Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát triển vùng chè nguyên liệu giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống

Văn Thanh

Chủ nhật, 31/10/2021 - 11:12

(Thanh tra) - Huyện miền núi Như Xuân nằm ở phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa, có các dân tộc Thổ, Thái, Mường, Kinh sinh sống. Nguồn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) dồi dào, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây công nghiệp lâu năm, đặc biệt là cây chè.

Cây chè đang được khôi phục diện tích nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống. Ảnh: VT

Cây chè trên địa bàn huyện Như Xuân có lịch sử phát triển đã gần 30 năm, là cây trồng phù hợp với vùng đất đồi, đặc biệt là các xã Cát Tân, Cát Vân, Hóa Quỳ, Yên Lễ (nay là thị trấn Yên Cát), Bình Lương, Thượng Ninh. Cây chè cho thu nhập cao hơn nhiều so với thu nhập từ các loại cây công nghiệp khác và tương đối ổn định. Cây chè đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao thu nhập cho đồng bào các DTTS trên địa bàn tham gia trồng chè, từ đó tạo động lực tích cực cho chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 của huyện Như Xuân.

Việc phát triển cây chè trên địa bàn huyện Như Xuân còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, như: Chè là cây công nghiệp dài ngày, thời gian kiến thiết cơ bản dài, chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, giá chè phụ thuộc lớn vào chất lượng và khả năng liên kết tìm kiếm thị trường.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện chưa có cơ sở thu mua, chế biến chè, đồng bào trồng chè còn thiếu kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến, thị trường nên năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp và không đồng đều.

Chè là đồ uống đòi hỏi an toàn vệ sinh thực phẩm cao, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chế biến. Vì vậy, huyện Như Xuân đã xây dựng Đề án “Phát triển vùng chè nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu trên địa bàn huyện Như Xuân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” nhằm xác định mục tiêu, giải pháp, chính sách để phát triển bền vững cây chè, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa cung cấp nguyên liệu để phát triển ngành công nghệ chế biến chè phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu là yêu cầu hết sức cấp thiết, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS và xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Chia sẻ về chủ đề cây chè giúp đồng bào DTTS ở huyện Như Xuân ổn định cuộc sống, ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kể: Cây chè đã tồn tại và phát triển trên địa bàn huyện Như Xuân gần 30 năm, từ những năm 1998, Công ty Cổ phần Cao su cà phê Thanh Hóa đã đầu tư phát triển vùng chè nguyên liệu trên địa bàn. Từ năm 2000 đến năm 2010, diện tích chè được trồng mới từ nhân giống bằng hạt tăng lên theo từng năm, cùng với đó là việc du nhập một số giống chè cành phục vụ chế biến vào trồng trên địa bàn huyện.

Năm 2010, diện tích cây chè trên địa bàn huyện phát triển lên tới 344 ha, năng suất bình quân đạt từ 6,2 đến 7,3 tấn chè búp tươi/ha, sản lượng thu hoạch trên toàn huyện đạt 2.150 tấn, vườn chè được đầu tư chăm sóc tốt, nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS đã xây dựng các xưởng sơ chế, chế biến chè thủ công và bán cho thương lái thu mua, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Hiện nay Đề án Phát triển cây chè giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030 ở huyện Như Xuân đang được triển khai nhằm phát huy hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: VT

Đến năm 2011, do Công ty Cổ phần Cao su cà phê Thanh Hóa rút vốn nên đồng bào DTTS trên địa bàn không tiếp tục đầu tư, chăm sóc cho cây chè, dẫn đến năng suất, chất lượng chè giảm, diện tích trồng chè trên địa bàn huyện thu hẹp xuống còn 61ha, năng suất búp chè tươi giảm còn 4 tấn/ha.

Từ năm 2012 trở lại đây, do nhận thức được tiềm năng phát triển kinh tế bền vững của cây chè, một số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã tự đầu tư. Nghề trồng chè đang dần được khôi phục, tuy tốc độ còn chậm và manh mún, chưa thực sự gắn với công nghiệp chế biến.

Cây chè do đồng bào tự trồng, chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống và chưa được đầu tư thâm canh, quy trình chăm sóc, bón phân, tưới nước và quản lý dịch bệnh còn mang tính thủ công, lạc hậu, chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Kỹ thuật canh tác còn nhiều bất cập, sản xuất chè lấy búp phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt đặc biệt là khâu đốn tỉa tạo tán và phòng trừ sâu bệnh nhưng hiện nay chưa được quan tâm đầy đủ, quy trình VietGAP chưa được quan tâm ứng dụng vào sản xuất. Do đó, nguy cơ gây ô nhiễm đất, nước tăng cao, năng suất không ổn định và chất lượng không đảm bảo.

Trước tình hình này, huyện Như Xuân đã xây dựng Đề án “Phát triển vùng chè nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu trên địa bàn huyện Như Xuân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Theo kế hoạch của đề án, để đầu tư 1ha chè cần chi phí từ 62 đến 73 triệu đồng tùy thuộc vào việc trồng bằng hom giống hay trồng bằng cành giâm (đây là chi phí đầu tư trong 2 năm đầu, giai đoạn kiến thiết). Trong đó, gần bằng 1/2 chi phí đầu tư là công lao động của đồng bào 30 đến 32 triệu/ha. Đối với các giống chè mới như Kim Tuyên, PH8, PH9, từ năm đầu tiên, cây chè đã cho thu hoạch bói khoảng 1,3 tấn/ha/năm; năm thứ hai cho năng suất khoảng 2,5 tấn/ha/năm. Như vậy, trong giai đoạn kiến thiết, các giống chè mới cho năng suất khoảng 3,8 tấn/ha, giá thu mua bình quân là 7 triệu đồng/tấn chè nguyên liệu, doanh thu đạt 26,6 triệu đồng/ha.

Từ năm thứ 3, cây chè bước vào giai đoạn kinh doanh, khai thác lâu dài, trong điều kiện chăm sóc tốt, thời kỳ kinh doanh kéo dài từ 25 đến 30 năm. Trong giai đoạn này, bình quân năng suất cây chè tăng ổn định hàng năm, chất lượng búp chè cũng tăng theo tuổi của cây nên càng được ưa chuộng và có giá trị càng cao. Do vậy, thu nhập của đồng bào DTTS trồng chè cũng tăng ổn định hàng năm và cao hơn nhiều so với thu nhập từ các loại cây trồng khác.

Từ năm thứ 3 đến năm thứ 5, bình quân năng suất chè đạt 8 tấn/ha, giá thu mua bình quân là 7 triệu đồng/tấn chè nguyên liệu, doanh thu đạt 56 triệu đồng/ha, trừ chi phí mua vật tư, phân bón, cây chè cho thu nhập trên 47 triệu đồng/ha.

Từ năm thứ 5 đến năm thứ 8, bình quân năng suất đạt trên 10 tấn/ha, giá thu mua bình quân là 7 triệu đồng/tấn chè nguyên liệu, doanh thu đạt 70 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí mua vật tư, phân bón, cây chè cho thu nhập từ 58 đến 60 triệu đồng/ha/năm.

Từ năm thứ 8 trở đi, bình quân năng suất đạt trên 18 tấn/ha, giá thu mua bình quân trên 7 triệu đồng/tấn chè nguyên liệu, doanh thu đạt trên 126 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí mua vật tư, phân bón, cây chè cho thu nhập từ 114 đến 117 triệu đồng/ha/năm (cao gấp hơn 11 lần so với thu nhập từ trồng keo, cao gấp 9 lần so với thu nhập từ cây sắn, cao gấp 5 đến 6 lần so với thu nhập từ cây mía).

“Đặc biệt, sau khi kết thúc thực hiện đề án sẽ tạo ra vùng nguyên liệu chè 400 ha cung cấp nguyên liệu chè búp tươi cho các xưởng sơ chế, nhà máy chế biến chè xanh xuất khẩu trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận. Sản lượng hàng năm tăng dần từ 3.000 tấn/năm đến 7.500 tấn/năm, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương, tạo công ăn việc làm tăng thêm cho 400 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn với hơn 1.000 lao động có việc làm thường xuyên, ổn định cuộc sống. Đồng thời tạo ra phong trào trồng chè trong đồng bào các DTTS, thu hút các doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào khâu chế biến, lưu thông tiêu thụ sản phẩm, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo ra nhiều chu kỳ sản xuất bền vững trên địa bàn huyện”, Trưởng phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Như Xuân cho biết.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm