Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sắp vận hành, chạy thử tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông

Thứ hai, 30/07/2018 - 14:13

Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được đóng điện toàn tuyến để chuẩn bị công tác vận hành, chạy thử liên động toàn dự án.

Chạy thử tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), hiện nay dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được đóng điện trên toàn tuyến để phục vụ công tác thi công, kiểm tra, vận hành, chạy thử đơn động, liên động cho từng chuyên ngành thiết bị cũng như để chuẩn bị công tác vận hành, chạy thử liên động toàn dự án.

Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân quanh khu vực công trường và các tài sản, thiết bị đã lắp đặt của toàn dự án, Ban quản lý dự án đường sắt đề nghị người dân không tự ý xâm nhập vào khu vực công trường vì sự an toàn của chính người dân; không tự ý tháo dỡ các thiết bị và tài sản của dự án; không mang vác, lắp dựng cây, cột bằng kim loại, các loại cột gỗ tươi... để tránh va chạm gây nên phóng điện dẫn đến xảy ra mất an toàn gây ra những thiệt hại đáng tiếc về con người và tài sản của dự án.

Ngay từ đầu tháng Bảy này, các đoàn tàu đã bắt đầu được chạy thử đơn động, chuẩn bị cho vận hành thử tàu toàn tuyến vào tháng Tám tới đây, sớm hơn một tháng so với dự kiến trước đây, để đưa dự án vào vận hành chính thức.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chủ động xem xét bố trí nguồn vốn hợp pháp của thành phố và triển khai các thủ tục cần thiết nhằm nâng cao năng lực cho đơn vị quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội (vốn điều lệ 1.781 tỷ đồng) với nhiệm vụ chính là thực hiện nhiệm vụ kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng hệ thống đường sắt đô thị và một số nhiệm vụ khác như tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân đáp ứng nhu cầu phát triển ngành...

Do vậy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất phương án sử dụng nguồn vốn từ vốn điều lệ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội để thực hiện công việc tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (công việc này thuộc hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của Công ty).

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội triển khai công việc tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông bằng nguồn vốn điều lệ của Công ty.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến cuối năm 2018 mới khai thác thương mại.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC./.

Theo Việt Hùng/Vietnam+

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm