Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phần 2: Đặc điểm

TS. Ngô Quốc Đông

Thứ bảy, 23/10/2021 - 11:56

(Thanh tra) - Nguồn lực của Công giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện có thể tạo ra một vốn xã hội mạnh mẽ bởi khả năng tạo ra một mạng lưới trên cơ sở những con người có chung một niềm tin, lại cùng thực hành các nguyên lý cơ bản của Công giáo trong các lĩnh vực này.

Đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo lớn tại thành phố Hồ Chí Minh xung phong đăng ký tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: VNA

Một nguồn lực được khởi phát từ niềm tin tôn giáo

Nguồn lực Công giáo trong các lĩnh vực này được chỉ dẫn bởi đức tin và truyền thống của Giáo hội Công giáo. Đây là điểm khác biệt của nguồn lực Công giáo so với các nguồn lực xã hội khác.

Nếu như các nguồn lực xã hội người ta thường nhìn thấy hai khía cạnh là nhân lực và vật lực. Nhân lực muốn nhấn mạnh tới trí tuệ, tư duy, cách nghĩ của con người trong các hoạt động sống và kiến tạo xã hội. Còn vật lực chính là các nền tảng vật chất và xã hội do con người đã tích lũy tạo dựng làm cơ sở, đòn bẩy để xây dựng các bước phát triển tiếp theo. Tuy nhiên, với Công giáo, ngoài hai yếu tố này thì người ta bàn tới nhân tố niềm tin tôn giáo đã chi phối thúc đẩy như thế nào đối với sự kiến tạo các nguồn lực cũng như hiệu quả tác động xã hội của các nguồn lực. Để xem xét điều này, chúng ta hãy trở lại Kinh Thánh và truyền thống của Công giáo.

Trong các sách Phúc Âm, người ta thấy Chúa Giêsu đã chữa bệnh cho rất nhiều người, bản thân ngài cũng có quyền năng phép lạ trong việc chữa bệnh.

Chúa Giêsu đi khắp vùng Galile và chữa bệnh cho nhiều người. Tin tức về các phép lạ của ngài đồn ra khắp các làng mạc và thành thị ở xung quanh. Người ta đem đến cho ngài người bị bại liệt, người mù, người câm cùng nhiều người bệnh khác. Và Chúa Giêsu chữa lành cho tất cả.

Chúa Giêsu đề cao việc cứu người hơn cả các luật lệ của người Do Thái lúc đó. Ngài đã chữa bệnh cho phụ nữ bị bệnh trong vòng 18 năm vào đúng dịp lễ Sa bát của người Do Thái.

Một điểm nổi bật khác trong các sách Phúc Âm chính là việc Giêsu, ngoài tư cách người thầy của các môn đệ, một người có quyền năng chữa bệnh thì bản thân cũng là một người luôn hướng tới người nghèo khổ, những kẻ bị bỏ rơi, những tầng lớp bần cùng trong xã hội.

Lời tường thuật trong các sách Phúc Âm về cuộc đời Chúa Giêsu cho thấy ngài hiểu thấu đáo những nỗi khó khăn và nhu cầu của người nghèo, và đồng cảm sâu sắc với họ. Thấy đám dân đông, Chúa Giêsu “chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”.

Lời tường thuật của Kinh Thánh về bà góa nghèo cho thấy: Chúa Giêsu không đánh giá cao sự đóng góp rộng rãi của người giàu, là những người “lấy của dư” làm của dâng, nhưng ngài quý sự đóng góp rất nhỏ của một bà góa. Hành động của bà đã làm Chúa Giêsu cảm động.

Không những động lòng trắc ẩn đối với người nghèo, Chúa Giêsu còn đích thân quan tâm đến nhu cầu của họ. Ngài và các sứ đồ có một quỹ chung, dùng để giúp đồng bào thiếu thốn. Chúa Giêsu khuyến khích những người muốn trở thành môn đồ ngài hãy ý thức bổn phận giúp đỡ người thiếu thốn.

Sau cái chết của Chúa Giêsu, các tông đồ và những người theo Tin Mừng của Giêsu đều biểu lộ lòng quan tâm đối với người nghèo xung quanh họ.

Riêng ở Việt Nam, việc Công giáo tham gia vào lĩnh vực y tế, giáo dục và từ thiện đã có từ rất sớm, tạo thành một truyền thống của Công giáo Việt Nam.

Khi các hoạt động của Công giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục và từ thiện xuất phát trước tiên từ gương người sáng lập, có bề dày trong lịch sử hằng nghìn năm của giáo hội, và đều được ghi rõ trong các kinh điển Công giáo. Điều này đã tạo ra một nguồn lực tự nhiên, giàu truyền thống, sự triển khai nguồn lực này theo quan điểm Công giáo là thể hiện một tinh thần bác ái của Kitô giáo. Đồng thời đó cũng là một phương cách sống đạo, một lối diễn tả Phúc Âm sống động trong các môi trường và các không gian văn hóa chính trị xã hội khác nhau. Nó có một sức mạnh nội lực tự nhiên từ niềm tin tôn giáo.

Một nguồn lực có giá trị và sức mạnh về luân lý đạo đức; đề cao dấn thân, phục vụ

Hoạt động của các tổ chức Công giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện chính là những khía cạnh đạo đức, luân lý thực hành hết sức cơ bản của tôn giáo này.

Với ý thức cơ bản là làm chứng cho đức tin, làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách sống động trong cộng đồng nhân loại, và những tinh thần tư tưởng của Phúc Âm không chỉ xơ cứng, đóng khung trong các nguyên lý sách vở, lý thuyết, nên những hoạt động này đều xuất phát từ giáo lý căn bản mà mọi Kitô hữu đều được răn dạy là bên cạnh việc kính Chúa thì phải biết yêu thương những người anh em đồng loại với mình.

Khi xuất phát từ đức tin và từ giáo lý, những hoạt động của Công giáo trong khía cạnh y tế, giáo dục và bác ái đều xuất phát từ tâm, từ đạo đức và lòng thương xót với những người cơ nhỡ, bất hạnh, gặp những tình cảnh khó khăn trong cuộc sống. Điều này tạo ra hai đặc trưng khác của nguồn lực này khi cung ứng các dịch vụ cho xã hội là:

Không đề cao lợi nhuận: Hầu hết các tổ chức, cũng như các nhân sự làm việc trong khía cạnh bác ái, từ thiện họ làm một cách tự nguyện và không nhận lương. Họ làm việc với tinh thần dấn thân và phục vụ. Hơn nữa, các tổ chức y tế, giáo dục như các trường nghề, mẫu giáo, phòng khám không lấy các lợi ích kinh doanh làm mục tiêu ưu tiên trong đường hướng hoạt động, mà trước hết họ hướng tới việc chứng minh cho chân lý của tôn giáo mình và thể hiện một tinh thần Công giáo. Khi không quá chú trọng vào việc đề cao lợi nhuận thì họ có được hai lợi ích là làm việc sẽ công tâm và đồng thời cũng kiếm tìm, thu hút được các nguồn vốn xã hội khác cùng tham gia chia sẻ.

Đề cao giá trị nhân bản: Tuy không đề cao các giá trị vật chất trong các hoạt động, nhưng hoạt động của Công giáo trong lĩnh vực này lại đề cao các giá trị nhân bản của con người. Học thuyết xã hội của Công giáo ngoài việc xác tín con người là hình ảnh của Thiên Chúa cần được tôn trọng thì họ cũng đề cao phẩm giá của con người: Mỗi con người đã sinh ra dù lành lặn hay khuyết tật, dù may mắn giàu có hay không may bất hạnh đều là những phẩm giá bình đẳng như nhau và cần được tôn trọng.

Việc thực hành bác ái Kitô giáo trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhằm tạo ra những cơ hội cho những người kém may mắn được hòa nhập phát triển. Bản thân rất nhiều cá nhân và tổ chức Công giáo hoạt động trong các lĩnh vực này cũng luôn ý thức họ đang thực hành các điều mà Thiên Chúa dạy nên thường tự răn mình là những tấm gương tiên phong trong việc dấn thân, phục vụ.

Người ta cũng chưa thấy các hiện tượng tiêu cực như bạo hành học sinh, ngộ độc thức ăn trong những môi trường giáo dục này. Điều này phản ánh một thực tế rằng, rõ ràng các cơ sở giáo dục mầm non Công giáo có một mặt bằng chất lượng tốt và nhân tố con người trong đó thường đạt chuẩn về các hành vi luân lý, đạo đức.

Các hoạt động từ thiện xã hội của Công giáo có những điểm mạnh cần đáng lưu ý và ghi nhận: Chẳng hạn, các chức sắc Công giáo, làm việc bằng tinh thần tự nguyện, nhiệt tình mong muốn đem lại niềm vui cho đồng bào. Mặt khác, hầu hết các tu sĩ luôn thực hiện đúng theo giáo lý, tôn chỉ tôn giáo, cũng như luôn tuân thủ pháp luật hiện hành của Nhà nước, không có sự vụ lợi cá nhân. Do chức sắc tôn giáo có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín hữu nên các hoạt động từ thiện xã hội của Công giáo được người dân đồng tình ủng hộ và tiếp đón nhiệt tình.

Có lẽ vì đề cao đạo đức nhân bản, chú trong việc dấn thân phục vụ nên người ta ít thấy các khía cạnh tiêu cực trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và từ thiện do Công giáo tổ chức và thực hiện.

Tuy nhiên, những điểm mạnh về nguồn lực Công giáo trong lĩnh vực này không phải tuyệt đối hóa, trong sáng như pha lê, bởi bản thân Công giáo cũng như tất cả các tổ chức tôn giáo khác đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các giá trị thế tục với các giá trị tôn giáo của riêng mình.

Một nguồn lực có khả năng huy động vốn xã hội mạnh mẽ

Niềm tin vào Chúa Kitô Giêsu đã tạo ra một cộng đồng tín hữu Công giáo đông đảo và rộng khắp. Tính đến 2014, trên thế giới có khoảng 7.093.798.000 người thì tín đồ Công giáo chiếm khoảng 1.253.926.000 người, chiếm khoảng 17,68% dân số thế giới. Riêng ở Việt nam có khoảng gần 7 triệu người Công giáo trên khoảng 96 triệu dân, chiếm tỷ lệ khoảng 7,3% trên tổng dân số. Như vậy, tín đồ Công giáo chỉ đứng sau Phật giáo về mặt số lượng, nên là một nguồn lực xã hội đáng kể.

Nguồn lực của Công giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện có thể tạo ra một vốn xã hội mạnh mẽ bởi khả năng tạo ra một mạng lưới trên cơ sở những con người có chung một niềm tin, lại cùng thực hành các nguyên lý cơ bản của Công giáo trong các lĩnh vực này.

Sở dĩ Công giáo có thể tạo ra các mạng lưới liên kết rộng khắp và thống nhất trong hoạt động là vì những thành phần của tôn giáo này có thiết chế và tổ chức chặt chẽ. Hơn nữa, riêng ở Việt Nam đó còn là một truyền thống vâng phục của tín đồ đối với các đấng bản quyền của mình, nhất là khi họ đứng ra tổ chức hoặc kêu gọi giáo dân hãy chia sẻ cho các vấn đề xã hội. Nhưng sự vâng phục này trong việc dồn lực cho các công việc trong đó có bác ái, giáo dục lại nhằm thể hiện một tinh thần tự tôn của Công giáo.

Có những khía cạnh người Công giáo, họ tự tôn rằng chỉ có họ mới là người tiên phong khởi xướng, chẳng hạn việc chăm sóc phục vụ thành lập các trại phong. Sự tự tôn đó như trên đã trình bày họ muốn chứng minh về chân lý của tôn giáo mình và muốn cho đức tin của họ hiện diện và sống động ngay nơi những người nghèo khổ, giữa đời thường như gương Chúa Giêsu xưa kia đã làm.

Nguồn lực Công giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện có thể tạo ra một vốn xã hội mạnh mẽ còn một nguyên nhân khác là tôn giáo này là một tôn giáo có ảnh hưởng toàn cầu, đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Islam giáo.

Ở Việt Nam do bối cảnh chiến tranh và lịch sử truyền giáo, nhiều dòng tu nhiều chức sắc có mối quan hệ quốc tế, có thể tạo ra những liên kết trong đào tạo, hỗ trợ, tư vấn cho các tổ chức Công giáo trong nước thực hiện các chức năng của mình trong các khía cạnh y tế, giáo dục, từ thiện xã hội.

Hiện nay cả nước có khoảng 32 nghìn tu sĩ, trong đó đa số có trình độ học vấn và quan hệ quốc tế rộng rãi, họ có đời sống độc thân và hiến dâng trọn đời cho lý tưởng Kitô giáo nên đây thực sự là một nguồn lực xã hội mạnh mẽ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và từ thiện xã hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm