Trợ giúp pháp lý… “điểm tựa” cho người dân

Trợ giúp pháp lý… “điểm tựa” cho người dân

(Thanh tra) - Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025, thời gian qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp, nhất là đối với người dân ở các huyện miền núi, biên giới, có đồng bào DTTS sinh sống.

Đức Anh

19:47 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm