Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tạo môi trường minh bạch, đảm bảo quyền cơ bản của người di cư

Thứ sáu, 11/10/2019 - 19:49

(Thanh tra) - Ngày 11/10, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao phối hợp Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) tại khu vực miền Nam.

Toàn cảnh hội nghị. TL

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết: Theo công bố mới đây của Liên hợp quốc, trên thế giới hiện có hơn 272 triệu người di cư, chiếm 3,5% dân số thế giới, với 74% người trong độ tuổi lao động, trong khi đó vào năm 2000, số lượng người di cư mới chỉ chiếm 2,8% dân số thế giới.

Sự gia tăng nhanh chóng các dòng di cư xuyên quốc gia càng cho thấy tầm quan trọng của sự ra đời Thỏa thuận GCM - thỏa thuận liên Chính phủ đầu tiên về di cư trong việc thiết lập khuôn khổ hợp tác toàn cầu, nhằm quản lý di cư một cách hiệu quả.

Được chính thức thông qua vào ngày 19/12/2018 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73, sau hơn 18 tháng xây dựng và đàm phán, Thỏa thuận GCM là kết quả của sự đoàn kết, hợp tác, tinh thần chia sẻ trách nhiệm của các quốc gia hướng tới mục tiêu thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự vì sự phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, trong dòng di cư quốc tế mạnh mẽ đó, Việt Nam cũng là quốc gia có số lượng công dân di cư ra nước ngoài và người nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, với mỗi năm có hơn 100.000 người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, hàng chục nghìn trường hợp kết hôn với người nước ngoài và hiện có hơn 300.000 người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Thời gian qua, cùng với quá trình hội nhập, mở cửa, Việt Nam đã và đang hoàn thiện, ban hành nhiều chính sách pháp luật tạo thuận lợi cho hoạt động di cư hợp pháp, an toàn, phòng, chống di cư trái phép, mua bán người và bảo vệ quyền của người di cử.

Việc Việt Nam thông qua Thỏa thuận GCM là bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế về di cư, đồng thời tạo thêm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực này. Do vậy, việc triển khai thỏa thuận, vừa là trách nhiệm của Việt Nam khi tham gia các cam kết quốc tế, vừa là cơ hội để tăng cường công tác quản lý di cư, tạo môi trường di cư minh bạch, an toàn, đảm bảo các quyền cơ bản của người di cư.

Theo quyền Trưởng Phái đoàn Di cư quốc tế tại Việt Nam Mark Brown, di cư từ Việt Nam đến các quốc gia ngoài khu vực được coi là phức tạp về hình thức và đa dạng về mục đích.

Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến một cuộc di cư lớn chưa từng có thông qua đường biển, đường bộ và đường hàng không với nhiều mục đích đa dạng như làm việc, kinh doanh, đầu tư, học tập, chăm sóc sức khỏe, kết hôn…

Di cư phát triển mạnh mang lại cho Việt Nam nguồn tri thức và lượng tiền chuyển về lên đến hàng tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng làm phát sinh những vấn đề phức tạp liên quan quyền và lợi ích của người di cư.

Trong quá trình xây dựng các thỏa thuận GCM, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của mình trong việc thúc đẩy hiệp ước chung, trách nhiệm chung và nhất quán về mục đích trong vấn đề di cư để di cư có lợi cho tất cả các bên liên quan.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm thông tin: Ở TP Hồ Chí Minh, theo thống kê chưa đầy đủ, dân số chính thức của TP gần 10 triệu người. Tuy nhiên, trên thực tế số dân TP là 13 triệu người, trong đó có những người nhập cư đến từ những quốc gia và địa phương khác nhau. Những người nhập cư đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của TP.

Ở góc độ rộng hơn, nhiều năm qua, người lao động Việt Nam nói chung và người lao động TP Hồ Chí Minh nói riêng, thông qua các hình thức di cư khác nhau đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới. Nhiều người tìm thấy tương lai tốt hơn tại quốc gia nhập cư mới và có cơ hội quay lại đóng góp cho quê hương.

Tuy nhiên, cũng không ít người thiếu may mắn khi là nạn nhân của các vụ buôn bán người, di cư bất hợp pháp và các vấn đề xã hội khác.

Trong bối cảnh đó, thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự là nỗ lực nhằm quản lý di cư hiệu quả, hạn chế các rủi ro ở cấp độ toàn cầu, để di cư có thể trở thành động lực cho hợp tác và phát triển các quốc gia trong một thế giới mà toàn cầu hóa và thực hiện kết nối chuỗi sản xuất đang diễn ra hàng ngày.

Ông Lê Thanh Liêm hi vọng, thông qua hội nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam, TP Hồ Chí Minh và các đại biểu cùng thảo luận và cập nhật các hướng dẫn mới nhất, nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa của người nhập cư và của địa phương, quốc gia tiếp nhận.

Đồng thời tin rằng, khởi động một tiến trình di cư hợp pháp, an toàn và trật tự để giúp phát huy tối đa năng lực của người Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới, cũng như những người nước ngoài nhập cư hợp pháp sẽ nhìn thấy ở TP Hồ Chí Minh là ngôi nhà thứ 2 của mình.

Thiên Lý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm